ForeverMissed
Large image
Stories

Share a special moment from Ngoc's life.

Write a story

Người Đàn Bà Vẽ Hoa - Dương Như Nguyện

April 20, 2021
by DU DO
Tiếc thay một buổi soi gương cũ,
Đã lệch bao nhiêu mặt chữ điền.





Nếu Georgia O’Keefe đã đến với thế giới này (hay nói đúng hơn thế giới đến với bà ta) qua những bông hoa, thì trong phạm vi nhỏ bé riêng tư của tôi, tôi cũng đã tìm được một phụ nữ vẽ hoa.

Cô đến với tôi, và tôi đến với cô từ quá khứ tuổi thơ, một thế giới mà có lúc tôi tưởng đã đổ nát, vậy mà khi gặp lại nhau mới biết thế giới tuổi thơ đó bây giờ vẫn luôn hiện hữu.

Tôi muốn nói đến những bông hoa của Hoàng Thị Lương Ngọc.

(Tôi dùng chữ "Cô" ở đây để nói lên tư thế độc lập của người sáng tạo, thay vì tiếng xưng hô nói lên tình trạng gia đình hay tuổi tác của một phụ nữ Việt Nam).

Cô đã mang đến chia xẻ với tôi những bông hoa của một góc trời riêng tư mà tôi tưởng rằng tôi đã bỏ lại sau lưng sau năm 1975.

Quãng đời của những năm tháng tuổi thơ ở Sài Gòn: tôi gặp Lương Ngọc khi còn là một cô bé gái bím tóc hai bên. Cũng như tôi, lúc đó, cô vẽ lưu bút bằng bút mực nguyên tử hay bút máy. Là nữ sinh ưu tú còn phải học để thi đậu… hình như những cô bé gái như chúng tôi thuở ấy chẳng bao giờ nghĩ đến việc cầm cọ, đừng nói đến việc lớn lên vẽ tranh, rồi mang tranh… đi bán???

Tuy nhiên, những bức tranh nho nhỏ phác thảo bằng bút nguyên tử hay bút máy lúc đó rõ ràng cũng đã phảng phất tính cách của người vẽ và nét bút. Vì thế, tôi không hề ngạc nhiên khi bắt gặp sự chuyển tiếp và trưởng thành của những đặc tính trẻ thơ đã thể hiện rất chân thực từ bút máy bút nguyên tử, lúc đó, từ ngày xưa, cho đến những bức tranh với đường nét công phu của cô ngày hôm nay, khi chúng tôi gặp lại nhau sau nhiều thập niên.

Ở đây tôi tránh dùng chữ "hoạ sĩ ", mà trái lại chỉ dùng chữ "người vẽ". Lý do: làm sao để định nghĩa một "họa sĩ "? Người vẽ để bán, để triển lãm, để tìm chỗ đứng trong nhân sinh? Người đã học qua tất cả của thế giới mỹ thuật để rồi bứt phá tất cả? Người tự đi tìm cái đẹp trong thế giới của màu sắc và đường nét, cái đẹp qua định nghĩa của chính mình? Hay là người vẽ tranh sáng lập cả một trường phái, như nhà triệu phú Picasso?

Hơn thế nữa, nghệ sĩ (artist) là tư chất, là tâm hồn. Nghệ nhân (artisan) mới chính là người tạo hình. Trong thế giới mỹ thuật artisan và artist phải trở thành một thì mới có tác phẩm. Dù rằng có nhiều khi tác phẩm mãi mãi là một thế giới riêng tư. Khi đó, chúng ta đã có tác phẩm, mà vẫn chưa có "họa sĩ" à?

Trái lai, khi đã có tác phẩm, thì bắt buộc phải có "người vẽ". Vì thế chữ "người vẽ" đối với tôi rộng rãi hơn là chữ "họa sĩ", ngoài vấn đề Nôm, Hán.

Điển hình thế giới của người vẽ tranh : Hoàng Thị Lương Ngọc

1 – Phụ bản : Hoa Thuỷ Tiên






Trong thế giới riêng tư của cô — thế giới tự học, có ba đoá tiểu thủy tiên (Narcissus) — trilogy? Đây là loài hoa tôi rất ưa thích vì cái mộc mạc dịu dàng và nhỏ bé của nó. Ba bông thủy tiên này cô nói với tôi, cô đã nhìn thấy chúng lớn dần và trổ hoa ở khu vườn trước ngôi nhà mới chào đón cô đến ở tiểu bang California. Những bông hoa thanh tao bé nhỏ này làm cô nhớ đến hình ảnh ba nữ sinh Việt Nam quấn quýt bên nhau trước 1975. Màu trắng tinh khiết ẩn chút xanh xanh mơ màng hắt lên từ lá, nhuỵ hoa màu vàng anh tươi mà nhã, xen giữa những cọng lá dài và xanh — có cọng vươn thẳng đầy nhựa sống, có cọng ẻo lả nghich ngợm. Tất cả là màu sắc mềm của phấn tiên, nhưng cô lại vẽ bằng màu acrylic.

2 – Phụ bản: Hoa Sen (Lotus)





Trong khung trời màu sắc của cô, có những cuống sen, lá sen dày mà thanh, làm tôi nhớ đến bình sứ phòng khách nhà bà ngoại tôi ở Hội An, bên cạnh khung cửa sổ cũng màu xanh rất cũ, che rèm lơ thơ màu trắng ngà. Ở đó cũng có những cuống sen mới cắt cắm trong bình sứ. Cũng mềm mại và cổ điển vô cùng trong thế giới của phấn tiên. Một lần nữa cô không dùng phấn tiên, mà lại dùng màu nước.

Màu nước (watercolor) cũng như màu dầu (oil paint) là những sản phẩm, vật liệu gắn liền với mỹ thuật Tây Phương. Cô dùng những chất liệu ấy để diễn tả những hình ảnh rất Á Đông qua đề tài thực vật, lên trên giấy thay vì lụa. Cô vẽ những cánh hoa với tất cả sự mong manh cẩn trọng của tranh lụa Đông Phương. Ở đó có mặt phẳng và sự tĩnh lặng hoàn toàn, làm tôi liên tưởng đến những bức tranh thêu của Việt Nam, ngoài những bức tranh lụa .

(Nói về mặt phẳng, từ thế giới bứt phá của Tây Phương, Matisse cũng đã dẫn chúng ta về mặt phẳng khi ông đem Đông Phương tính và sự cầu kỳ của những tấm thảm Châu Á vào hội họa của mình — Matisse nổi tiếng cũng nhờ ông mô tả gập ghềnh trên mặt phẳng, bất chấp thông lệ của hội họa Tây Phương).

Rõ ràng trong thế giới của Lương Ngọc, người đàn bà vẽ hoa, chúng ta nhận ra mặt phẳng.

Hình ảnh những bông hoa sen, hoa súng trong thế giới riêng tư của Lương Ngọc đối với tôi khác hẳn những lyly pads của Monet. (Khi được coi một bức tranh nền trước khi Monet vẽ hoa súng dùng cảnh trí nước Pháp, tôi mới biết rằng hoa súng của ông khởi đầu chỉ là những nét ngoằn ngoèo của màu sắc, cũng như tôi đã ngoằn ngoèo trong khi đi tìm chính bản ngã của mình bằng tâm thức của một người không hoặc chưa biết vẽ). Nếu lyly pads của Monet là những nàng khiêu khích (nymphs), thì những cánh hoa của người phụ nữ Việt Nam là một sự ẩn náu khép kín (sublime). Nếu Monet đã khai phóng cho chúng ta, những người thích cầm cọ, thì theo tôi những bông hoa nắn nót của Lương Ngọc chính là sự bảo tồn, quay về phương trời Á Đông, một thời yêu quý, qua những nét đẹp thuần hậu thanh tú mà hình như chúng ta đã lãng quên, khi bất chợt tìm thấy lại chỉ còn là một hoài niệm.

Ngưòi đàn bà vẽ hoa giúp chúng ta nhìn lại nét đẹp của một thời ở Phương Đông, và hoài niệm dẫn chúng ta về một lối sống cổ truyền, ngăn nắp của ngày xưa. Sự bão bùng nếu có, sẽ phải đến, extrinsic, từ người kể chuyện: Mỗi bông hoa, cô nói, đều có một câu chuyện ở đằng sau từ cuộc sống và tâm thức của người vẽ.

3 – Phụ bản : Úa Tàn (The Withered)





Lại có thêm cánh hoa nhài, hoa huệ nào đó mang màu úa của ngà, nét tiêu điều của ngọc trai khi không còn sáng , khi cánh hoa không còn được tưới nước. Khi ngọc ngà không được chùi cho bóng, lụa là không được giữ cho thơm… Cánh hoa của cô tàn tạ nằm chơ vơ trên mặt đất.

Lương Ngọc giải thích cho tôi hay, đó là hình ảnh những người đàn bà nghèo đây đó bị hất hủi, dày vò, khổ sở sống trong cái nghèo cái cực của kiếp người bất hạnh. Sinh ra làm phụ nữ trong kiếp nghèo, kiếp bần hàn, thì nỗi bất hạnh một hóa hai hay một hóa thành mười.

Trong hình ảnh úa tàn đó vẫn là chân dung cổ truyền của cái đẹp. (Lương Ngọc nói với tôi rằng khi cầm chiếc cọ, chẳng có người vẽ tranh nào là không mơ ước mình nắm bắt được cái đẹp. Cái đẹp vẫn được giử lại ngay cả trong mục rữa tang thương như cánh hoa tàn úa mà rất đẹp này).

Nhìn lại quá trình hội hoạ Tây Phương và ngay cả chính bản thân mình ,khi đi tới với thế giới kỳ bí của hội họa, tôi đã bao lần nhìn thấy hình ảnh tượng trưng của cái xấu, cái hư qua tay nắm cọ sơn? Cái xấu, cái hư ươm mầm thành cái đẹp? Đẹp mà xấu? Xấu mà đẹp?

Cái chân gượng gạo của người vũ nữ ballet trong tranh Edgar Degas, cẳng chân quá lớn lệch nghiêng một bên, so với khổ người, đến nỗi trông như cái chân giả, trái vòng luật lệ của khoa học thân thể???

Từ vòng tay ôm quái dị của Picasso, không ra vẻ bàn tay đủ năm ngón , cho đến khuôn mặt ác quỷ trong người đàn bà…

Tất cả chỉ có thể tượng trưng cho cái đẹp khi thế giới bi bẻ nát rồi vá chấp lại, không còn là thế giới cổ truyền nguyên thủy trong đó cái đẹp quá dễ dàng được nhận diện, chính là vẽ đơn sơ mà chăm chút rất cổ truyền.

Vì thế, ngược lại với hội họa Tây Phương, trong thế giới rất riêng tư của Lương Ngọc, mỗi nét tỉ mỉ là ngón tay vươn tới cái đẹp, quay lại với thế giới ngăn nắp cổ truyền của sự vật. Cái đẹp mà ai cũng có thể công nhận khi hướng về phương Đông, trước khi gương vỡ "làm lệch bao nhiêu mặt chữ điền", như thế giới đẹp xấu lẫn lộn của Picasso chẳng hạn. Lương Ngọc không muốn thí nghiệm với cái xấu để nhận thức ra cái đẹp bao giờ cả. Vì thế, như người vẽ tranh lụa, cô cẩn thận, tỉ mỉ, và trân trọng từng nét vẽ như để bảo tồn và nâng niu cái đẹp. Hình như cô không muốn đập nát mặt gương để tìm lập thể, khi tất cả mặt chữ điền đã lệch, đổ máu trơ xương, thần kinh căng thẳng, trong tranh có tiếng gào thét đến rợn người như Edward Munch, khi mà lá hướng dương biến thành rắn rết, và tất cả hoa lá cành như chuyển động trong thế giới tĩnh vật của Van Gogh, tất cả pha trộn và hỗn loạn ấy, chỉ để cho người sáng tạo nhận ra cái thiên hình vạn trạng của thế giới mỹ thuật trên hành trình đi tìm cái đẹp.

Không, thế giới của Lương Ngọc rất chân chất. Không có sự hỗn loạn, ngay cả khi cô vẽ trận bão miền Trung.

Từ bông hoa tàn tạ của Lương Ngọc, chúng ta chỉ thấy sự yên lặng.

Mặt phẳng của sự yên lặng, tính đồng nhất, vừa trong vừa đặc của màu sắc phấn tiên (pastel), và sự nghiêm túc của đường nét là cá tính của người vẽ tranh Lương Ngọc.

Đó là thế giới của người cầm cọ do sự thôi thúc của chính mình. Kỷ luật của nghệ nhân cũng như tâm hồn của nghệ sĩ. Thế giới của người đàn bà tự học vẽ đến với cọ màu và những bông hoa, hình như để bảo tồn những gì còn lại của một phương Đông đã bị lãng quên, bỏ mất.

Khi cần nói đến chân dung một người đàn bà vẽ hoa, tôi muốn nói đến Lương Ngọc, tiêu biểu cho những người đàn bà Việt Nam đâu đó đã và đang cầm cọ vì yêu quý cái đẹp (kể cả những nghệ nhân cầm kim chỉ thêu thùa của tiểu công nghệ Việt Nam), hơn là nói đến thế giới huy hoàng của danh họa  Georgia O’Keefe .

Khi được hỏi, O’Keefe trả lời, bà không hề có ý định vẽ chân dung sâu kín của thế giới đàn bà, bà cũng không hề có ý định vẽ hoa truyền thần. Hoa thật đâu có to khổng lồ, quá khổ, như tôi đã vẽ??? O’Keefe đã vạch ra cho ký giả điều này.

4 – Phụ bản: Kỷ Niệm (Memory)





Thập niên 70, thời điểm kết quả của sự khai phóng phụ nữ ở Châu Âu và Bắc Mỹ, trong đó có sự góp mặt những bức tranh kiệt tác của O’Keefe: cũng vào khoảng thời gian đó những thiếu nữ mới vào đời, như tôi, như Lương Ngọc, trải qua cuộc đổi đời 1975. Tôi ở Mỹ, và Lương Ngọc lúc đó còn ở Việt Nam… Lương Ngọc kể với tôi rằng, trong những năm tháng đầu tiên của giai đoạn đổi đời đó, cô và các em gái (con cháu của công chức miền Nam, miền Trung…) đã ngồi thêu thâu đêm để kiếm sống (có lẽ đây là lý do tại sao trực giác của tôi đã mường tượng thấy hình ảnh những mũi kim thêu khi nhìn thấy mặt phẳng trong tranh hoa của cô).

Vì thế, trong giai đoạn đầu của cuộc hành trình vẽ vời, cô đã vẽ lại hình ảnh các chị em ngồi thêu (Lúc đó cô vẽ bằng computer mouse khi chưa có môi trường và thời gian để luôn luôn cầm cọ).

Cách vẽ người trong trạng thái tĩnh của cô làm tôi nhớ đến cách vẽ người như vẽ búp-bê của hoạ phẩm chân chất (naive art) — cũng là thế giới vẽ tranh của những người tự học, trong đó có cả người phụ nữ như con búp-bê nằm trong nhà thương của nữ danh hoạ Mễ Tây Cơ Frida Cahlo, hay hình ảnh người đàn bà du mục (gypsy) nằm thẳng cẳng dưới đất bên cạnh con sư tử của Henri Rousseau (một người hoàn toàn tự học, mà lại khai phá ra trường phái siêu thực (surrealism) cho Châu Âu).

5 – Phụ bản: Tre & Lá (Bamboo & Leaves)



Đi ra ngoài hình ảnh tranh thêu, và đi ra ngoài những hình ảnh bông hoa trong trí tưởng tượng, Lương Ngọc có khuynh hướng pha trộn sự tưởng tượng (fantasia) với tính truyền thần trong thế giới thực vật. Lấy thí dụ: một khóm tre già bên cạnh những lá chuối non rất tiêu biểu cho hình ảnh thân quen ở quê nhà. Phía dưới lại là những rong rêu của trí nhớ, không nhất thiết phải theo truyền thần nữa, mà tự do tạo hình với suy tư và những nỗi niềm riêng. Đối với tôi, rong rêu đó là những bông hoa trừu tượng sinh ra từ ký ức đôi lúc làm lòng nhói đau, được chấm phá cho trọn vẹn một bức tranh xanh ngắt.

Đó cũng là đặc điểm của người cầm cọ tự học, họ dẫu có đặt ra ranh giới cho mình, cũng thành ra vô biên cương, không ranh giới.

Phụ Nữ & Những Bông Hoa

Hãy trả O’Keefe trở về với Santa Fe và văn hoá mỹ thuật vùng Tây Nam nước Mỹ (Southwest), trả nhà danh hoạ trở về với trường Mỹ Thuật nổi tiếng ở Chicago, với người chồng nhiếp ảnh gia kiêm chủ phòng triển lãm, với sự táo bạo công khai của một phụ nữ trí thức tiên phong đã làm rạng danh thế giới mỹ thuật của Hoa Kỳ trong khoảng thời gian mà chỗ đứng của người phụ nữ Bắc Mỹ vẫn còn phôi thai. O’Keefe đã chọc thủng những bức tường kiên cố tạo dựng bởi đàn ông, chỉ đàn ông mà thôi, khi đàn ông dùng biểu tượng phụ nữ cho căn phòng ăn chơi của riêng họ. Phía sau những bức tường kiên cố đó, trong những căn phòng cách biệt đó, biểu tượng của phụ nữ trở thành trò vui của đàn ông. Những bông hoa rực rỡ, quá khổ của O’Keefe đã đem những biểu tượng cho thú vui của đàn ông trở thành thế giới mỹ thuật của nhân loại. Sự táo bạo của O’Keefe cũng chẳng khác chi ngòi bút cua Anais Nin đã tiên phong đi khơi khơi vào thế giới của literary erotica. Trong cuộc rong chơi đó Nin đã để lại cho thế kỷ 20 một khung trời chữ nghĩa quá đẹp cho những kẻ bị mê hoặc bởi văn chương được viết bởi tính nhạy cảm của phụ nữ.

Sống qua thập niên 70 và 80 ở Hoa Kỳ, tôi bắt buộc phải nêu câu hỏi: Nếu O’Keefe và ngay cả Anais Nin, là những phụ nữ tiên phong cho tự do nữ quyền bằng cách dùng mỹ thuật hay nghệ thuật của bút pháp, thì sau thế kỷ 20, trong đời sống cá nhân, phụ nữ Hoa Kỳ đã tiến triển tới đâu, hay họ chỉ đi từ tạp chí Penthouse cho đến những thảm cảnh buồn đau của những hộp đêm, được mô tả trong cuốn film "Looking for Mr Goodbar" (Diane Keaton – Richard Gere), chiếu ở thập niên 70, đoạn cuối của phong trào giải phóng nữ quyền ở Mỹ?

Ngược lai, cũng vào thời gian đó, những cô gái rất trẻ như chị em Lương Ngọc cặm cụi mưu sinh bằng đường kim mũi chỉ, ngoài những bông hoa rực rỡ, còn thêu lên những hình ảnh lịch sử hào hùng trong đó có bóng dáng của những anh hùng dân tộc, những người đàn ông lẫm liệt nhất trong sử sách.

Tôi nhìn thấy "trilogy" khác hơn ba nhánh tiểu thuỷ tiên của Lương Ngọc: Một bên là những bông hoa của nữ tính được giải phóng, tiêu biểu phụ nữ Bắc Mỹ của O’Keefe. Một bên là bức tranh thêu tôn vinh anh hùng dân tộc( thần tượng của nam giới), mà hình ảnh đầy nam tính ấy lại gói ghém sức lao động của những phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn mà Việt Nam cũng qua một bước đường "giải phóng". Và cuối cùng là bức tranh màu nước vẽ cánh hoa tàn úa đơn độc của Lương Ngọc: người phụ nữ Việt Nam vẽ hoa cất giữ những câu chuyện buồn vui trên những cánh hoa ấy.

Sự tương phản làm tôi ngậm ngùi.

Và vì thế, tôi xin trả Georgia O’keefe về cho Georgia O’keefe, Anais Nin về cho Anais Nin. Tôi sẽ quay về căn phòng tối có giá vẽ đơn sơ, trong bóng tối đã nẫy sinh những bông hoa trên mặt phẳng, không phải mặt phẳng của Matisse, mà là mặt phẳng của người phụ nữ tự học vẽ tranh, Hoàng Thị Lương Ngọc.

Những bông hoa đã sinh ra bài viết này.

Dương Như Nguyện – C/N 2010/11



Magic Trick Uncle Tony (Ảo Thuật của Chú Tony)

April 10, 2021
It was a cozy night and the family gathered together at Ngoc’s home in Burbank. Michael (my nephew) was still young and he asked for a magic trick. I showed Michael my latest magic where I make an orange disappear with a plastic cup. Ngoc came to witness the latest magic trick up my sleeve. When she realized that I was concealing the orange by grasping it with the plastic cup, Ngoc bursted into laughter and thought it was the funniest magic trick yet. She turned around and walked away not believing how silly it was.

From this moment on I realized that Ngoc appreciated the small things in life and small memories like these were enough to bring a smile and joy into her.

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Vào một buổi tối ấm áp và gia đình đang sum họp tại nhà của Cô Ngọc ở Burbank. Michael (cháu trai của tôi) vẫn còn nhỏ và cậu bé yêu cầu xem ảo thuật. Tôi trình diễn cho Michael trò ảo thuật mới nhất của tôi là làm cho một quả cam biến mất với một cái ly nhựa. Cô Ngọc đến chứng kiến chiêu ảo thuật mới nhất chưa tung ra của tôi. Khi cô phát hiện rằng tôi giấu quả cam bằng cách tóm lấy nó với cái ly nhựa, cô Ngọc đã phá lên cười và nói rằng đó là trò ảo thuật tếu lâm nhất. Cô quay người bước đi và vẫn không tin vào trò tếu ngốc nghếch này.


Từ lúc đó, tôi nhận ra rằng cô Ngọc trân trọng những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống và chỉ những kỷ niệm nhỏ cũng đủ để mang tiếng cười và niềm vui đến cho cô.

Share a story

 
Add a document, picture, song, or video
Add an attachment Add a media attachment to your story
You can illustrate your story with a photo, video, song, or PDF document attachment.