ForeverMissed
Large image
Her Life

CUỘC ĐỜI

March 15, 2013

MỘT CON NGƯỜI – MỘT CUỘC ĐỜI

ANNA LƯU THỊ NHUNG

1930-1973 

Nước biển đông không đong đầy tình Mẹ
Mây trời lồng lộng không phủ kín công Cha”

“Sinh ký trần gian lập công đức
Tử quy thiên quốc hưởng thanh nhàn”

* * *

 

1/ Giáo nhân bao xiết mừng.
Tiếng ca hòa vang lừng.
Cùng nhau hái nhiều đóa hoa.
Cầm lên tiến dâng Đức Bà.

2/ Tấu lạy Mẹ Chúa Trời.
Lắng tai nghe đôi lời.
Lòng con mến Mẹ thiết tha.
Tình Mẹ thương con hải hà.

ĐK
. Hoa muôn sắc con dâng trước tòa.
Màu tươi thắm hương ngát tốt xinh.
Hoa muôn sắc con dâng trước tòa.
Còn thua kém tươi Mẹ Chúa thiên đình.

 

Lời ca du dương của bài hát tháng Hoa nhắc ta nhớ đến người Mẹ đầy ơn phúc, đang rộng tay che chở những đứa con thảo hiền tiến dâng Mẹ những đóa hoa thiêng.

Trong tình yêu Từ Mẫu đẹp tựa ngàn đóa hoa xinh, một cô bé đã chào đời : bé Lưu thị Nhung với tên thánh là Anna.

* Thời Thơ ấu (1930-1945)

Sinh ngày 20-5-1930 trong một gia đình đạo đức. Bé Nhung là con thứ hai trong bốn chị em : ba gái một trai. Người con gái đầu là Lưu thị Chinh lấy chồng người Kẻ Tùng. Cậu trai con thứ ba, Lưu hồng Khanh, đi tu dòng Chúa Cứu Thế. Cô gái út, Lưu thị Ký, qua đời khi còn nhỏ, lúc mới 11 tuổi (1935-1946).

Cha là Lưu Thu, bị "bắt lính" sung vào quân đội Pháp trong chương trình trưng dụng quân lực bản xứ cho cuộc thế chiến thứ nhất Pháp-Ðức năm 1914-1918. Ông làm đến cấp "Ðội", sau này thường được dân làng gọi ông là ông "Đội Hòa", lấy tên gọi nhường của thân sinh là cố cụ Hòa. Mẹ là Lê thị Hai, người làng xứ Nghĩa Yên bên kia sông, một người đàn bà đạo đức thánh thiện, yêu chồng yêu con, chăm lo việc gia đình rất mực chu đáo.

Ngay từ lúc mới 7 tuổi, bé Nhung đã tham gia sinh hoạt trong hội Nghĩa binh Thánh Thể, với lòng đạo đặc biệt yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể. Sau này khi đã lập gia đình, mỗi thứ sáu đầu tháng, vì phải lo cơm nước buổi sáng cho con cái đi học, không đi lễ được, thì đi nhà thờ sớm để được rước lễ trước. Năm 12 tuổi, cô bé gia nhập Liên đoàn Công giáo xứ Thọ Ninh, thuộc Liên đoàn Công giáo Địa phận Vinh. Tổ chức Liên đoàn Công giáo này là một hình thức sơ khởi của tổ chức Công giáo Tiến hành sau này, với chủ đích học hỏi và thực hành cuộc sống đức tin trong giáo xứ và xã hội theo lề luật của Giáo hội Công giáo.

Ðược sinh ra trong một gia đình Chúa ban cho hằng ngày dùng đủ, với gia sản là một ít mẫu ruộng cho người làng phát canh, bởi trong nhà thiếu nhân lực trai tráng. Dẫu vậy ông bà vẫn không nuông chiều con cái như nhiều cậu ấm cô chiêu thời bấy giờ. Ngoài những giờ đi học ở trường làng, bé Nhung cả ngày ngồi trên khung cửi giúp mẹ dệt vải, dệt tơ rồi dệt lụa…

Cuộc đời cô bé trôi qua theo năm tháng - trong sự hồn nhiên vui tươi - của mái ấm gia đình và tình làng nghĩa xóm.

* Lập Gia đình & Xáo trộn Xã hội (1945-1956)

Năm lên 19 tuổi, cái tuổi mà người ta gọi là xây dựng tương lai, cô Nhung đã kết hôn với anh Nguyễn Kinh, do sự mai mối của ông anh dượng (ông Định, chồng bà Nguyễn thị Chính, chị ông Kinh), quen biết với ông Đội Hòa, vì cùng làm việc trong Ban Hành Giáo. Nhà ông bà Nguyễn Chính – Đậu thị Sáu (cha mẹ ông Kinh) chỉ cách nhà ông bà Đội Hòa khoảng 100m. Ông bà Đội Hòa thấy chàng trai này tính tình hiền lành, chất phác lại chăm chỉ làm ăn, nên đã nhận lời ngỏ ý của ông Định. Mặc dầu hai nhà “cách nhau có giậu mồng tơi”, nhưng thời đó không có những cuộc tình duyên hay hẹn hò trực tiếp từ đôi trai gái. Khi cha mẹ hai bên đồng ý thì chỉ có bữa cơm thanh đạm để bàn chuyện cưới hỏi, goi là lễ ra mắt.

Ba năm sau thì sinh được cậu con trai đầu lòng (1952), đặt tên là Gioan Baotixita Nguyễn Trọng Kỳ, (khi đi làm căn cước, có lẽ người ta thấy chú này nhỏ con quá, nên bỏ mất chữ “Trọng” !). Hiện là linh mục dòng Phanxicô.

Thời gian 1945-1956 này, đất nước Việt Nam xẩy ra nhiều biến cố chính trị, xã hội có tính quyết định [1], đặc biệt là việc “Cải Cách Ruộng Đất” ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.

Gia đình ông Đội Hòa bị xếp vào giai cấp "địa chủ phản động" - địa chủ vì có ruộng đất cho người làm thuê, phản động vì trước kia có phục vụ trong quân đội Pháp - rồi bị đưa ra đấu tố. Những người đấu tố đa phần là những người ăn người ở trong nhà, hoặc là những người làm thuê làm mướn cho các địa chủ. Ông Đội Hòa đã phải đi tù 15 năm, và đã chết khi ra khỏi tù được mấy tháng, vào cuối năm 1965.

Năm 1955, khi người con thứ hai của ông bà Kinh ra đời – tên là Nguyễn xuân Khuê – được một tháng, thì cũng là lúc hiệp định Genève  ký kết đã được một năm (1954). Theo đó, người dân được tự do tập kết từ Bắc vàoNam hay từNam ra Bắc, chờ ngày Tổng tuyển cử dự định vào năm 1956, nhưng đã không được thực hiện.

Thấy tình hình khó khăn, gia đình ông Kinh đã nộp đơn xin vàoNamđể được ghi vào sổ. Nhưng việc di cư vàoNamkhông phải là chuyện dễ dàng ! : Các cán bộ cho biết là ai đã có tên trong danh sách điNamthì phải đợi đến khi lập thành tổ rồi mới được đi. Gia đình ông Kinh và bên nội (gia đình ông Nguyễn Chính) thuê một chiếc thuyền nhỏ và ra đi lúc nửa đêm. Thuyền đậu xa bến để khỏi bị lộ, nên mọi người phải đi bộ qua một bờ đất để xuống mé sông. Rất may là khi thuyền ra khơi, thì gặp một chiếc thuyền lớn đưa người ra Vinh để vàoNam.

Khi đến Vinh, bà Nhung nói với chồng là bà đói bụng quá, thế là mọi người tìm chỗ để nấu cơm. Mới bắt đầu bữa ăn thì một đám trẻ con chạy tới chìa tay xin ăn. Bà có lòng thương đặc biệt những người nghèo khó hơn mình, nên đã chia cơm cho bọn trẻ ăn xin đó.

Ngày hôm sau, những người có tên trong danh sách được gọi, trong đó có cả gia đình ông Kinh, nhưng không may là đường thủy không còn chuyến nào, nên họ phải đi xe để vào Đồng Hới (Quảng Bình). Trên đường đi có rất nhiều trạm canh gác, các cán bộ kiểm tra rất nghiêm nhặt, có gì nghi ngờ là người ta bắt phải trở ra ngay! Các cán bộ dân vận khuyên dân trở về Bắc thì họ sẽ cung cấp mọi sự và được sống sung túc. Ông dặn bà là phải giữ con cho chặt, đừng trao con cho ai cả, đừng tin ai cả, vì nếu mất con thì gia đình phải trở về. Chuyến xe chạy suốt đêm, đến sáng thì tới Vĩnh Linh (Quảng Trị), nơi vĩ tuyến 17, cầu Hiền Lương[2] phân chia hai miền Nam-Bắc. Danh sách được đọc lên để bàn giao giữa hai chính quyền miền Bắc và miềnNam. Sau đó họ được một chiếc xe nhà binh GMC chở đi. Bà mẹ quá kiệt sức vì chuyến đi nên đã để con rơi tuột xuống sàn xe khóc thét, ông bố vội vàng bế con lên…

Cuộc hành trình vàoNamkéo dài cả tháng! [Từ Quảng Trị đến Bình Thuận khoảng 1.000km. Nếu đi xe đò hiện nay thì mất khoảng một ngày một đêm]. Từ Quảng Trị vào tới Huế, rồi Đà Nẵng, Nha Trang, và khi đến Phan Thiết (Bình Thuận), thì được cha Phượng tiếp nhận, và sau đó đưa lên Mường Mán để khai phá lập nghiệp. Gia đình đã tạm cư tại đây khoảng một năm. Chồng thì lên rừng chặt tre, vợ thì suốt ngày bận bịu với 2 đứa con nhỏ và bếp núc. Một chiếc lều lớn cho 4 gia đình, mỗi gia đình một góc !

* Định cư tại Đà Lạt (Lâm Đồng) (1956-1973)

Năm 1956, ông cậu – em bà Nhung – đang là tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế tại Đà-lạt bắt được liên lạc đã xuống tận Mường Mán thăm. Thấy gia đình quá vất vả thiếu thốn, khí hậu lại nóng nực, nên bàn với gia đình lên Đà lạt. Người em muốn hai chị em được sống gần nhau, nên lúc đầu định đưa gia đình lên Tùng Lâm là nơi có nhà Dòng, nhưng ngại khó sống với người Bắc, nên đã xin Cha xứ Thánh Mẫu lúc bấy giờ là cha Mạnh Trọng Bích cũng vừa đưa một số người di cư lên lập nghiệp, cho một miếng đất để ở, và nhờ sự giúp đỡ của Dòng Chúa Cứu Thế, hai căn nhà gỗ lợp tôn cho 4 gia đình đã được dựng lên : ông Cụ Thông (cha mẹ cha Lâm, cha Khởi) và ông Cam ; ông Kinh và bà Cụ Huyền (mẹ cha Sinh, cha Toàn).

Cuộc sống ban đầu thật là vất vả và khó nhọc : Chồng phải đi cắt cỏ trên núi để bán cho người Hà Đông kiếm tiền mua gạo nuôi vợ con ; còn vợ thì phải đi mót những búp sú trắng người ta bỏ đi để về nấu ăn. Hai con nhỏ không ai trông, nên cả ngày lẽo đẽo theo mẹ.

Cha xứ cho một miếng đất trước nhà để trồng rau, nhưng không đủ đành phải xin thêm một miếng nữa. Tuy nghèo khổ và cực nhọc, nhưng được sống trong tự do, nên trong gia đình luôn tràn ngập tiếng cười, đầm ấm yêu thương. Lần lượt các đứa con tiếp theo được ra đời…

Năm 1959, chồng thi đậu vào Cảnh Sát. Nhờ có công việc nên đời sống gia đình cũng đỡ vất vả hơn…

* Đau bệnh (1965-1973)

Gia đình bà Nhung có tất cả tám người con : năm trai ba gái. Đứa con thứ tư – Nguyễn Bách Khoa - qua đời khi còn nhỏ. Khi đứa con thứ sáu là Nguyễn t Kim Loan ra đời (1964), thì đây là một niềm vui lớn cho gia đình, và cách riêng đối với bà, vì năm đứa con đầu đều là con trai. Tất cả tình yêu của bà và gia đình đều dành cho cô con gái cưng này.

Cuộc sống tưởng chừng như đang trôi qua trong hạnh phúc, thì “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta. Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy”. (Isaia 55,8-9). Bà Nhung bắt đầu phát bệnh tim ? Căn bệnh lúc đầu xem chừng không có gì trầm trọng, chỉ là thỉnh thoảng hơi chóng mặt, nhức đầu. Tuy nhiên dòng sữa mẹ đã không còn dồi dào như trước nữa, nên cô con gái nhỏ bé phải uống thêm sữa Guigoz mỗi ngày ! Thiên Chúa đã trao cho người phụ nữ thiên chức làm mẹ, và đó cũng là mục đích của Hôn nhân, sau đó Bà còn sinh thêm hai cô con gái nữa là Nguyễn t Kim Phượng (1967) và Nguyễn t Kim Thanh (1968). Bệnh tình của bà lúc này đã trở nên trầm trọng ! Những lúc cơn đau lên, thì mắt đờ ra, tay chân co giật, nghiến răng, xùi bọt mép rất đau đớn… Các bác sĩ tại Đà lạt cũng chỉ kê đơn cho mua thuốc giảm đau mà thôi. Còn con cái trong nhà thì chỉ biết cấp cứu tại chỗ bằng cách nặn chanh vào miệng để bà khỏi cắn vào lưỡi. Chất a-xít của chanh làm cho các dây thần kinh chùng lại và các cơ ở miệng giãn nở ra và cơn đau dịu lại. Thường thì mỗi lần đau bệnh, bà phải nằm cả buổi, thậm chí cả ngày rồi mới trở dậy để làm việc được !

Bà đã phải trải qua những cơn đau như vậy trong nhiều năm, nhưng chưa bao giờ bà than vãn, đòi hỏi. Với bản tính người phụ nữ ViệtNamquen chịu thương chịu khó, và nhất là với đức tính cần cù nhẫn nại của người Trung, bà chỉ biết quên mình để lo cho hạnh phúc của chồng con.

Cho đến một ngày đầu tháng 6 năm 1973. Thiên Chúa đã muốn gọi bà về với Ngài để cất đi cho bà những đau đớn phần xác. Và với sự giúp đỡ tài chánh của người em, bà đã chịu đi vào Sàigòn để chữa bệnh. Ngày đi khám bệnh, khi vừa đến bệnh viện thì cơn đau tim lại tái phát. Đứa con thứ ba là Nguyễn Minh Khang có bổn phận đưa mẹ vào Sài gòn chưa biết xử trí làm sao, thì các bác sĩ - y tá đã vội đưa vào phòng cấp cứu và tiêm cho bà một mũi thuốc… Thân thể mập mạp trước đây bỗng teo rút lại, và kể từ đó bà hôn mê cho đến lúc qua đời…

Chồng bà được điện tín của con, vội vàng vào Thành phố, và các bác sĩ cho biết bệnh tình của bà không thể cứu chữa được, nên đã xin bệnh viện cho đem bà về. Và ba ngày sau, bà đã ra đi trong sự tiếc thương của chồng con và họ hàng làng xóm vào đúng ngày Chúa Phục sinh (Chúa nhật 10-06-1973)

Nửa đời người – 43 năm – chưa phải là một thời gian dài, nhưng cuộc đời của bà đã trải qua biết bao thăng trầm. Và đằng sau tất cả những biến cố lớn nhỏ buồn vui của cuộc đời là tâm tình của một người mẹ, một người vợ, một người chị em của chúng ta đã hoàn tất chương trình mà Chúa đã giao phó, để trong từng giây phút được nói tiếng “Xin Vâng” như Mẹ Maria. Tháng Hoa của Mẹ vừa kết thúc, cũng chính là lúc Mẹ đưa người con yêu dấu của Mẹ về trong vòng tay yêu thương của Mẹ và Chúa nhân từ.

“Mẹ ơi đến khi con về trời
Sống yên vui đời đời
Mẹ Chúa cả hiển vinh !
Trong sạch cao quý
Đẹp hơn sao sáng…” 

Xin tri ân Mẹ, xin cảm tạ Mẹ đã sinh ra chúng con trên cõi đời này.

Xin cám ơn Mẹ đã dưỡng dục chúng con nên người – người con cái Chúa, con cái Giáo hội và xã hội.

Xin cho linh hồn Anna đặng lên chốn nghỉ ngơi

Hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ muôn đời !

Cám ơn Mẹ vì tình yêu bao la của Mẹ dành cho mỗi một đứa con thân yêu của Mẹ !

Cám ơn Mẹ vì những vất vả lo toan, những đau ốm bệnh tật mà Mẹ đã chịu để cho đoàn con được lớn lên nhờ sự hy sinh của Mẹ “Máu các thánh tử đạo đã làm trổ sinh các Kitô hữu” (Téc-tu-li-a-nô).

Cám ơn Mẹ tất cả ! Cám ơn Mẹ suốt đời !

 

Nha trang ngày 8-3-2013
Ngày Quốc tế Phụ nữ

JB. Nguyễn Kỳ

 

[1] Tuyên ngôn độc lập (2/9/1945), Chiến tranh Ðông Dương lần thứ nhất chống Pháp trở lại Việt Nam (1946-1954), Chiến thắng Ðiện Biên Phủ (7/5/1954), Hiệp định Genève phân chia Việt Nam ra hai miền Bắc-Nam (1954) với mục đích Tổng tuyển cử 2 năm sau đó, nhưng đã không thành (1956), Cuộc Cải Cách Ruộng Ðất ở miền Bắc (1949-1956).

Phong trào Cải Cách Ruộng Ðất (CCRÐ) bắt đầu từ năm 1949 đến năm 1956, gồm 8 đợt phát động quần chúng, 5 đợt cải cách ruộng đất, kéo dài như thế là 7 năm. Từ năm 1949 với các sắc lệnh giảm tô, phân chia ruộng đất, xoá nợ cho tá điền, quốc hữu hóa đất đai, tịch thu tài sản, rồi xuất hiện đấu tố và tòa án nhân dân từ năm 1953, lên đến đỉnh điểm đấu tố, kết án tử hình, lưu đày tù ngục năm 1956.

Người dân được phân định thành các giai cấp khác nhau: Địa chủ, phú nông, bần nông, bần cố nông – tùy theo sự giàu nghèo và địa vị trong xã hội thời bấy giờ dưới con mắt ý thức hệ và duy ý chí của đảng CS. Ðịa chủ thường còn được gán thêm các tội phản động, ác ôn, cường hào ác bá. Tiêu chuẩn đấu tranh là phải đạt được ít nhất 5% địa chủ trên tổng số người dân trong vùng. Nơi nào không đủ số thì ép phải nông lên, gọi là "kích thành phần", với chủ trương "thà sai hơn sót", "oan một tí, nhưng không để lọt lưới". Sau này, các nhà sử học độc lập cho biết: "oan một tí", nhưng thực ra đã là "oan đến trăm tí, đến nghìn tí".

Các nhà sử học độc lập nói thêm: Phong trào Cải Cách Ruộng Ðất như thế đã nổi lên "như một cơn sóng thần", đã nổ ra "long trời lở đất", đã tàn sát đến hàng chục vạn nạn nhân, đã gây căm thù thú tính, đã phá hoại nền đạo lý luân thường đến gốc rễ, đã phá hủy toàn diện các  truyền thống tâm linh, văn hóa và tôn giáo của dân tộc.

[2] Đôi bờ Hiền Lương là tên gọi cho cụm di tích hai bên bờ sông Hiền Lương là chứng tích cho một thời kỳ gần 20 năm chia cắt Bắc –Nam. Cụm di tích này nằm ở chỗ giao nhau giữa sông Bến Hải và quốc lộ 1A (km 735). Phía Bắc thuộc thôn Hiền Lương - xã Vĩnh Thành - huyện Vĩnh Linh, phía Nam thuộc thôn Xuân Hoà - xã Trung Hải - huyện Gio Linh, cách thị xã Đông Hà 22km về phía Bắc và cách thị trấn Hồ Xá 7km về phía Nam.

Hiệp định Geneve được ký kết, sông Bến Hải được chọn làm ranh giới tạm thời trong hai năm để tập kết lực lượng hai bên và tổng tuyển cử tự do thống nhất đất nước. Sông Hiền Lương đi vào lịch sử dân tộc và tiềm thức nhân loại như là nỗi đau chia cắt và khát vọng thống nhất đất nước.

Tính đến nay đã có 8 lần cầu được bắc qua sông Hiền Lương (từ cây cầu gỗ thô sơ bắc năm 1922 đến cây cầu hiện đại được thi công năm 1996), nhưng cây cầu để lại dấu ấn nhất trong lịch sử là cầu được Pháp xây dựng năm 1952. Mặc dù chỉ tồn tại đến năm 1967 nhưng nó là biểu tượng trực tiếp của nỗi đau chia cắt: "Cầu chia làm hai phần, mỗi bên 89m. Bờ Bắc 450 tấm ván mặt cầu, bờNam444 tấm" (Nguyễn Tuân).

Tại đây, từ tháng 7/1954 đến tháng 10/1956 đã diễn ra nhiều cuộc tập kết lực lượng của hai bên. Và cũng là nơi diễn ra nhiều câu chuyện cảm động giữa hai miềnNam- Bắc.