ForeverMissed
Large image
Tributes
May 31, 2021
đã có 44 views......
xin mời các AHCC vào xem và ghi lại Tributes hay Stories về AHCC Phan Việt Ái .... CÁM ƠN
May 31, 2021
Cảm nhận của thầy Phan Việt Ái về Việt Nam....

Vì đã sống liên tục 26 năm ở Mỹ và sau đó, sống cũng như công tác liên tục hơn 22 năm qua tại 32 quốc gia khác nhau từ Nam Mỹ, Phi Châu đến Á Châu và Úc, tôi hay bị “điều tra” để so sánh về bậc thang giá trị giữa nhiều quốc gia và dân tộc. Về Việt Nam, cảm nhận chủ quan của tôi như sau:

Những vấn nạn hiện tại của Việt Nam như kinh tế, tài chính hay y tế, giáo dục, môi trường và dân trí… đều rất quen thuộc với các quốc gia trong tình trạng “mới nổi”. Các vấn nạn này, 15 năm trước Trung Quốc đã trải nghiệm, 30 năm trước Thái Lan đã phải đối đầu, 60 năm trước Nhật Bản đã phải vượt qua và 100 năm trước, nước Mỹ đã tìm cách giải quyết. Chúng ta chậm hơn người, nhưng lại có lợi thế là có thể dùng kinh nghiệm của kẻ đi trước để tránh nhiều sai lầm. Chúng ta có thể lạc quan mà nghĩ rằng Việt Nam sẽ “đi tắt đón đầu” hay chúng ta có thể bi quan mà cho rằng Việt Nam sẽ không bao giờ “vượt bẫy thu nhập trung bình” như nhiều chuyên gia lo ngại. Thực sự, tôi tin rằng không ai có thể đoán được.

Theo những hành xử trong quá khứ thì người Việt chúng ta có nhiều kỹ năng đặc biệt như khôn ngoan, cần cù, cầu tiến, can đảm… nhưng cũng vướng nhiều khuyết điểm như manh mún, hình thức, cẩu thả… Xét về thành quả đã qua, thì kinh tế, xã hội Việt Nam đã phát triển chậm hơn các quốc gia đang mở mang khác (tính từ năm 1975 sau khi có hoà bình). Nói tóm lại, trong một lớp học của thế giới, thì cậu học trò Việt Nam được xếp hạng một chút dưới trung bình. Không quá tệ để xấu hổ, nhưng cũng không gì xuất sắc để hãnh diện.

Theo kinh nghiệm, một cậu học trò dở có thể tìm một nghị lực và phương pháp học mới hơn để đạt tiến bộ nhanh và trở thành một học trò đầu bảng. Ngược lại, một anh sinh viên ưu tú có thể gặp một mối tình ngang trái và suy sụp đến độ bỏ học. Không ai có thể ngăn cản Việt Nam trở thành một học trò đầu bảng, và tôi hy vọng đất nước này sẽ may mắn không trải qua nhiều cuộc tình ngang trái.

Thực ra, dù nhìn trên khía cạnh nào, chuyện tự hào dân tộc không đáng để chúng ta lưu tâm vì nó không ảnh hưởng gì đến tương lai của xứ sở. Cổ vũ cho một đội nhà nồng nhiệt và hoành tráng đến đâu cũng không làm thay đổi kết quả trận đá bóng (đôi khi còn có hậu quả ngược lại vì làm các vận động viên quá căng thẳng). Việc làm duy nhất để thay đổi tương lai của chúng ta là cố gắng liên tục và bền vững của từng cá nhân, từng cộng đồng, từng tầng lớp xã hội. Sự tiến bộ này của ngày hôm nay so với ngày hôm qua mới là thành quả để hãnh diện hay xấu hổ, không phải là lời khen tiếng chê từ người ngoài.

Người Mỹ có câu nói: “Ở lứa tuổi 20, ta thường rất quan tâm đến suy nghĩ của người khác về mình. Ở lứa tuổi 40, ta thường mặc kệ ai muốn nghĩ sao về mình cũng được. Cho đến lứa tuổi 60, ta mới khám phá ra rằng là chẳng ai nghĩ gì về mình cả.”

- TS. Alan Phan -

Trích từ sách Góc nhìn Alan về xã hội (Thuộc Bộ di sản Alan Phan)

Tìm hiểu thêm thông tin sách tại đây: http://bit.ly/Goc-nhin-alan-bo-di-san-alan-phan
May 31, 2021
Bài giảng của thầy Phan Việt Ái
Ngày còn hoạt động tích cực tại Trung Quốc, tôi được các viện đại học Fudan (Phúc Đán) và Tongji (Đồng Tế) mời dạy lớp Nghệ thuật Kinh doanh (Entrepreneurship) cho sinh viên các lớp EMBA (Executive Master of Business Administration). Câu hỏi thường xuyên được sinh viên đưa ra là các yếu tố nào giúp một doanh nghiệp thành công? Tôi suy ngẫm và ghi nhận năm đúc kết, được xếp theo thứ hạng.

1. Động lực, lòng tham và ngọn lửa trong người:

Yếu tố này quan trọng nhất vì nó định đoạt vận mệnh của doanh nghiệp. Đi đến đích hay bỏ cuộc là do ngọn lửa trong người. Khi khởi nghiệp thì ai cũng đầy ắp ý tưởng tốt, sáng tạo và đặc thù.

Nhưng để ý tưởng trở thành hiện thực, doanh nhân phải đối diện với nhiều thử thách, khó khăn, tình thế tuyệt vọng và nếu không còn động lực, việc bỏ cuộc đầu hàng sẽ là lựa chọn đầu tiên.

2. Thời gian và nỗ lực:

Thiên tài đầy tham vọng mà không chịu đổ mồ hôi thì cũng chỉ là một người thất bại, khó tạo dựng được gì bền vững.

Tôi chưa thấy một doanh nhân thành công nào chỉ làm 40 giờ đồng hồ trong tuần. Công thức áp dụng cho họ là 24/7, vì một doanh nhân ngủ cũng mơ thấy công việc làm ăn.

3. Sức khỏe để đối phó với áp lực:

Những áp lực và lời khen tiếng chê từ gia đình, đối tác, cổ đông, nhà tài trợ, nhân viên, nhà cung cấp, khách hàng, chính phủ và ngay cả xã hội luôn đè nặng trên vai doanh nhân. Nếu không có một thân thể khỏe mạnh để giữ tinh thần sáng suốt, bình tĩnh thì không thể làm tốt công việc quản trị. Khi một doanh nhân trẻ hỏi tôi cần làm gì trước, tôi khuyên nên đi kiểm tra sức khỏe. Phải bảo đảm mọi nội tạng trong người, nhất là tim, gan, thận và huyết áp bình thường trước khi nhập cuộc. Và sau đó, phải thường xuyên tập luyện để giữ sức khỏe.

4. Liều lĩnh, dám làm, dám chấp nhận rủi ro:

Chỉ cần một sai lầm nhỏ cũng có thể giết chết một đại công ty như Arthur Andersen, Lehman Brothers hay khiến nó trở nên suy yếu quằn quại như BP. Tỷ lệ rủi ro trong kinh doanh quá cao. Nếu một người giỏi về toán và thống kê thì họ sẽ không làm doanh nhân. Tôi nói đùa những doanh nhân là những người… dốt toán nhất và chỉ có thể vượt qua được đặc điểm này bằng sự lạc quan phi lý, lối xử lý liều lĩnh ngang ngược. Chỉ nghĩ đến hình ảnh khi làm ăn thất bại, có thể sẽ mất tất cả, từ gia đình, bạn bè đến tài sản, tiếng tăm... cũng đủ khiến nhiều người bình thường phải chùn chân.

5. Kinh nghiệm, quan hệ, kiến thức:

Nếu chưa có những yếu tố này thì phải lo tạo dựng cho đầy đủ trước khi ra trận mạc. Kiến thức có thể thu thập nhanh chóng nếu chịu khó bỏ ra hai tháng, suốt ngày đọc các bài viết về ngành nghề mình chọn (Google là một nguồn thông tin không thể thiếu). Sau đó, phải tạo dựng những mối quan hệ với bất cứ cá nhân nào có liên quan ít nhiều đến lĩnh vực kinh doanh mình theo đuổi. Những nhân vật này có
thể truyền lại những kinh nghiệm quan trọng mà mình thiếu sót.

Một yếu tố khác cũng quan trọng không kém, nhưng tôi không phải là… thầy bói nên không có ý kiến. Đó là sự may mắn. Khi đánh bạc thắng, các bạn tôi hay đùa là “thánh nhân đãi kẻ khù khờ”, còn nhiều người tài năng kinh nghiệm bị thất bại thì an ủi mình bằng câu “số mình chỉ phát sau 60 tuổi”. Có lẽ mỗi doanh nhân nên lấy lá số tử vi trước khi kinh doanh? Thực sự, không hiếm các doanh nghiệp Trung Quốc, lớn hay nhỏ, thường nhờ đến các pháp sư phong thủy khi làm ăn và nhà máy hay văn phòng họ cũng đều có bàn thờ “thần tài”. Điện thoại, biển số xe, số nhà… đều phải có số 6 hoặc số 8.

Khát khao thành công là một động lực cần thiết nhưng cũng lắm doanh nhân quên đi những rủi ro tiềm ẩn trong mọi vấn đề. Có nhiều cách để giảm thiểu tỷ lệ này, tương đối thôi, vì thực trạng làm ăn lúc nào cũng phức tạp.

Khi khởi nghiệp, nếu cẩn thận, nên mua lại một công ty đang hoạt động, có doanh thu và lợi nhuận, đo lường được từ những kiểm tra số liệu (chỉ áp dụng tại Mỹ, không thể tin vào tài liệu do Trung Quốc cung cấp). Một dạng kinh doanh khá phổ biến tại Mỹ là hợp đồng nhượng quyền (franchise). Nếu tìm được một franchisor có uy tín, kinh nghiệm, thương hiệu và ngành nghề mình thích, doanh nhân sẽ giảm thiểu tỷ lệ rủi ro vì sự hỗ trợ về quản trị, tài chính, phương cách làm ăn (know-how) và nhiều yếu tố thành công khác. Một mô hình làm ăn khác là tìm những đối tác hay những nhà tư vấn kinh nghiệm, đã thành công trong ngành nghề và cho họ một tỷ lệ cổ phần để họ giúp vượt qua những khó khăn lúc ban đầu. Tuy vậy, phải luôn luôn nhớ rằng, tiền của mình thì mình phải lo gìn giữ và tính toán. Ngoại trừ sự may mắn, không một ai có thể giúp mình, kể cả vợ con.

Một cá tính khác là doanh nhân thường lạc quan, do đó, các dự toán về kinh phí hay doanh thu, lợi nhuận của họ thường bị lệch lạc, hoang tưởng. Tôi có một “luật riêng” (rule of thumb) là chi phí thực sự luôn gấp đôi số tiền mình dự trù và thời gian thực hiện mọi tiến trình luôn phải nhân lên gấp ba. Tính lạc quan cũng khiến doanh nhân đánh giá quá cao về khả năng của mình, cũng như đánh giá quá thấp khả năng của đối thủ. Giống như trên chiến trận, doanh nhân “phải biết mình biết ta thì mới trăm trận trăm thắng”.

Như đã nói, điều nguy hiểm nhất với doanh nhân là khi đã có chút thành công, khuynh hướng bốc đồng, làm nhanh, đánh mạnh, nghĩ mình dư tài năng để vươn cao, để “đi tắt đón đầu”. Đây là thời điểm đã chôn vùi rất nhiều nhân tài. Cổ nhân Hy Lạp thường nói: “Khi Thượng Đế muốn hủy diệt một người nào, Ngài sẽ biến kẻ đó thành anh hùng trước đã”. Đó là lý do tại sao nhiều người sợ thành công hơn thất bại.

Chuyện về kinh doanh thì như huyền thoại “nghìn lẻ một đêm”. Chúng là những hồi ức, kinh nghiệm và xương máu, luôn luôn thú vị khi nhìn lại, luôn luôn đắng cay khi trải nghiệm. Chặng đường kinh doanh của tôi không ngờ là đã trải qua hơn 42 năm rồi. Những biến cố thăng trầm ấy là những tiến trình cần thiết cho sự trưởng thành. Oái oăm hơn cả là khi mình biết cách chơi để thắng thì trọng tài lại thổi còi kết thúc trận đấu. Nhưng trên hết, trong lòng tôi, chỉ có sự cảm tạ về một định mệnh đã đẩy tôi vào hành trình kinh doanh kỳ thú này. Bao nhiêu tiền bạc hay tài sản cũng không dễ mua nổi những phiêu lưu đầy sóng gió, những thành công hay thất bại tạm thời và những chân trời mới để khám phá. Có lẽ vì kinh doanh là một trải nghiệm “thực” nhất trên chốn… giang hồ.

Trích từ sách 42 năm làm ăn tại Mỹ và Trung Quốc (thuộc Bộ sách Di sản Alan Phan)

http://bit.ly/bo-sach-di-san-alan-phan-tiki

http://bit.ly/bo-di-san-alan-phan-shopee
May 31, 2021
Hỏi Đáp của thầy Phan Việt Ái ( Alan Phan)
"Khi bạn cảm thấy chưa có sự an toàn trong việc mưu sinh thì có lẽ bạn chưa đủ kỹ năng và kinh nghiệm cũng như đam mê để có thể khởi nghiệp."

TS. Alan Phan

Câu hỏi 1

Thưa Tiến sĩ Alan Phan, một trong những điểm mấu chốt khi khởi nghiệp là phải có một kế hoạch kinh doanh bài bản. Tuy nhiên, để có thể xây dựng được một kế hoạch như vậy cần phải có thông số về sản phẩm, thị trường, cạnh tranh... mà điều này đối với một người mới là rất khó vì không có kinh phí để thuê đơn vị tư vấn, nghiên cứu thị trường. Vậy xin tiến sĩ cho biết cách giải quyết vấn đề này như thế nào? (Nguyễn Phong)

TS. Alan Phan: Thực tình, chỉ cần học vài yếu tố chuyên nghiệp trong vấn đề nghiên cứu mình có thể tự làm phần lớn những công việc mà các nhà tư vấn thường làm. Ngoài ra, bạn vẫn còn có cơ hội để tiếp cận những bậc lão thành đã hoặc sắp về hưu. Họ sẽ có rất nhiều thời gian để giúp các bạn trẻ như bạn thực hiện ước mơ của mình.

Ngoài ra, bạn phải biết học hỏi, phải sử dụng thời gian thật hữu hiệu, phải hiểu quy trình nghiên cứu trên các mạng Internet. Đồng thời bạn phải biết networking, tức là liên thông với các người có thể giúp mình.

Câu hỏi 2.

Thưa tiến sĩ, ông nghĩ sao về việc bán hàng đại lý ăn 40% trên mỗi sản phầm (sản phẩm T-Shirt đồng giá 300.000 đồng). Em ở khu phố cổ thuận tiện khách du lịch. Mặt bằng em tính đầu tư tầm 5 triệu đồng tháng, không phải đặt cọc tiền hàng, hưởng theo doanh thu bán hàng, vậy em có nên tiến hành không? (Hai Nam, Da Nang)

TS. Alan Phan: Kế hoạch kinh doanh phải có nhiều chi tiết hơn là những con số bạn trình bày ở trên. Chẳng hạn như có khoảng bao nhiêu khách hàng mục tiêu? Mức cạnh tranh có nhiều không? Giá bán có hợp lý? Tổng chi phí điều hành là bao nhiêu mỗi năm? Tổng doanh thu dự trù bao nhiêu?...

Tất cả những điều đó bạn phải viết ra môt kế hoạch kinh doanh dựa trên những mẫu kế hoặch được tìm trên google của các nhà bán lẻ.

Câu hỏi 3

Thưa tiến sĩ, tôi chỉ có một mình và con gái. Hoàn cảnh gia đình khó khăn và tôi phải tự lập từ nhỏ. Tôi hiện làm nhân viên kế toán và mới chỉ tích cóp được 50 triệu làm vốn. Tôi muốn khởi nghiệp, thoát khỏi cái nghèo nhưng vốn nhỏ, không thể nghỉ việc để theo đuổi, trong khi bao nhiêu chi phí hàng ngày phải gánh. Tôi cứ đọc và tìm hiểu cách làm giàu mà vẫn chưa tìm ra hướng đi nào phù hợp với mình. Với hoàn cảnh như vậy, tôi có thể chọn con đường và hướng đi như thế nào để có thể làm giàu? (Nguyễn Thị Thủy)

TS. Alan Phan:Thứ nhất, bạn phải tìm cho mình một kỹ năng và nhiều kinh nghiệm hơn nữa trong bất cứ một ngành nghề nào hay một mô hình kinh doanh nào.

Còn khi bạn cảm thấy chưa có sự an toàn trong việc mưu sinh thì có lẽ bạn chưa đủ kỹ năng và kinh nghiệm cũng như đam mê để có thể khởi nghiệp.

Câu hỏi 4

Kính chào ông Alan. Tôi năm nay 40 tuổi, có bằng MBA, đã lăn lộn nhiều công việc từ hơn 15 năm nay và hiện là CEO của một công ty nhỏ tại VN. Tuy nhiên, tôi muốn rút lui về tự kinh doanh. Vốn cũng có chút nhưng không nhiều (2 tỷ đồng) nên muốn xin lời khuyên phải làm gì. Tôi rất mê kinh doanh nhưng cái muốn làm thì không đủ vốn và ở Việt Nam cái gì cũng có hết rồi. Thêm nữa, tôi còn cái bệnh là cái gì cũng biết và phân tích quá nhiều nên cuối cùng thấy cái gì cũng không khả thi. Xin cảm ơn ông! (Đăng)

TS. Alan Phan: Tôi nghĩ vấn đề nhiễu thông tin và dữ liệu là một vấn đề chung của mọi doanh nhân. Tuy nhiên, những người biết quyết đoán thường vượt qua nhờ tập trung vào một thị trường ngách nơi mình có những lợi thế cạnh tranh nhiều nhất. Dù Việt Nam hiện nay đã có nhiều mô hình kinh doanh nhưng tôi tin vẫn có những phân khúc còn bỏ ngỏ.
Với kinh nghiệm và khả năng tìm tòi tôi nghĩ ông có thể nhìn thấy vấn đề rõ ràng hơn, nhất là khi đã thử nghiệm vài mô hình tượng trưng.

Câu hỏi 5

Theo ông, việc thành lập một quỹ tư nhân sẽ được bắt đầu như thế nào? Có sự khác biệt giữa các quy chuẩn của Việt Nam và quốc tế trong việc lập quỹ này không? (Đặng Hà, TP Đà Nẵng)

TS. Alan Phan:Có vài khác biệt về những điều kiện pháp lý khi thành lập cũng như khi điều hành các quỹ đầu tư tư nhân. Vấn đề chính là tìm được khách hàng (những nhà đầu tư chịu bỏ tiền vào quỹ của mình). Muốn vậy, phải cho nhà đầu tư sự tin cậy bằng cách chứng minh khả năng minh bạch và kiếm lợi nhuận tốt của quỹ.

Câu hỏi 6

Thưa tiến sĩ, ông nghĩ thế nào về đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam lúc này. Tôi có tầm khoảng 10 tỷ đồng và muốn bắt đầu đầu tư sản xuất. Vậy ông có thể cho tôi lời khuyên phù hợp được không? (Chiêng,Thanh Xuân, Hà Nội)

TS. Alan Phan: Ông không nói rõ công nghiệp phụ trợ gì và lợi thế cạnh tranh của ông nằm ở đâu? Do đó, tôi nghĩ ông cần làm một kế hoạch kinh doanh chi tiết hơn theo những mẫu hình tìm trên mạng.

Câu hỏi 7

Tôi muốn đầu tư nhỏ bằng việc xuất khẩu nước mắm Việt Nam qua thị trường Thái Lan trong vài tháng tới. Ông đánh giá như thế nào về cơ hội này? (Võ Hồng)

TS. Alan Phan: Nếu nước mắm hay bất cứ sản phẩm nào của ông cần có một điểm nhấn thật đặc biệt và tạo sự thích thú với khẩu vị của người Thái Lan thì tôi nghĩ sẽ có nhiều cơ hội.

Tuy nhiên sự cạnh tranh và phí tổn để tiếp thị khá cao. Ông phải biết rõ khả năng và kinh nghiệm của mình về hai vấn đề mấu chốt này.

Câu hỏi 8

Em học kinh doanh và công nghệ thông tin, đã từng làm ở một vài công ty. Năm qua em có kinh doanh thời trang nhưng khó khăn quá nên đã nghỉ. Em có vốn khoảng 50 triệu đồng nên kinh doanh gì cho phù hợp với ngành nghề em đã từng học? (Hoàng Anh)

TS. Alan Phan: Một câu hỏi quá cá nhân để có thể trả lời chính xác! Em đã có kinh nghiệm trong ngành IT, tại sao lại đi kinh doanh thời trang? Khi kinh doanh, em cần biết rõ lợi thế cạnh tranh và những rủi ro sẽ gặp.

"Khi thất bại, học bài học và phân tích lý do. Sau đó, quên ngay kinh nghiệm. Thương trường còn nhiều trận đấu, đừng khổ tâm và suy nghĩ quá lâu vì tương lai không phải là quá khứ. "

TS. Alan Phan

Câu hỏi 9

Ở độ tuổi 42 tuổi, tôi muốn bỏ công việc hiện tại (nhân viên văn phòng) để bắt đầu ra kinh doanh, liệu có mạo hiểm lắm không. Ví dụ như vay tiền ngân hàng để mở hiệu sách có được không? (Trịnh Huỳnh Chấn, 42 tuổi, Binh Dương)

TS. Alan Phan: Khả năng kiếm lời từ kế hoạch kinh doanh của bạn liệu có vượt mức lãi suất phải trả ngân hàng khi đi vay? Bạn phải làm một nghiên cứu cẩn thận về lợi thế cạnh tranh của mình. Ngoài ra, theo tôi biết vấn đề bán sách báo, giấy qua tiệm lẻ đang bị cạnh tranh khắc nghiệt bởi các sách báo điện tử?

Câu hỏi 10

Theo tiến sĩ thì những người kinh doanh nhỏ lẻ nên vay thêm bao nhiêu % so với số vốn mình đang có để kinh doanh mà không gặp rủi ro nhiều ? (Thanh Tùng, 29 tuổi)

TS. Alan Phan: Tốt nhất là 100% OPM (vốn vay của người khác). Tuy nhiên, phải tránh lối vay bất hợp pháp.

Câu hỏi 11

Tôi định kinh doanh hải sản khô (tôm, cá, mực…), với nguồn hàng từ Kiên Giang lên TP HCM. Ngoài ra, tôi còn có dự định đưa hàng sang Lào bán. Tiến sĩ có lời khuyên gì dành cho tôi với kế hoạch này? (Nguyễn Thị Hạnh)

TS. Alan Phan:Khi buôn bán nhỏ lẻ bạn nên lưu ý về giá hàng, mức tin cậy của người bán cũng như người mua và các chi phí phát sinh bất ngờ. Đặc biệt, bạn nên lưu ý về số tiền vay mượn.

Câu hỏi 12

Xin hỏi ông Alan Phan, tôi muốn đầu tư vào lĩnh vực phầm mềm, cụ thể là lập nên một nhóm các anh em viết phần mềm cho điện thoại, máy tính bảng... Theo ý kiến của ông thì lĩnh vực đó ở Việt Nam có thuận lợi và khó khăn gì? (ĐOÀN HÀ, 38 tuổi, TP HCM)

TS. Alan Phan:Hiện nay đã có rất nhều bạn trẻ đang làm những việc mà bạn dự định làm. Nhiều người thành công và cũng rất nhiều người thất bại. Với ngành IT khả năng sáng tạo là yếu tố mấu chốt và chỉ bạn mới có thể trả lời lợi thế cạnh tranh của mình.

Câu hỏi 13

Tôi có số vốn 100 triệu, đang muốn mở một siêu thị mini đầu tư khoản 500-700 triệu. Vậy tôi có nên vay ngân hàng để kinh doanh không(lãi suất 14-15%)? (Nguyễn Trang, 30 tuổi)

TS. Alan Phan: Bạn nên làm một kế hoạch kinh doanh để hiểu rõ mức sinh lời mà bạn kiếm được có vượt trội 15% sau khi trừ mọi chi phí.

Câu hỏi 14

Thưa tiến sĩ, ngài đánh giá thế nào về ngành dịch vụ vệ sinh công nghiệp hiện nay và trong 10 năm tới. Tôi đang theo đuổi ngành này và muốn biết thị trường để đầu tư: nên tập trung vào Khu công nghiệp hay thành phố? (Nguyen Song Hao, 32 tuổi, Bac Ninh)

TS. Alan Phan: Tôi nghĩ tiềm năng của ngành rất cao theo kinh nghiệm của các quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên, bạn phải nghiên cứu kỹ những chi tiết qua các dữ liệu thông tin để làm một kế hoạch kinh doanh bài bản.

Câu hỏi 15

Thưa chú, cháu đang có kế hoạch kinh doanh làm đồ chơi gỗ. Chú có thể vui lòng làm người đỡ đầu, hướng dẫn cháu được không ạ? (Dung Nguyen, 35 tuổi, 53 Phan Van Han P.17 Binh Thanh TP.HCM)

TS. Alan Phan: Chú không biết nhiều về lĩnh vực kinh doanh này. Nhưng nếu cháu kinh nghiệm và những quan hệ tốt trên những thị trường lớn Âu, Mỹ thì tương lai cháu sẽ rất tốt và không cần đến chú.

Câu hỏi 16

Tôi thấy ông luôn phát biểu nhắc nhở nhà đầu tư “hãy giữ cẩn thận tiền của mình, tránh hoang tưởng”. Như vậy có được hiểu là không nên đầu tư mà chỉ nên gửi tiết kiệm trong thời điểm này? (Một nhà đầu tư ít tiền)
TS. Alan Phan: Có nhiều cách kiếm tiền tốt hơn là gửi tiết kiệm mà cũng khá an toàn, tùy vào thời điểm và giới hạn (3 năm hay 10 năm). Nếu đầu tư dài hạn hơn 10 năm, tôi đề nghị một số kênh như vàng, trái phiếu của các công ty đa quốc gia, chứng chỉ ETF…

Câu hỏi 17

Thưa ông Alan, chứng khoán Việt Nam hiện tại có điều gì mà các nhà đầu tư cần chú ý khi tham gia? (Bùi Quang Liệu, 32 tuổi, Khâm Thiên – Hà Nội)

TS. Alan Phan:Điều quan trọng nhất khi tham gia thị trường này là bạn phải biết rõ mình biết gì và khả năng hiểu biết của mình có chính xác hay không?

Câu hỏi 18

Cho tôi hỏi, nếu đầu tư vào chứng khoán bằng tiền vay ngân hàng với lãi suất 15% một năm thì có mạo hiểm quá không, có nên đầu tư không? (Nguyen Thi Bach)

TS. Alan Phan:Câu hỏi của bạn chính là trả lời. Bạn phải tự tin là kiếm hơn 15% mỗi năm vào chứng khoán mới đi vay kiểu đó. Tôi thì chắc chắn không có khả năng làm chuyện này.

Câu hỏi 19

Thưa tiến sĩ, đối với nhà đầu tư cá nhân với số vốn khoảng một tỷ đồng mà đầu tư chứng khoán thì nên duy trì danh mục bao nhiêu cổ phiếu và cổ phiếu như thế nào để duy trì được tăng trưởng bền vững? (Nguyễn Anh Tuấn, An Duong Yen Phu)

TS. Alan Phan: Nếu chỉ có một tỷ mà không muốn rủi ro nhiều tôi khuyên bạn nên đầu tư vào các chứng chỉ ETF như các Index của các thị trường chứng khoán. Ngoài ra, thời hạn đầu tư phải dài hơn 3 năm.

Câu hỏi 20

Thưa tiến sĩ Alan Phan, ngoài kênh gửi tiết kiệm, vàng, đôla, bất động sản, chứng khoán, có kênh nào, ngành nghề nào, để đầu tư kinh doanh có lãi với số vốn 500 triệu đồng? Xin ông tư vấn. (Nguyễn Văn Trí)

TS. Alan Phan:Tôi xin trả lời là kinh doanh khác đầu tư. Đầu tư là khi đã có tiền và muốn có lời. Còn kinh doanh là một dự án phức tạp, liên quan đến kỹ năng, kinh nghiệm, số vốn, may mắn và thời điểm của doanh nhân.

Khi tôi không biết những yếu tố cá nhân nói trên của doanh nhân thì khó có thể trả lời chính xác. Nhưng nếu chỉ có 500 triệu đồng thì sự hạn chế về số vốn bắt buộc bạn phải tìm những mô hình và tầm cỡ thích hợp.

Câu hỏi 21

Tôi có khoảng 1 tỷ đồng tiền nhàn rỗi nhưng chỉ trong 15-30 ngày. Tiến sĩ có thể tư vấn giúp tôi cách kiếm tiền được không (ngoại trừ gửi ngân hàng)? (Hà nội)

TS. Alan Phan: 15-30 ngày là thời hạn quá ngắn để làm bất cứ điều gì, ngoại trừ các loại hình kinh doanh bất hợp pháp.

Câu hỏi 22

Ông nghĩ thất bại nào của ông đáng nhớ nhất? Và ông đã làm gì để đúng dậy sau khi thất bại? (Lê Luyện)

TS. Alan Phan: Khi thất bại, học bài học và phân tích lý do. Sau đó, quên ngay kinh nghiệm. Thương trường còn nhiều trận đấu, đừng khổ tâm và suy nghĩ quá lâu vì tương lai không phải là quá khứ. Với tư duy này, tôi không nhớ nhiều về thất bại để xếp hạng. Cuối cùng, khi phải chuẩn bị cho trận đánh mới, sự bận rộn với việc lên kế hoạch và liên hệ với “network” để triển khai dự án, sẽ làm bạn phải đứng dậy ngay. Hành động là giải pháp tối ưu.

Nếu muốn tìm hiểu thêm những quyển sách chứa đựng tinh thần và triết lý Alan Phan, bạn có thể tham khảo tủ sách Alan Phan tại đường link này: http://bit.ly/tu-sach-di-san-alan-phan-tiki
May 31, 2021
Bài viết của thầy Phan Việt Ái:

““Thua cuộc chỉ là một tình trạng tạm thời. Bỏ cuộc biến nó thành một sự kiện thường trực” (Being defeated is often a temporary condition.
Giving up is what makes it permanent Marlene vos Savant).

Chúng ta không tiên đoán về tương lai, chúng ta đang tạo dựng nó hàng ngày.”

- TS. Alan Phan -

Trích từ sách Góc nhìn Alan về xã hội - Thuộc Bộ di sản Alan Phan

Tham khảo thêm Bộ Di Sản Alan Phan tại đây:

https://happy.live/san-pham/bo-sach-di-san-alan-phan/
http://bit.ly/bo-sach-di-san-alan-phan-tiki
http://bit.ly/bo-di-san-alan-phan-shopee
May 31, 2021
Bài viết của thầy Phan Việt Ái:

CỜ BẠC LÀ BÁC THẰNG BẦN

Tôi đến Las Vegas lần đầu vào mùa hè 1964. Nhóm sinh viên bốn người chúng tôi hùn hạp để đi du lịch một vòng xứ Mỹ nhân dịp có 26 ngày nghỉ giữa hai khóa học. Khi dừng chân ở Vegas, chúng tôi đồng ý trích ra 200 đô la từ ngân sách và nếu thua hết, sẽ về khách sạn sớm để sáng mai lên đường. Nào ngờ cô bạn gái tôi may mắn, thắng được 3 ngàn đô la.

Chúng tôi khoái trá, làm vài ly bia miễn phí rồi về phòng lúc một giờ sáng. Cô bạn còn ham hố, xin ở lại vài phút. Khi chúng tôi ngủ dậy lúc tám giờ sáng, cô đã thua lại hết tiền và muốn gỡ, cô đã lẻn về phòng móc sạch tiền của bọn tôi và nướng trọn cho sòng bài.

Nguy kịch vì bốn đứa đều là sinh viên nước ngoài, không bà con thân thuộc để có thể xin ai gởi tiền khẩn cấp. Chúng tôi kẹt lại ở Vegas suốt bảy ngày sau đó, ngủ trong xe và làm đủ mọi chuyện từ rửa chén bát đến quét đường để kiếm tiền ăn và tiền xăng chạy về trường đại học ở tuốt bên Pennsylvania. Mấy chục năm sau đó, tôi ghé lại Vegas cả trăm lần vì hội nghị và họp hành, nhưng không bao giờ mất một đồng nào cho sòng bài.

Tuy nhiên, Vegas không cần tiền của tôi. Từ chỉ sáu sòng bạc cỡ trung bình thời thập niên 60, Vegas đã phát triển trên 120 sòng bài với doanh thu 11,2 tỷ đô la mỗi năm và góp khoảng 3,7 tỷ đô la cho ngân sách của thành phố và tiểu bang, chưa nói đến những doanh nghiệp liên quan sống nhờ vào khách đánh bạc.

Tư duy về cờ bạc và nghèo đói

Từ ngày còn bé, trong cái tứ đổ tường mà cha mẹ răn dạy, cờ bạc là điều cấm kỵ bậc nhất trong gia đình tôi. Ngay cả những ngày Tết, cha tôi thường xua đuổi những gánh “bầu cua cá cọp” muốn tụ họp trước sân nhà. Với truyền thống đó, khi lớn lên, tôi không những dị ứng với cờ bạc, mà còn xem đó là một tội phạm.

Cho đến khi tôi bắt đầu làm ăn… và nhất là khi nhảy vào lĩnh vực tài chánh.

Khi tôi mắng một nhân viên ham mê cá ngựa, bỏ bê công việc, anh ta trả lời, “tôi chỉ là thằng đánh cò con, ăn thua vài trăm đô mỗi lần. Còn ông, khi đầu tư vào một dự án, con ngựa ông cá cược có thể làm ông thắng hay mất cả triệu đô. Ông đánh bạc lớn hơn tôi nhiều”.

Tôi nhớ lại ngày mới ra trường, làm nhân viên giao dịch hàng hóa (commodity trader) cho một ngân hàng ở Wall Street. Tôi đã đánh bạc liên tục bảy giờ mỗi ngày, được hay mất cả triệu đô la cho công ty, mà không thực sự đóng góp gì cho quy trình sản xuất cua nền kinh tế. Thực ra, tôi chỉ là một con chốt nhỏ, đánh thuê. Nhưng những người chủ của tôi không hề là “thằng bần” như cha mẹ tôi đã giáo dục. Các lãnh đạo này kiếm cả mấy triệu đô la mỗi năm; chưa kể tiền thưởng.

Nền kinh tế cờ bạc

Càng lao đầu vào thương trường, tôi càng thấy tính chất “cờ bạc hóa” trong rất nhiều hoạt động. Trên mọi sàn giao dịch hàng hóa, 99% hợp đồng là một hình thức cờ bạc vì chỉ 1% người mua kẻ bán là có ý định nhận hay giao hàng. Khi món hàng là lãi suất, chỉ số hay phát sinh (derivatives) thì 100% là đánh cược. Có tổng cộng 3,5 tỷ hợp đồng trị giá 400 ngàn tỷ đô la được giao dịch mỗi năm. Đây là một sòng bạc lớn hơn Vegas, Macau và mọi sòng bạc trên thế giới cộng lại.

Mặc cho những biện giải về giá trị tạo vốn cho doanh nghiệp, các sàn chứng khoán trên thế giới thực sự là những sòng bạc vĩ đại cho các tay chơi, từ nhà đầu tư cá nhân đến tổ chức. Ít tay chơi nào quan tâm đến số mệnh của một doanh nghiệp hay việc làm của công nhân mà chỉ lưu ý đến ảnh hưởng của nó trên số tiền kiếm được hay mất. Một thống kê mới nhất của NYSE (sàn New York) cho thấy 72% giao dịch mua bán chỉ giữ thời hạn là mười một giây. Có đến 70 ngàn tỷ đô la lưu thông mỗi ngày trên các sàn chứng khoán thế giới.

Nhìn ở dạng rộng hơn, trong những nước mà người dân không được phép đánh bạc thoải mái thì vé số kiến thiết, số đề, cá cược bóng đá, đánh bạc trên mạng Net… trở nên phổ biến. Tại Mỹ, lối đánh bạc không chính thống này được phỏng đoán lên đến 4,5 ngàn tỷ đô la hay 4% của GDP. Trong khi đó, con số cho Âu Châu là 7,2% và Hồng Kông là 8,9%. Tôi không có số liệu của Việt Nam nhưng tôi chắc chắn là phải hơn các con số này.

Người thắng kẻ thua

Tóm lại, dù ta có ghét cờ bạc đến đâu, nó vẫn hiện diện cùng khắp mọi xã hội, văn hóa…Tác động và hệ quả của nó cũng khác biệt tùy theo đối tượng. Nhiều con bạc không có kỷ luật và tham lam, thường cháy túi và lâm vào cảnh bần hàn. Những người không chấp nhận nhiều rủi ro, biết kiểm soát cảm xúc, có thể thắng nhỏ và đều đặn. Những tay “làm cái” tổ chức sòng bài, biết rõ xác suất và tâm lý con bạc, luôn luôn thắng. Đôi khi, những sư tổ quản lý các sòng “tài chánh” như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán… này đi quá trớn, vừa tham vừa ngu, nên tạo những mất mát khổng lồ, lại được chánh phủ cứu giúp bằng tiền của dân. Những thí dụ gần nhất là cuộc khủng hoàng tài chánh Mỹ năm 2007, số nợ công Âu Châu hiện nay và các biện pháp hành chánh Việt Nam đang áp dụng.

Trích từ sách Góc nhìn Alan về kinh tế (Thuộc Bộ di sản Alan Phan)

Tham khảo thêm Bộ Di Sản Alan Phan tại đây:

http://bit.ly/bo-sach-di-san-alan-phan-tiki

http://bit.ly/bo-di-san-alan-phan-shopee
May 29, 2021
AH Phan văn Nho viết:
Tôi còn nhớ Thầy có một Cty sản xuất thực phẩm đóng hộp trong Khu KN Biên Hoà, văn phòng Cty ở đường Đề Thám Q1, và tôi đã đến đó để được làm việc Thầy giao cho !
May 29, 2021
Rất quý thầy ở phương pháp truyền đạt:
- phải đọc tất cả các chương của sách liên quan và đánh dấu những chỗ quan trọng;
- khi thi thầy ra số lượng câu hỏi nhiều hơn khả năng của sv;
- tất cả bài thi đều cho mở sách thoải mái;
- điểm chấm thi là A,B,C,D

Theo thầy kiến thức là trong sách , vấn đề là biết chỗ lật ra và áp dụng đúng.....không cần thiết phải học thuộc lòng....


May 29, 2021
Bài viết của AH Đỗ thanh Sửu về thầy Phan Việt Ái:

NGƯỜI THẦY CỦA TÔI
Thầy Phan Việt Ái dạy tụi tôi môn kỹ thuật Thanh Hóa lúc sinh thời thầy sống rất a ma tơ , lãng mạn, để râu con kiến đẹp trai khỏe mạnh, thầy rất thương sinh viên, Thầy thường hay bỏ tiền túi ra để tổ chức cho sinh viên đi tham quan thực tế .. tại nhà máy nước sài gòn thủy cục , nhà máy sữa (vinamilk bây giờ) ,
Khi định cư tại Mỹ thầy đối tên thành Alan Phan, thầy viết nhiều sách rất hay, dí dỏm sống động, tôi rất mến và ngưỡng mộ thầy, nói chung sinh viên đều rất mến thầy , mong cho thầy trường thọ , khi nghe tin thầy mất vì đột quỵ chúng tôi rất sốc ,
Kỹ thuật Thanh Hóa là ngành rất mới tại thời điểm lúc bấy giờ, cách dạy của thầy chú trọng thực tiễn, dạy học chủ yếu theo phương pháp mới, trọng kiến thức coi thường học vẹt , khi thi thầy cho sinh viên được mở sách tham khảo, nên chỉ cần hiểu bài , ko cần thuộc bài , có 1 bí mật trong việc chấm thi của thầy mà cả lớp tôi ít người biết, sau này khi tốt nghiệp rồi tôi mới biết.
Khóa tôi có 1 bạn nhỏ tuổi nhất lớp , thông minh , học rất giỏi, thường ngồi bàn đầu (tên PVN) mỗi khi thi cuối năm hoặc kiểm tra định kỳ... sau khi tất cả sinh viên nộp bài thầy đem về nhà , thầy sẽ chọn bài của bạn N , kiểm tra và chấm bài bạn N rất kỹ theo từng nội dung để làm kiểu mẫu, rồi thầy bí mật giao tất cả các bài thi của tụi tôi cho bạn N và hướng dẫn để bạn N chấm bài cho tụi tui theo mẫu nói trên , (Nghĩa là bạn N sẽ căn cứ theo mẫu thầy đã chấm điểm bài của mình để chấm điểm cho tất cả bài của tụi tôi , nhân tiện đây các bạn cũ không tin cứ hỏi bạn N để kiểm tra)
Thầy là 1 fan trung thành và tin tưởng vào vận hành của xã hội Mỹ , thầy thường nói "xã hội Mỹ rất dân chủ , người Mỹ rất khôn ngoan luôn luôn chọn đúng người tài đức bầu làm người đứng đầu điều hành đất nước . Hầu hết cư dân trên hành tinh này đều mua vé 1 chiều đến Mỹ "
Lúc bấy giờ và mãi cho đến gần đây tôi luôn tin như vậy , nhưng thời gian gần đây với tình hình dịch bệnh và thực tế … niềm tin của tôi không còn nguyên vẹn nữa…

ĐỖ THANH SỬU


Leave a Tribute

Light a Candle
Lay a Flower
Leave a Note