ForeverMissed
Large image
Stories

Share a special moment from Lưu's life.

Write a story

Giỗ Mẹ

June 10, 2023
Kính thưa Mẹ, 

Hôm nay chúng con quây quần trong mái ấm gia đình để tổ chức 50 năm lễ giỗ cho Mẹ. Năm mươi năm Mẹ rời xa chúng con, nhưng con cảm thấy như mới ngày hôm qua. Với con, mẹ vẫn bên con mỗi bước, mỗi ngày. 

Mẹ ra đi khi con còn thơ dại, chưa đủ khôn lớn để hiểu sự đời. Nhưng con tin rằng Mẹ đã hy sinh cả cuộc đời để tần tảo nuôi con. Tình thương của Mẹ giành cho con còn lớn hơn cả biển trời! Con luôn ghi khắc trong trái tim con. Con cảm ơn Mẹ!

Xin Mẹ tiếp tục cầu bầu cho đoàn con cháu của Mẹ biết sống niềm tin của người KiTô Giáo, để mai sau chúng con cũng được đoàn tụ trên quê trời với Thầy Mẹ. 


                                                                                           Con của Mẹ,
                                                                                      Clara Kim Phượng

TÂM SỰ NGÀY GIỖ MẸ

June 10, 2023


Kính thưa Mẹ,

Hôm nay kỷ niệm 50 năm ngày giỗ Mẹ. Con ngồi trong căn phòng nhỏ bé của Tu Viện, để viết vài giòng tâm sự gởi đến Mẹ.

Mẹ ơi, lần giỗ năm nay cũng như bao nhiêu lần, con không về được bên ngôi mộ thân thương, nơi Mẹ nằm yên nghỉ, để thắp nén nhang, cắm bình hoa tươi và dâng lời kinh cho Mẹ. Tấm lòng con ray rứt và nặng trĩu với những nỗi buồn. Con mong Mẹ hiểu và tha thứ cho con!

Hết cả mấy tuần lễ qua, hình ảnh Mẹ và những kỷ niệm thời thơ ấu của con, cứ vang vọng lại trong con tâm trí con. Dáng hình duyên dáng của Mẹ trong chiếc áo dài, bước tới ngôi Thánh Đường để tham dự thánh lễ. Mẹ phải dừng nghỉ đến năm sáu lần khi bước lên những bậc thang cấp thật cao của nguyện đường. Đã có rất nhiều lần Mẹ xỉu té khi đang tham dự thánh lễ, nhưng Mẹ vẫn trung thành với niềm tin. Mẹ ơi, Mẹ đã sống niềm tin của người Công Giáo và luôn là tâm gương sáng cho đoàn con của Mẹ noi theo.

Những ngày cuối tuần, Thầy được nghỉ ở sở làm, Thầy chở Mẹ trên chiếc Honda 67, trên con đường đất gồ ghề, với thật nhiều ổ gà ở làng quê Thánh Mẫu tới phố Đà Lạt để ghé thăm Ông Vị là Chú ruột của Mẹ. Con nghe Thầy kể, có lần xe vừa dừng trước cửa nhà Ông Vị, là Mẹ xỉu ngay xuống đường.Con nghe mà quá lo sợ. Tính mạng của Mẹ như đang treo trên sợi dây. Nhưng Mẹ vẫn đặt nặng tình gia đình, máu mủ trên những hiểm nghèo, chông gai, thử thách. Mẹ dạy cho chúng con một bài học thật lớn: Sống ở đời, cái tình, cái nghĩa là trên hết.

Hình ảnh Mẹ vo gạo, giặt quần áo cho chồng con bên cạnh cái giếng sau nhà. Một người Mẹ đã hy sinh cả cuộc đời cho chồng, cho con, cho dù Mẹ phải chịu đựng cơn bệnh trong nhiều năm mà không một lời kêu trách.

Mẹ ra đi, để lại cho Thầy một đoàn con nhỏ. Đám tang Mẹ, mọi ngườI trong làng ai cũng rơi lệ khi thấy hoàn cảnh đơn chiếc của gia đình mình. Có lẽ Thầy đã hứa thầm trong thâm tâm và đáy lòng là sẽ cố gắng thay Mẹ nuôi dạy đoàn con nên người.

Mẹ ơi, Mẹ gặp lại Thầy sau gần 46 năm xa cách, chắc Mẹ vui lắm nhỉ! Có lẽ Mẹ đã thức trắng đêm để nghe Thầy kể về những đứa con của Thầy Mẹ, cuộc chiến tranh, di tản, những lo toan, thử thách, những thăng trầm trong cuộc sống.

Ngày Mẹ ra đi, con chưa tròn chin tuổi. Năm mươi năm trôi qua, con đã khôn lớn, đã đủ biết đường đời dài rộng, đã nhận ra những đắng cay của cuộc đời. Thế giới thay đổi từ năm này qua năm khác, cuộc sống ngày này qua ngày khác. Nhưng tình yêu và ký ức về Mẹ sẽ không bao giờ mất đi.

Mẹ là món quà quý báu mà Chúa đã ban tặng cho mỗi người con của Mẹ. Công ơn của Mẹ con không bao giờ đền đáp cho cân. Con cảm ơn Mẹ đã sinh thành, thương yêu và dưỡng dục con. Con cảm ơn Mẹ đã đến với con trong những giấc mơ đẹp. Hình ảnh đẹp của Mẹ luôn sống mãi trong trái tim con. Con bước đi trên đôi chân của con, con ước mong Mẹ luôn dõi theo con Mẹ nhé!

Con của Mẹ,
Theresa Kim Loan



June 10, 2023
Nhân dịp về thăm lại quê hương và những người thân trong gia đình.
Con trai út của Mẹ (Anh Hữu Bảng) đã đến viếng mộ Mẹ sau bao nhiêu năm xa cách, đong đầy thương nhớ.

NGƯỜI MẸ KÍNH YÊU

June 10, 2023
Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào
    Tình Mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào
   
    Mẹ ơi, đã 50 năm Mẹ xa lìa chúng con. Thật là 1 chặng đường quá dài (nửa thế kỷ) con sống không có Mẹ, Mẹ ơi! Con thầm cảm ơn Mẹ đã cho chúng con được sinh ra trên cõi đời này. 
    Con biết giãi bày những tâm sự gì đây hả Mẹ khi đầu óc của con rỗng tuếch về những kỷ niệm và cuộc đời của Mẹ.
Cảm ơn Cậu và các Anh Chị đã có những bài viết tả về cuộc đời của Mẹ nhờ vậy con hiểu được một phần nào về Mẹ.
Con được đọc bài của Cậu Khanh và Anh Kỳ viết về Mẹ mà con chưa một lần được biết đến thật là cảm động làm cho con không cầm được nước mắt. Con thật cảm phục, ngưỡng mộ tấm gương của Mẹ và thấy thương Mẹ thật nhiều. Cuộc đời của Mẹ đã phải trải qua quá nhiều gian nan và thử thách mặc dầu tuổi đời của Mẹ còn rất trẻ. Mẹ đã phải rời xa quê hương, xứ sở, rời xa Ông Bà Ngoại là người cha, người mẹ thân yêu nhất của Mẹ, cho đến khi Ông Bà phải chết một cách thương tâm mà Mẹ cũng chẳng được hiện diện để nói lời từ biệt.
Từ đáy lòng con thầm cảm ơn Ông Bà Ngoại thật nhiều đã sinh ra Mẹ của con.
Mẹ lại phải chia tay với người chị thân yêu (Dì Khánh) để cùng chồng di cư vào Nam lập nghiệp và cuối cùng Mẹ phải chia tay với người em trai (Cậu Khanh) yêu quý nhất của Mẹ khi Cậu phải lên đường đi tu nghiệp ở phương xa. 
Với sự chia ly biền biệt của những người thân trong gia đình không hẹn ngày về đã để lại cho Mẹ nỗi cô đơn tột cùng không có ai để chia sẻ.Những biến cố đau thương đó đã làm cho Mẹ héo mòn theo năm tháng và ảnh hưởng đến sức khoẻ của Mẹ rất nhiều, lại thêm gánh nặng gia đình với bảy, tám đứa con chưa đủ tuổi khôn lớn mà Mẹ phải nuôi nấng, day dỗ khiến cho sức khoẻ của Mẹ càng ngày càng cạn dần. Mẹ đã phải gánh chịu những bệnh tật trong cơ thể nhiều năm trời mà không bao giờ Mẹ than van. Vì thế những giây phút cuối đời của Mẹ nằm nhắm mắt trên giường bệnh, với hơi thở phều phào yếu ớt Mẹ đã không còn sức để gọi tên các con từng đứa một dể dặn dò, nhủ bảo đôi điều trước khi Mẹ vĩnh viễn ra đi. Mẹ đã tạm gác lại tất cả, bỏ lại sau lưng người chồng hết mực chung thủy và có trách nhiệm, để lại những người con rất yêu quý của Mẹ và ngay cả đứa con Út Kim Thanh nhỏ bé nhất của Mẹ đang ngu ngơ khờ dại chưa biết gì. 
Lòng chúng con quặn đau khi phải chứng kiến cảnh biệt ly, xa Mẹ mãi mãi, một người mà chúng con yêu quý nhất trên đời.
Kể từ ngày mất Mẹ, Thầy là người đã thay thế chỗ đứng của Mẹ đảm nhận cả hai vai trò, vừa là người cha , vừa là người mẹ để nuôi nấng dạy dỗ các con.
Dõi theo ngày tháng chúng con lớn dần. Bước vào độ tuổi thanh xuân, tuổi trưởng thành chúng con lại cần có Mẹ nhiều hơn để chỉ dạy. Cách riêng 3 chị em gái chúng con, ở độ tuổi này chúng con cần có Mẹ bên cạnh để trò chuyện, tâm sự, hỏi han và để được Mẹ dạy bảo, truyền đạt những kiến thức và kinh nghiệm sẵn có trong đời của một người làm Mẹ cho các con gái của mình nhưng 3 chị em chúng con lại không được diễm phúc đó Mẹ ạ.
Chúng con phải chịu nhiều thiệt thòi hơn chúng bạn.Nhưng chính nhờ sự yêu thương, ân cần chăm sóc dạy dỗ của người cha và từ trường học, trường đời là những nơi đã trau dồi cho chúng con thêm kiến thức giúp cho chúng con trưởng thành hơn về nhiều phương diện khác nhau đó Mẹ.
Giờ đây con cũng được Thiên Chúa trao ban cho con thiên chức làm Mẹ, một thiên chức thật đẹp và cao quý. Con cũng thấu hiểu được phần nào trách nhiệm và bổn phận của một người Mẹ, chắc hẳn cuộc sống gia đình của con cũng có nhiều khó khăn, vất vả mà con phải đối diện nhưng sánh với Mẹ con cũng chưa phải trải qua nhiều sóng gió khổ cực như Mẹ. Con cũng chưa phải chịu đựng nhiều bệnh tật về thể xác và những đau khổ về mặt tinh thần giống như Mẹ đã từng trải qua nhưng Mẹ ơi con vẫn ao ước có Mẹ kề bên để chỉ dạy, để học hỏi những gương sáng và tâm sự với Mẹ nhiều điều mà chỉ có mình Mẹ mới có thể hiểu được. Con nguyện sẽ cố gắng sống hy sinh hơn cho gia đình như Mẹ đã hy sinh cho chúng con.
Năm nay giỗ 50 năm của Mẹ cũng là lúc Thầy rời xa chúng con được hơn 4 năm rồi, nỗi lòng chúng con buồn khôn nguôi. Con tin chắc rằng giờ này Thầy và Mẹ cũng đang ở một nơi nào đó thật hạnh phúc và hướng lòng về với chúng con để phù hộ cho chúng con.
Cũng đã lâu con chưa có dịp về quê nhà để thăm lại ngôi mộ Mẹ nhưng con vẫn luôn nhớ đến Mẹ trong những giờ kinh nguyện sáng tối, chắc là Mẹ thấu hiểu lòng con.
   Nhân ngày giỗ Mẹ các con cùng với các cháu sẽ cầu nguyện cho Thầy Mẹ cách riêng cho Mẹ vào thứ 7 mồng mười tháng sáu này tại ngôi thánh đường St. Columban. Nguyện xin Chúa dũ lòng thương đón nhận linh hồn ANNA sớm về hưởng nước Thiên Đàng.
Chúng con nguyện sẽ sống ngày một tốt hơn, sống đạo đức, thánh thiện như gương của Thầy Mẹ để mai này chúng con cũng sẽ được đoàn tụ với Thầy Mẹ trên cõi vĩnh hằng.

                                                          Đứa con Út của Mẹ
                                                             KIM THANH

50 NĂM XA MẸ

June 7, 2023
“Đi khắp thế gian không ai tốt bằng Mẹ”[1]
Mẹ ơi ! Hôm nay là ngày giỗ lần thứ 50 của Mẹ (mồng 10 tháng 6 năm 1973-2023). Năm mươi năm đã qua, một nửa thế kỷ, hơn nửa đời người. Thế nhưng hình ảnh ngày mẹ xuôi tay nhắm mắt như vẫn đang hiển hiện rõ mồn một trước mắt con.

Phải, con nhớ như in hôm đó là ngày Chúa nhật, ngày mọi Kitô hữu đến nhà thờ tham dự thánh lễ tưởng niệm Chúa đã chết và đã phục sinh. Anh em chúng con tất cả đều đi dự lễ, chỉ một mình Thầy ở nhà với Mẹ. Con đến với Chúa trong tâm trạng u buồn và phiền não. Ngồi đó quỳ đó nhưng tâm trí con lại không hướng về Chúa. Lời Chúa đang nói với con nhưng con tưởng như đang nói cho ai khác. “Lời nguyện cầu con dâng lên Chúa khi ánh hồng vừa mới lên…” là xin Chúa cho Mẹ chúng con được khỏi bệnh…

Và suốt cả buổi sáng anh  em chúng con cứ chạy ra chạy vô coi chừng Mẹ. Một số người thân và giáo dân cũng đến thăm, đọc kinh cầu nguyện cho Mẹ. Mẹ nằm đó, bất động, hai mắt nhắm lại. Điều duy nhất mà chúng con nhận ra được là Mẹ còn sống, đó là hơi thở. Một hơi thở nhẹ nhàng yếu ớt và mong manh như ngọn đèn sắp cạn dầu đong đưa trước gió.

Lúc đó là khoảng 10g – vì chưa đến giờ ăn cơm trưa. Như được linh tinh báo cho biết giờ Mẹ sắp sửa đón chờ chị Chết, Thầy gọi tất cả chúng con lại bên giường của Mẹ. Thầy lấy một tờ báo cuốn lại giống như một cái ống và ghé sát vào tai Mẹ và kêu tên Cực trọng “Giêsu Maria Giuse, xin cứu vớt linh hồn con”. Tất cả chúng con đều thinh lặng, mắt nhìn vào Mẹ. Tên Cực trọng lại vang lên như một điệp khúc. Một lúc sau hơi thở của Mẹ yếu dần, yếu dần… và Mẹ đã lặng lẽ ra đi về với Chúa trong bình an, không một lời từ biệt! Kẻ ở người đi không nói với nhau được một lời. Thay vào đó là những tiếng khóc thảm thiết của những đứa con từ nay mồ côi Mẹ. Mẹ ơi! Mẹ ơi!

2. Hôm nay, khi đang ngồi ghi lại kỷ niệm này, con không cầm được đôi dòng lệ đang tuôn trào. Bao hình ảnh thân thương về Mẹ ùa tràn vào tâm trí con như một cuốn phim – kể về một người Mẹ nông thôn hiền lành chất phát, yêu thương chồng con, âm thầm chịu đựng bệnh tật cho đến giây phút cuối đời. Nhưng qua cái chết của Mẹ, con cũng nhận ra được nhiều điều:

Trước tiên con cảm nhận tình thương Chúa vẫn luôn dẫy tràn trên Mẹ và gia đình. Chúa đã thương gọi Mẹ về vào đúng ngày Chúa nhật, ngày của Chúa. Hơn nữa là ngày mà người Công giáo mừng Chúa sống lại. Và Chúa đã hứa “Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài … và ai tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6,37-39). Vì thế con tin rằng suốt một đời Mẹ đã trung thành theo Chúa, thì giờ đây Mẹ cũng đang được chung hưởng vinh phúc với Chúa trên thiên đàng.

Rồi, lúc Mẹ lâm chung, tất cả con cái trong gia đình đều tụ họp đông đủ. Mặc dù Mẹ không thấy, nhưng chắc chắn Mẹ cảm nhận được sự hiện diện của Thầy và con cái bên cạnh Mẹ. Và con tin rằng giờ đây Mẹ vẫn dõi theo từng bước chân của từng đứa con của Mẹ, để thấy được rằng con cái Mẹ giờ đã trưởng thành lớn khôn, có gia đình con cháu. Và chúng con cũng tin là nhờ sự cầu bầu của Thầy Mẹ mà chúng con đang được hưởng những phúc lộc hồn xác, sống xứng đáng là con cái Chúa và chân thành yêu thương nhau.

3. “Mẹ ơi ! Hãy yên nghỉ. Không gì có thể làm mẹ đau được nữa rồi”.

“Cái chết không phải là dấu chấm hết cho tình yêu luôn tồn tại, mặc dù ở một dạng khác. Mẹ chỉ thay đổi cách đi cùng bạn. Mẹ sẽ là cơn gió thổi bên tai, là ngôi sao bạn nhìn thấy trên bầu trời. Mẹ chưa bao giờ rời bỏ bạn và sẽ luôn ở bên bạn”.

Mẹ sẽ luôn ở bên bạn, lắng nghe những phiền muộn, niềm vui cũng như nỗi thất vọng của bạn.

Yêu thương và kính trọng mẹ, dù rằng bạn có thể có cách nhìn khác với mẹ. Khi mẹ ra đi, những kỷ niệm yêu mến của quá khứ và cả nuối tiếc sẽ ở lại.

Đừng xem những điều gần gũi nhất với trái tim bạn là hiển nhiên. Hãy yêu Mẹ nhiều hơn, vì cuộc đời bạn sẽ vô nghĩa nếu không có Người!

Con của Mẹ: JB. Kỳ Nguyễn





[1] Người ta thường nói: “Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ”. Để chỉ tấm lòng bao la, đong đầy yêu thương dành cho con cái của các bà mẹ. Họ chẳng phải là siêu nhân, nhưng dù trong bất kể hoàn cảnh nào, tình yêu của họ dành cho con cái cũng vĩ đại như những người hùng.



Nhớ Bà

June 5, 2023
Kính gửi Bà Ngoại,
     Năm nay là 50 năm giỗ Bà Ngoại.
     Bà Ngoại ơi, con chưa khi nào gặp Bà Ngoại, nhưng con nghe Mẹ kể những chuyện về Bà Ngoại. Mẹ nói Bà là người rất hiền lành và đạo đức nhưng Bà bị bệnh rất nhiều. Con thấy tội nghiệp Bà quá.
     Mỗi tối, cả nhà con đọc kinh cầu nguyện cho Ông Bà Ngoại được lên Thiên Đàng với Chúa.
     Con năm nay đã 11 tuổi rồi và con vừa học xong lớp 5. Con chuẩn bị lên lớp 6, và con xin Ông Bà Ngoại luôn nhớ cầu nguyện cho con học giỏi và ngoan ngoãn.
     Con mong mai sau con sẽ được gặp Ông Bà Ngoại ở trên Thiên Đàng. Con thương Bà Ngoại rất nhiều!
                                                                                                                Cháu của Bà,
                                                                                                                 Huyền Trang

Giỗ Bà Ngoại

June 5, 2023
Kính gửi Bà Ngoại,
     Cứ đến ngày 10 tháng 6 là ngày lễ giỗ của Bà. Năm nay cũng là 50 năm ngày Bà mất, ngày cháu không thể quên được.
     Cháu chưa bao giờ được gặp Bà Ngoại, nhưng những câu chuyện Mẹ kể về Bà làm cho cháu cảm thấy thương Bà thật nhiều. Cháu được nhìn những tấm hình của Bà, cháu thấy Bà rất đẹp và hiền dịu. Cháu biết rằng Bà Ngoại đã hy sinh rất nhiều cho gia đình khi Bà bị bệnh và phải trải qua nhiều khó khăn thử thách. Bà luôn là tấm gương sáng cho các con, các cháu của Bà noi theo.
     Năm nay cháu đã lên trung học rồi, xin Bà cầu nguyện cho cháu được sự thông minh để cháu tiếp tục cố gắng học hành cho những năm sắp tới. Ngày giỗ của Bà cháu sẽ đi lễ và cầu nguyện cách đặc biệt cho Bà. Xin Chúa Mẹ thương đón nhận linh hồn Bà Anna sớm về hưởng nước thiêng đàng cùng với các Thánh.
                                                                                                     Cháu số một của Bà,
                                                                                                        Cháu Phương Thu

Bà Ngoại của Cháu

June 5, 2023
Kính thưa Bà Ngoại,

     Năm nay là giỗ 50 năm của Bà Ngoại. Thời gian trôi qua thật nhanh. Tuy cháu không bao giờ gặp Bà Ngoại, nhưng cháu được biết Bà qua những câu chuyện mẹ cháu kể về Bà Ngoại.

     Nhìn qua hình ảnh của Ông Ngoại, cháu nghĩ rằng Bà Ngoại cũng rất hiền lành và đạo đức. Chắc là Ông Ngoại yêu thương Bà Ngoại rất nhiều. Giờ đây Ông Ngoại đã được Chúa gọi về cùng với Bà Ngoại rồi. Gặp lại Ông Ngoại, cháu biết là Bà Ngoại vui lắm. 

     Hằng ngày cháu vẫn nhớ đến và cầu nguyện cho Ông Bà Ngoại. Cháu sẽ cố gắng sống ngoan ngoãn và học hành chăm chỉ để làm vui lòng Bố Mẹ cũng như vui lòng Ông Bà Ngoại.

     Cháu cũng xin Ông Bà Ngoại cầu bầu cùng Chúa để cho cháu luôn biết sống đạo đức, sống thương yêu, và luôn là người con ngoan của Bố Mẹ và người cháu yêu dấu của Ông Bà Ngoại.

     Mai sau cháu mong được gặp Ông Bà Ngoại trên nước Thiên Đàng.

                                                                               
                                                                                           Love,
                                                                                   Cháu của Ngoại
                                                                                      Thanh Xuân



December 23, 2022
by Paul Nguyen on behalf of Luu-Hong-Khanh
on behalf of Luu-Hong-Khanh
Buổi Họp Báo trực diện và trực tuyến ra mắt bộ sách “Những Nhà Tư Tưởng Lớn trong 60 phút”.  Phiên bản tiếng Việt từ nguyên văn tiếng Đức “Große Denker in 60 Minuten” của tác giả Dr. Walther Ziegler.
Bộ sách tiếng Việt 19 tập “Những nhà tư tưởng lớn trong 60 phút” được một ban dịch thuật người Việt  tốt nghiệp tại các Đại học ở CHLB Đức chuyển ngữ, được Công ty CPVH Văn Lang kết hợp với Nxb Hồng Đức xuất bản năm 2020 và 2022.
Buổi họp báo được Công ty CPVH Văn Lang chủ quản tổ chức tại Saigon ngày thứ bảy, 19.11.2022, từ 15:00 giờ VN = 09:00 giờ Đức với chủ đề: Tinh hoa Triết học thế giới.  
Bộ sách “Những nhà tư tưởng lớn trong 60 phút” thông qua 4 bốn mục chính:
1.Diễn từ của người chủ trương dự án dịch thuật: LHK
2.Diễn từ của tác giả: Ts. Walther Ziegler 
3.Trình bày của các thành viên BDT 
4.Giao lưu trao đổi giữa khách mời, bạn đọc, tác giả và BDT
** **
Diễn từ của người chủ trương dự án dịch thuật: LHK
*Chú thích: Bài Diễn từ được cắt thành từng đoạn, để thông dịch viên chuyển ngữ sang tiếng Đức được dễ dàng theo dõi và kỹ thuật viên Power Point được dễ dàng phối hợp đưa lên màn hình.
(1).Lời chào mừng
Kính chào quý vị, 
Thân chào các bạn,
Từ thành phố Frankfurt, miền trung nước Đức, tôi hướng về quý vị và các bạn với niềm vui mừng lớn được bày tỏ đôi lời với quý vị và các bạn về một Dự án hôm nay trên cơ bản đã thành tựu và được ra mắt: Dự án xuất bản bằng tiếng Việt bộ sách lớn triết học “Những nhà tư tưởng lớn trong 60 phút”, từ nguyên văn tiếng Đức của tác giả Ts. Walther Ziegler, hiện có mặt cùng chúng ta trong buổi giao lưu văn hóa này.

(2).Chào mừng tác giả
Bộ sách “Những nhà tư tưởng lớn trong 60 phút” được ra mắt hôm nay quả là một thành tựu rất to lớn và đầy ý nghĩa. To lớn và đầy ý nghĩa, trước nhất hẳn là vì nó đã giới thiệu được những nhà tư tưởng lớn từ Cổ đại Hi Lạp, qua Cận đại và Hiện đại Âu châu, nay đến cả Cổ đại Á châu với Khổng Tử và Đức Phật. 
To lớn và đầy ý nghĩa, tiếp đến là do tài năng hiểu sâu và biết rộng, tư duy tổng hợp và phân tích, năng khiếu khoa học và sư phạm của tác giả: từ trên hàng chục nghìn trang sách về một nhà tư tưởng, mà tác giả Ts. Ziegler đã đúc kết lại được trong khoảng 100 trang cỡ A5 với đầy đủ những tư tưởng cốt lõi của một triết nhân, một cách trung thực và nghiêm túc, đồng thời lại rất thông thoáng, rõ ràng, giản dị, cùng với những hình ảnh không thiếu châm biếm và hài hước, để kết thúc với những gợi ý: những tư tưởng của các danh nhân vừa trình bày có thể giúp ích gì cho chúng ta ngày hôm nay.
To lớn và đầy ý nghĩa, sau nữa bởi nó xuất phát từ một tấm lòng và một viễn kiến của tác giả. Tấm lòng kết nối người người với nhau qua suy tư triết học, và viễn kiến thực hiện một tương lai chung cho mọi người, mọi vùng miền văn hóa, trong khai minh, trong sự thật, thông qua trao đổi, bàn luận, đưa đến những quyết định và hành động theo lý tính.   
Chúng tôi thật muôn vàn xúc động về những tài năng, những khó nhọc và những tâm tư của tác giả trong việc thực hiện Dự án triết học đầy tính khoa học và nhân văn này, và chân thành cảm tạ tác giả về những điều đó.

(3).Chào mừng BDT & Cty Sách VL & Nxb Hồng Đức & Bạn đọc & Khách mời
Ta còn phải nói thêm: Bộ sách “Những nhà tư tưởng lớn trong 60 phút” được ra mắt hôm nay quả là một thành tựu rất to lớn và đầy ý nghĩa, bởi nó là công trình lâu dài và khó nhọc của mọi thành viên trong Ban dịch thuật, của Cty Sách Văn Lang phối hợp với Nhà xb Hồng Đức qua mọi khâu biên tập, giấy phép xuất bản, in ấn, phát hành, rồi hiện nay là khâu tổ chức họp báo để quảng bá bộ sách quý này. Chúng tôi cũng được biết thêm rằng, chính sự quan tâm của các bạn đọc và quý vị khách mời tham gia vào buổi họp báo hôm nay cũng đã là những khuyến khích tích cực cho sự quyết tâm thực hiện được dự án xuất bản bộ sách này. Chúng tôi xin thực lòng ghi ân và cám ơn tất cả quý vị và quý bạn.

(4).Trình bày “Các nhà tư tưởng lớn” và về chủ đề buổi họp báo “Tinh hoa triết học thế giới”
Hiện dự án đã xuất bản được 19 nhà tư tưởng. Một số thành viên trong Ban dịch thuật sẽ trình bày ở đây hôm nay cho quý vị và các bạn về một số các triết gia mà mình đã biên dịch, về tổng quan dự án “Những nhà tư tưởng lớn”, cùng với những cảm nghĩ của mình về triết học. 
Trước đó, theo chương trình và đề nghị của Ban tổ chức, thì người chủ trương dự án và tác giả Ts. Walther Ziegler được mời trình bày khái quát về bộ sách này, cùng với một số điều về chủ để buổi họp báo hôm nay, tức về chủ đề “Tinh hoa triết học thế giới” hiện nay hoặc “những chủ đề tâm đắc” nào khác.  

(5).“Tinh hoa triết học thế giới”
Nói “tinh hoa triết học” tức nói về tính “ưu việt” của nó. Điều chúng ta có thể quan tâm trước nhất về tính “ưu việt” của triết học là phân biệt giữa “kiến thức” triết học và “kinh nghiệm” triết học, tức “làm” triết học. Các truyền thống triết học phương Đông cũng như phương Tây đều nói đến ba bước khởi đầu đi vào triết học, hay minh triết (theo nguyên tự Hi Lạp của từ philo-sophy là yêu thích sự khôn ngoan); đó là: kinh ngạc, ngờ vực và khốn cùng đau khổ.

(6).Kinh ngạc – bước khởi đầu đi vào triết học.
Kinh ngạc có thể bắt nguồn từ kinh nghiệm về một sự “kỳ lạ” hoặc “kỳ diệu”. Trong thế giới phẳng của xã hội quần chúng và xã hội tiêu thụ ngày nay, mọi sự vật đều trở nên “đương nhiên”, không còn gì đánh động tâm thân ta. Những câu hỏi trong chiều kích hiện hữu, chứ không phải trong chiều kích vật lý hay hóa học, không còn được đặt ra: tại sao nắng, tại sao mưa, thay vì không nắng, không mưa? Tại sao một ngọn cỏ đâm chồi ra xanh tươi giữa lằn ranh hai tảng đá của một con đường đi hay của một bức tường gạch?
Và ta không khỏi sửng sốt khi một nhà triết học già nua, lạnh lùng, ngày đêm thêu dệt các câu chữ triết học trừu tượng, như Immanuel Kant lại có thể sảng khoái kêu lên: “Hai điều tràn ngập tâm tư với sự ngưỡng mộ và kính sợ luôn luôn mới mẻ và gia tăng mỗi khi nghĩ đến, đó là: bầu trời đầy sao trên đầu tôi và quy luật đạo đức ở trong tôi”. Câu nói được ghi khắc trên mộ ông. Kant là một danh nhân và cũng là một danh phẩm trong bộ sách “Những nhà tư tưởng lớn” mà chúng ta đang bàn đến.

(7).Ngờ vực – bước khởi đầu thứ hai đi vào triết học.
Trước những truyền thống suy tư, tin tưởng và lề luật mang tính “đương nhiên” về con người và về các vị trí khác nhau của con người trong xã hội, triết gia Paul Ricœur đã từng nói đến “ba vị thầy của sự ngờ vực”, đó là Marx, Nietzsche và Freud. 
Marx ngờ vực về các truyền thống mang tính “đương nhiên” về giàu nghèo, sang hèn trong xã hội; ông đã đưa ra lý thuyết về giai cấp tư sản bóc lột giai cấp công nhân, và từ đó chủ trương lý thuyết tranh đấu giai cấp. 
Nietzsche ngờ vực về những khẳng định tiên quyết tuyệt đối trong triết học, như khẳng định tiên quyết và tuyệt đối của Descartes “Tôi tư duy, (tức) tôi tồn tại”, và rồi Nietzsche chủ trương một triết học về ý chí, ý chí quyền lực, con người siêu nhân thượng đẳng.
Freud ngờ vực về quan điểm ý thức là tất cả con người, rồi từ đó đã cống hiến cho nhân loại những đóng góp quan trọng về thế giới vô thức, về ngành phân tâm học và các khoa tâm lý trị liệu mà nhân loại đang cần đến.
Marx, Nietzsche và Freud cũng đều là những danh phẩm trong bộ sách “Những nhà tư tưởng lớn” của chúng ta đang bàn đến hôm nay.
Và rồi, ngày nay khắp nơi, trong thế giới truyền thông, cũng như trong văn học, xã hội, chính trị, chiến tranh và cả tôn giáo, được nói đến rất nhiều về “truyện thuyết” (narrative) để rao truyền một ý nghĩa nào đó, một chính kiến, một ý hệ, một lịch sử, một văn hóa, một chủng tộc nào đó là thật, là đúng, là có tính cứu rỗi... đang khi phần rất lớn chúng chỉ là “fake news”. Liệu các xã hội của chúng ta có còn những “vị thầy của sự ngờ vực” rất cần thiết nữa không?

(8).Khốn cùng đau khổ – bước khởi đầu thứ ba đi vào triết học.
Khốn cùng, đau khổ, bất cập, yếu đuối, lỗi lầm, tội lụy, cái Ác, chết: đó là “điều kiện lịch sử của con người”. Nhiều truyền thống văn hóa, văn học, tôn giáo trên thế giới từ nguyên thủy đến hôm nay đều giảng dạy sự chấp nhận “điều kiện lịch sử của con người” khốn cùng, đau khổ, tội ác và bị huỷ diệt nói trên.
Có suy tư triết học nào mở ra một chân trời hiện hữu tươi sáng hơn không?  
May mắn, có những nhà tư tưởng lớn đã nhìn thấy các sự kiện lịch sử khốn cùng, đau khổ, yếu đuối, lỗi lầm... của con người, nhưng họ đã nhìn chúng với một cách nhìn khác với cách nhìn “thông tục” thường lệ của dân gian. Họ đã nhìn chúng trong những chiều kích giá trị, hi vọng, thay đổi. Mô hình suy tư triết học tích cực và xây dựng này được biểu thị trong phân ngành “Triết học thông diễn”, phát xuất từ thời Cổ đại Hi Lạp và được phát triển mạnh mẽ từ Hiện đại và Đương đại ngày nay, trong ngữ cảnh triết học Anh-Mỹ (Rorty, McDowell, Davidson) cũng như triết học lục địa châu Âu (Schleiermacher, Dilthey, Heidegger, Gadamer, Arendt, Habermas, Apel, Ricœur, Derrida). Sau đây là một vài trích dẫn.
Arendt: “Bằng lời nói và hành động, chúng ta tham gia vào thế giới con người, thế giới này đã có trước khi ta sinh ra trong đó, và sự tham gia này giống như sự sinh ra lần thứ hai, qua đó, ta xác nhận sự kiện trần trụi của sự sinh hạ, đồng thời, đón nhận trách nhiệm về nó trong chúng ta” (NNTTL, tr.129, td.90).
Heidegger: hiểu cái “Tồn tại-ở đó” (Dasein) theo bốn nghĩa sau đây”
1.khi nó có quan hệ với sự hiện hữu của mình,
2.khi nó có quan hệ ý hướng tính với những cái tồn tại chung quanh,
3.khi nó có thể hiểu và có thể đặt câu hỏi về Tồn tại,
4.khi nó ở trong thế giới và hiểu ý nghĩa của thế giới.
(x.BVNS, Triết học và/về tính hữu hạn, trong www.triethoc.edu.vn, 2013, trg.7).
Ricœur: đã từng nhìn ra sự bất lực, sự yếu hèn, các tội ác của con người, nhưng đồng thời cũng nhìn thấy hình dạng những “con người có năng lực” làm cho mình trở nên những “con người sống theo tính người”.
-Trong tác phẩm lớn thứ nhất cuối đời “Chính mình như một người khác” (1990), Ricœur đã hình dung ra mẫu “con người có năng lực” hướng đến một xã hội với những “con người sống theo tính người”: ... “nhằm thực hiện một cuộc sống tốt lành, với và vì kẻ khác, trong những thể chế công bình” (trg.202).
-Trong tác phẩm lớn thứ hai cuối đời “Ký ức, Lịch sử, Bỏ quên” (2000), Ricœur nói, còn gì nữa mà khám phá, nếu không phải là “làm cho con người có năng lực nhìn ra, thật kỳ diệu biết bao được làm người” (trg.656).

(9).Kết
Thưa quý vị và các bạn,
Tôi xin ngừng lại ở đây và chúc nguyện cho tất cả chúng ta thật nhiều niềm vui, cũng như thật nhiều thành tựu, trong công việc thể hiện những “Tinh hoa triết học thế giới” nơi bản thân và trong xã hội nơi chúng ta đang sinh sống. Thông qua “ba bước khởi đầu đi vào triết học”. Và cách đặc biệt thông qua những thức nhận của “Triết học thông diễn” về “con người có năng lực” thể hiện những xã hội với những “con người sống theo tính người” và cảm nghiệm được điều “biết bao kỳ diệu được làm người”.
Xin cám ơn sự quan tâm của quý vị và của các bạn.
lhk     

December 22, 2022
by Paul Nguyen on behalf of Luu Hong Khanh
on behalf of Luu Hong Khanh
Giáng Sinh 2022
Năm Mới 2023



Nhân mùa lễ Giáng Sinh trọng đại 2022 và Năm Mới 2023,
từ nước Đức xa xôi, cậu thương mến chào thăm các cháu và toàn thể gia quyến
đang sinh sống trong nước cũng như ngoài nước !


**
Trong suốt 4 tuần lễ mùa Vọng, ta thường được nghe những lời kêu gọi hãy vui mừng lên, vì lễ Giáng Sinh sắp đến sẽ đem lại bình an, tha thứ và cứu rỗi. Người người sẽ sống trong tương thân tương kính, trong công bình, bác ái và cùng nhau xây dựng những gia đình và những xã hội phồn vinh, lành mạnh, văn minh, tiến bộ và hạnh phúc.
Có thật vậy không?

Bởi, đồng thời ta cũng chứng kiến những gì đang xẩy ra tại Ukraine. Một cuộc chiến xâm lăng và diệt chủng. Nhà ở, trường học, bệnh viện, xưởng thợ bị bom đạn phá nát tan tành. Giữa mùa đông rất lạnh. Và ngước nhìn lên thế giới, hàng tỉ người đang phải sống trong nghèo đói, trong áp bức, dưới kềm kẹp của tàn bạo và tuỳ tiện...

Những thông tin mùa Vọng là những tin vui, nhưng chúng cần được khai triển và thực hành. Để thực hiện công việc này, xã hội chúng ta cần có rõ một hình mẫu về con người, về xã hội, về lịch sử, và cùng nhau thể hiện hình mẫu con người, xã hội và lịch sử đó trong cuộc sống của từng cá nhân và trong toàn xã hội. Công việc này trong học thuật được gọi là công việc “khai trí”, “khai tâm” hay “khai minh”, nhằm thể hiện những mẫu hình xã hội mang tính “dân chủ trong đó mọi người đều có phần tham dự: tham dự trong quyền lợi, trong trách nhiệm, thông qua trao đổi, bàn bạc và quyết định”. Các nhà khoa học xã hội gọi mẫu hình xã hội như thế là xã hội “dân chủ tham phần và tham luận” (“participative and deliberative democracy”).


**
Trong viễn kiến “khai minh” đó, mấy năm qua cậu đã cố gắng thực hiện một bước đi nhỏ: thực hiện dự án dịch thuật và xuất bản bằng tiếng Việt bộ sách “Những nhà tư tưởng lớn trong 60 phút”, chuyển ngữ từ bộ sách nguyên văn tiếng Đức mang tên “Grosse Denker in 60 Minuten”. Cùng với một nhóm dịch thuật 8 người, nay đã chuyển ngữ và xuất bản được 19 tựa sách, thông qua Công ty Văn hóa Văn Lang phối hợp với Nhà xuất bản Hồng Đức ở Việt Nam. Đó là 19 danh phẩm về 19 nhà tư tưởng lớn hay triết gia lớn, từ Cổ đại Hi Lạp với Plato đến Hiện đại, từ Âu Mỹ đến châu Á với Khổng Tử và Đức Phật.



Hai lần xuất bản đầu tiên đã được thực hiện:
                               
         Grosse Denker in 60 MinutenGrosse Denker in 60 Minuten
    Những nhà tư tưởng lớn trong 60 phút       Những nhà tư tưởng lớn trong 60 phút

Xuất bản lần một (2020) gồm các danh nhân (thứ tự abc): 
Freud, Habermas, Hegel, Heidegger, Kant, Nietzsche, Rousseau, Sartre, Smith.
Xuất bản lần hai (2022) gồm các danh nhân (thứ tự abc):
Adorno, Arendt, Camus, Foucault, Hobbes, Konfuzius, Plato, Rawls, Schopenhauer, Wittgenstein. 
Xuất bản lần ba (dự tính 2023) gồm các danh nhân (thứ tự abc):
Buddha, Epikur, Kafka, Popper, Descartes. 

Những nét đặc sắc trổi vượt của bộ sách này:
Bộ sách về các triết gia lớn trên thế giới, được trình bày ngắn gọn, cơ bản, súc tích, đầy đủ, nhưng dễ hiểu và ứng dụng cho các câu hỏi của con người thời đại, có thể chỉ cần 60 phút để đọc hết tập sách dài khoảng 100 trang, với cỡ chữ to và nhiều hình ảnh về nhà tư tưởng đang được bàn đến cùng với những trích dẫn của nhà tư tưởng đó.
Quả thật, chỉ riêng về một triết gia với hàng chục hay hàng trăm tác phẩm và tư liệu rất phức tạp trong tư tưởng cũng đã là khó khăn cực lớn cho người đọc, làm sao ta có thể quán xuyến thấu triệt toàn bộ tư tưởng của một triết gia như thế, nói gì hàng chục triết gia quan trọng khác trong tổng hợp lịch sử triết học thế giới? Tác giả đã đúc kết, cống hiến cho bạn đọc những tư tưởng nòng cốt của từng triết gia, hơn nữa trên cơ sở toàn bộ các lời trích dẫn đã để cho các triết gia trực tiếp nói chuyện với bạn đọc thay vì soạn giả nói về các triết gia.
Ngoài ra, trong từng tập sách, soạn giả lại cũng đã cống hiến cho bạn đọc một bố cục nội dung ba phần mang tính sự phạm rất cao: 
-Khám phá lớn của triết gia.
-Tư tưởng cốt lõi của triết gia.
-Phát kiến của triết gia có ích gì cho chúng ta ngày nay?
**
Ngày 19 tháng 11 vừa qua (2022), Cty Văn hóa Văn Lang cùng với tác giả Dr. Walther Ziegler, người chủ trương dự án biên dịch là cậu và ban dịch thuật đã tổ chức một buổi Họp báo trực tuyến tại Saigon để ra mắt Dự án dịch thuật và xuất bản này. Buổi Họp báo được đặt dưới chủ đề “Tinh hoa Triết học Thế giới”, gồm hai diễn từ của tác giả và của người chủ trương, những ý kiến và quan điểm của các bạn trong ban dịch thuật, cũng như những trao đổi giữa cử tọa và các thuyết trình viên. Buổi Họp báo ra mắt này đã được diễn tiến và đón nhận một cách rất tích cực từ mọi phần tham dự.
Cậu thực hiện Dự án dịch thuật và xuất bản bộ sách “Những nhà tư tưởng lớn trong 60 phút” này trong tưởng nhớ đến các cháu, giữa các thế hệ trẻ đang vươn lên cho một tương lai mới của đất nước. Cậu đã gửi tặng cháu Kỳ, như đại diện cho toàn thể đại gia đình, trọn một bộ. Trong hộp thư kèm đây, cậu gửi thêm bài diễn từ của cậu và của tác giả. Nay kết thúc với một tư tưởng rất đơn giản, nhưng cũng rất sâu xa và đầy ý nghĩa của Khổng Tử (tập sách cậu biên dịch): “Cuộc sống ở một nơi nào đó sẽ là tốt đẹp, khi con người có quan hệ tình nghĩa với nhau”.
Cầu chúc cho tất cả, cầu chúc cho nhau một lễ Giáng Sinh vui, một Năm Mới an lành, bình yên, hạnh phúc và đầy Ơn Chúa! Cậu: Lưu Hồng Khanh

Cậu tôi ..... 90's......

July 10, 2022
Mừng ngày Thượng Thọ Chín Mươi

11.07.1932 – 2022

Lưu Hồng Khanh


Mến chào quý thân nhân, các bằng hữu, các đồng nghiệp, các bạn đồng hành trên mọi nẻo đường đời cuộc sống!

Trong những thập niên chiến tranh ở Việt Nam thế kỷ 20 vừa qua, nhiều gia đình người Việt đã từng có những di dời cuộc sống từ Bắc vào Nam, từ trong nước ra ngoài nước.

Phần lớn con cái của gia đình bà chị Lưu Thị Nhung và chồng là anh Nguyễn Kinh của chúng tôi đã định cư ở bang Cali, Bắc Mỹ. Các cháu đã thiết kế một trang mạng và một trang Gia phả họ Lưu . Qua hai trang mạng đó, mọi bà con nội ngoại, trong nước ngoài nước, đều có thể thông tin, liên lạc, chia sẻ những hình ảnh, suy tư, kinh nghiệm cuộc sống của mình chonhau.

Năm nay, bản thân người đang viết mấy dòng này đạt tuổi nhiều hơn chỉ là “xưa nay hiếm”. Từ khắp nơi và từ trong nhiều lĩnh vực sinh sống khác nhau, đương sự – với vui mừng và biết ơn – đã nhận được nhiều lời chúc mừng cũng như nhiều câu hỏi về cuộc sống. Một trong những câu hỏi đó là: “Bạn có cảm nghĩ gì về ‚tuổi trăng tròn chín mươi‘ ” này?

Sau đây là một vài cảm nghĩ của đương sự về câu hỏi nói trên. Tuy những người nhận và đọc những dòng chữ này không phải chỉ là các con cái, cháu chắt của chị Lưu Thị Nhung và anh Nguyễn Kinh, nhưng vì để biểu hiện mối tình cảm gia đình, nên xin các bạn đọc cho phép đương sự sử dụng cách xưng hô “cậu - cháu” cho êm đẹp nhé!

Thân yêu, quý mến,

Lưu Hồng Khanh


Câu hỏi được đặt ra là:

“Cậu có cảm nghĩ gì về tuổi thượng thọ tròn trĩnh chín mươi này?”

Bảy mươi là tuổi xưa nay hiếm” (Châm ngôn châu Á).
Tám mươi là tuổi thọ của các Hoà thượng Phật giáo” (theo Biên niên sử Phật giáo).
Trên đó nữa là tuổi đời của các vị Tổ Kinh thánh Do thái giáo và Kitô giáo
(theo truyện thuyết Kinh thánh).

Cả hai người chị và một người em gái của cậu đều đã bị suy suyễn vì bệnh thở, sống thiếu thuốc thang và thiếu bác sĩ chăm sóc. Em gái nhỏ đã mất khi chưa đầy 11 tuổi, một người chị đã “ra đi” năm tuổi mới 43, người chị còn lại đã trụ được đến tuổi cuối 70 nhưng suốt đời cũng đã phải chịu nhiều vất vả vì vấn đề sức khoẻ. Ba má của cậu, tức ông bà ngoại các cháu, đều đã là nạn nhân của những xáo trộn trong xã hội thời thập niên 50 thế kỷ 20 đưa đến những cái chết oan nghiệt, khi cậu đang trong thời gian tu nghiệp ở nước Đức.

Ngay trong những ngày này, cả thế giới đang theo dõi cuộc chiến vô cùng tàn khốc và cũng thật vô cùng vô nghĩa ở Ukraine. Đồng thời, trong những thập niên đầu của thế kỷ 21 hiện đại này, chúng ta đang được thừa hưởng những thành tựu lớn lao của khoa học và kỹ thuật, của văn chương, nghệ thuật, tư tưởng và cả nhiều thời gian nhàn rỗi; nhưng đồng thời chúng ta cũng đang chứng kiến những cảnh nghèo đói và cùng cực, bạo quyền và tùy tiện, áp bức và độc đoán, những hủy diệt con người và môi sinh, những khốn cùng của thân xác và tâm hồn của hàng tỉ con người, nơi gần nơi xa, trong đó rất nhiều nạn nhân là những bé thơ hay những trẻ con còn rất nhỏ tuổi.


Vậy câu hỏi nay được đặt ra là:

“Trước một xã hội vô cùng xáo trộn và một thế giới vô cùng băng hoại như hiện nay, cậu – một ông lão chín mươi – có những cảm nghĩ gì vào dịp cửu thập thượng thọ này?

**Cảm nghĩ đầu tiên là lòng biết ơn. Biết ơn đối với trời đất thiên nhiên đã cho ánh sáng, khí thở, thức ăn, sức khoẻ và cảnh đẹp. Biết ơn đối với con người và xã hội đã đem lại tri thức, hiểu biết, văn hóa, nghệ thuật, triết học, tôn giáo, kỹ thuật, khoa học; nhưng đồng thời cũng cả bao dung, tâm cảm, độ lượng, tha thứ, chấn hưng, khích lệ tiếp bước đi đến những miền xa khơi, những bến bờ mới của sự sống, của thế giới, của lịch sử.

Minh thị biết ơn đối với tiên tri Jeremiah, người đã bày tỏ cho cậu thấy ý nghĩa của đời mình mà Đấng tối cao đã dành sẵn cho: “I have a plan for your life. It is a plan for good and not for evil... to give you a future with hope!” (Jeremiah 29:11; Crystal Cathedral Ministries 1999). Cũng minh thị biết ơn đối với bác sĩ Viktor Frankl, người cùng với Liệu pháp ý nghĩa (Logotherapy) đã chỉ cho cậu ba con đường đưa đến ý nghĩa của cuộc sống: “thứ nhất, làm một điều gì: thực hiện một hành động, làm một công trình; thứ hai, kinh nghiệm một điều gì: tạo tác trong thiên nhiên, hay trong nghệ thuật, hay đối với một con người – kinh nghiệm về một con người cho đến tận cùng bản chất sâu xa có một không hai của một con người có nghĩa là yêu thương họ; cuối cùng, khi ta trở nên nạn nhân vô vọng của một hoàn cảnh vô vọng – một hoàn cảnh mà ta không thể thay đổi, trong đó ta chỉ còn biết thay đổi thái độ của riêng mình mà thôi – và như thế thay đổi nó và chính chúng ta, để ta được lớn lên, trưởng thành lên, lớn hơn lên chính chúng ta, và như thế làm nên một chứng từ về những năng lực trở thành rất con người của mọi con người, đó là năng lực của một con người có thể biến đổi một bi kịch đời mình nên một sự khởi hoàn đắc thắng” (Con người trên đường tìm kiếm ý nghĩa [1968], trong: Con người đau khổ, Bern, 2018, 58).

Từ các bạn bè, cậu vẫn thường được nghe câu hỏi: “Này, bạn làm sao mà có thể vẫn luôn khoẻ mạnh như xem ra bạn đang khoẻ lắm?” Với ít nhiều hài hước, cậu trả lời: “Đó là phép lạ của sự tỉnh thức!” Mà thật, thiên nhiên với tứ đại đất, nước, khí, lửa vẫn luôn có đấy; những thành tựu của khoa học, kỹ thuật, văn hóa, nghệ thuật, triết học, tôn giáo do con người và xã hội dần dà gầy dựng nên và rồi chúng cũng vẫn luôn có đấy. Nhưng đối với chúng ta – những con người sinh sống trong thiên nhiên vũ trụ – thì chúng phát triển những năng lượng làm ta kinh ngạc và cho ta sức khoẻ lớn lao và thực sự là chỉ khi nào ta tỉnh thức, nghĩa là khi tâm ta bừng sáng, ý thức được sự sống, hiện hữu, tồn tại, biết vận động không những các quan năng tinh thần, mà còn cả những cơ năng của thể xác, một cách bền bỉ, lâu dài, thường xuyên, trong một tương quan tương sinh, tương nhập, tương tác với hoàn vũ và nhân loại, trong toàn tiến trình tiến hóa của chúng.

Đơn giản, cậu hiểu thế này: Chúng ta ý thức được mình đang sống trong một khối năng lượng vô biên của hoàn vũ và con người, “bây giờ và ở đây”, trong nghĩa toàn diện rộng lớn bao la của nó trong không gian và cả trong thời gian, với “toàn bộ tiến trình phát triển của chúng từ thời hồng hoang với tiếng nổ Big Bang thông qua hiện tại đến tận những tương lai vô tận”. Chúng ta trân trọng và thân ái đón mời toàn khối năng lượng vô biên đó, thông qua những hơi thở thật sâu, thật chậm, thật dài mà chúng ta với ý thức cùng theo dõi, đưa vào ngôi nhà bản thân mình, chữa trị những đau thương, ban thêm những sức lực, chuyển hóa cuộc sống của mình. Chúng ta cũng mời gọi toàn khối năng lượng vô biên lành mạnh đó đến với mọi người – nhất là với những người là nạn nhân của sự ác, bất công, tàn bạo – chữa trị họ, thêm sức cho họ, đem lại tin yêu và hi vọng cho họ, và làm cho tất cả mọi người chúng ta nên như những phước lành đem lại hạnh phúc thật cho nhau.

Nhiều người từ lâu đã từng biết, việc ăn uống lành mạnh, vận động dẻo dai và tâm tư tích cực là bộ ba liệu pháp tuyệt vời nhất để giữ gìn sức khoẻ; nhưng vì những lý do này nọ, họ đã bỏ quên đi bảo bối tri thức cho sức khoẻ nói trên. Nơi đây là tiếng chuông cảnh tỉnh của minh triết dân gian qua phương châm “thà ít mà bền bỉ còn hơn là kích động như vũ bão mà lơ là thưa thớt”! Với vận động bền bỉ mỗi ngày trong tỉnh thức, ta có thể có duyên may kinh nghiệm được: từng bước từng bước hoa sen nở, từng cọng cỏ vươn lên vươn lên từ một con đường nhựa, hay từ một bức tường hoang, nghe như có tiếng nhạc hòa tấu số sáu thảnh thơi hoan lạc của nhà soạn nhạc lừng danh Beethoven... Vâng, thiên nhiên, lịch sử, con người – tất cả đang có mặt, tất cả là quà biếu tặng, miễn phí, “tất cả là ân huệ”: “tout est grâce”, cho tất cả, cho mọi người, cho từng người... Vâng, nhưng chỉ khi ta thực sự tỉnh thức, biết ơn, sống công bình và độ lượng!


**Cảm nghĩ thứ hai là sự bất ưng và trách nhiệm: Tại sao có sự thiếu thốn về y khoa, y sĩ, y dược đã làm sớm đánh mất cuộc đời của các chị và em gái tôi? Tại sao có những rối loạn xã hội đã dày vò và tàn nhẫn giết hại ba má tôi? Tại sao có cuộc chiến tàn nhẫn và vô nghĩa trong một đất nước an bình Ukraine, cuộc chiến mới chỉ sau bốn tháng (bắt đầu từ 24.02.2022) mà đã phá hủy hàng chục thành phố khang trang, giết chết hàng trăm ngàn thường dân vô tội, xua đẩy hàng triệu người bỏ nhà đi tìm bình yên nơi miền xa xứ lạ? Và cuộc chiến tang thương, nghiệt ngã và vô nghĩa này, theo chẩn đoán của các Viện nghiên cứu khoa học quốc tế, thì còn có thể kéo dài nhiều năm. Và tại sao nhiều cuộc chiến tang thương trong nhiều đất nước khác đã hầu như không được trình thuật một cách quốc tế công khai?

Nơi đây ta còn phải nói thêm: dịch bệnh Corona qua 2 năm nay đã giết chết trên 17 triệu người (theo Oxfam: Oxford Committee for Famine Relief), trên 550 triệu người bị nhiễm bệnh, cuộc sống và công việc làm ăn của hàng triệu người đã bị thách thức ngừng trệ. Ta cũng lại còn phải mở to đôi mắt để thấy vấn đề khí hậu và môi sinh đang bị trầm trọng đảo lộn. Ngay những ngày này, đã xảy ra nhiều vụ cháy lớn ngay tại nước Đức, thời tiết có ngày đã leo đến trên 40 độ. Người già cả phải suốt ngày nằm dài tê liệt trên bờ giường chết. Và trên thế giới, được biết nay có trên 800 triệu người đói ăn cùng cực. Điều đốt cháy không ít tim gan ta, là làm thế nào khắc phục được bạo quyền, tùy tiện, lạm dụng quyền lực trong rất nhiều đất nước? Làm thế nào góp phần xây dựng và phát triển được một xã hội công bình, nhân văn, tương giao và liên đới?

**Cuối cùng là cảm nghĩ thứ ba về một hành động cụ thể, có thực năng và hiệu quả: Để được vậy, ta thiết yếu và cần ngay – và càng bức bách trong những đất nước, những xứ sở còn mang nặng tính gia trưởng và bị kìm hãm trong nghèo đói – một hệ thống giáo dục cởi mở, thích ứng và sáng tạo cho mọi người và cho từng người, từng công dân. Đồng thời ta cũng rất cần những tổ chức Sáng kiến công dân, những tổ tư vấn, những tổ nghiên cứu, những tổ hành động, trong mọi lĩnh vực sinh sống của con người, trong xã hội.


Từ cảm nghĩ đến thể hiện

Một chân trời thi ca

Con đường từ Cảm nghĩ đến Thể hiện này là một chặng đường từ Cảm nghĩ thông qua Tưởng tượng, Suy nghĩ, Tương giao, Thảo luận, Quyết định, Hành động, Chuyển hóa, đến Thể hiện – trong từng người, từng nhóm công dân, toàn thể xã hội, cho công bình, cho hạnh phúc, cho mọi người, trong một “cuộc sống tốt lành”, như chính lời của ông tổ triết học Aristotle đã hình dung diễn tả.

Hay như nhà triết học đương đại Paul Ricœur đã trình bày suy tư đó trong tác phẩm thông diễn học trứ danh của ông “Chính mình như một người khác” như một “chân trời thi ca”. Đối với Ricœur, “cuộc sống tốt lành” này được thiết kế thông qua “biện chứng chính mình, người gần và người xa”. “Cuộc sống tốt lành” đó là cơ sở của một xã hội công dân, là suối nguồn hưng phấn cho một cuộc sống chung, là động lực cho sự chuyển hóa từ những ước mơ hạnh phúc riêng tư trở thành những năng lực cho những thể hiện cộng đồng, thông qua một “trao đổi biếu tặng và đón nhận”. Ricœur mô tả cái “viễn ảnh xã hội thi ca” này qua công thức “Nhắm chủ đích một cuộc sống tốt lành, với và vì người khác, trong những thể chế công bình”.

Thật lòng cậu ước mong cho bản thân cũng như cho tất cả mọi người chúng ta, cái chân trời một “cuộc sống chung tốt lành” như thế có thể rất sớm và thật vững vàng được thực hiện!
Trong biết ơn và gắn bó,
Trong vui mừng và hi vọng,
Cho một tương lai chung công bình và nhân ái!

Cậu,

Lưu Hồng Khanh

Hoài Niệm Lễ An Táng Thầy

March 2, 2021
Mới tuần trước chúng con và các cháu đã quây quần nơi mộ của Thầy để đọc kinh giỗ.  Hôm nay ngày 2 tháng 3 lại đem con về cái ngày này của  hai năm trước.  Một ngày mưa gió tầm tã.  Chúng con khóc lóc và ông trời cũng rơi lệ luôn để tiễn đưa một người ông, một người Cha yêu quý của chúng con.  Đến bây giờ những khoảng khắc cay nghiệt đó vẫn còn rõ mồn một trong tâm trí con và chắc chắn cũng là của từng người con của Thầy đấy.
Thánh Lễ an táng đã được cử hành vào thứ bẩy ngày 2 tháng 3 năm 2019 lúc 9 giờ 30 sáng tại nhà thờ Blessed Sacrament ở thành phố Westminster.  Hôm đó có cha Nguyễn Đức Minh, cha Nguyễn văn Tuyên, anh Kỳ và một cha nữa cùng đồng tế.  Trước khi đưa Thầy vào thánh đường, chúng con được có những giây phút sau cùng để tâm sự với Thầy trước khi áo quan được đóng lại.   Con tế nhị chỉ đứng đằng sau để cho Loan, Phượng và Thanh lần lượt nói với Thầy những lời từ biệt cuối.  Những tiếng khóc nức nở từ sâu trong đáy lòng lại một lần nữa vang lên khiến cho những ai đứng gần đó không thể không rơi lệ khi phải chứng kiến cảnh chia ly quá đau lòng này.  Trong Thánh lễ có những gì xảy ra thì con cũng không để ý vì con gia đình con ngồi hàng đầu đối diện với di ảnh của Thầy do đó con chỉ nhìn Thầy và suy nghĩ miên man.  Sau thánh lễ, linh cửu của Thầy được đưa đến nghĩa trang Chúa Chiên Lành thuộc thành phố Hungtinton Beach.   Một tấm lều xanh đã được dựng lên với vài hàng ghế sắp sẵn cho khách ngồi.  Thấy Anh Kỳ bước xuống xe không có dù thì con vội vàng chạy ra che dù cho anh không kẻo ước áo lễ.  Mưa vẫn rơi không ngớt cho nên các nghi thức vẫn được tiếp tục cử hành.  Trời vừa mưa lại vừa gió.   Cháu Vi cố gắng thắp nến cho ông Nội mấy lần mà vẫn không được vì vậy con phải nói cháu thôi khỏi thắp nữa.   Bé Evelyn, đứa chắt thứ hai của Thầy, lúc đó mới được mấy tháng cũng được Ji và Emily đưa đến tiễn đưa ông cố.  Xong vì mưa quá cho nên Ji phải ở trong xe với con để Emily tham dự nghi thức hạ huyệt của ông Nội.   Có những lúc con cũng đứng trong mưa luôn để khỏi mất công mở hay gập dù lại.  Bảo Thu, một người bạn trong nhóm cầu nguyện của Phượng đã bất ngờ ôm chặt lấy con và nói chị cứ khóc đi.  Con thầm cảm ơn Bảo Thu đã xoa dịu nỗi buồn của gia đình mình bằng những cử chỉ đẹp này.  Hai chị em không nói câu nào chỉ đứng ôm nhau trong mưa vậy đó.  
Thanh vẫn nức nở những lời than vãn.  Nỗi đau mất Thầy có ai thấu hiểu không.  Khi mới hơn bốn tuổi thì mẹ đã lìa trần.  Chắc lúc đó em cũng ngơ ngác không hiểu chuyện gì đã xảy ra.  Được Thầy chăm lo từng ly từng tí một ngay cả những cái đáng lẽ chỉ có Mẹ mới làm cho con gái,  cho nên mất Thầy thì tâm trạng của Thanh như mất tất cả.   Con quả quyết như vậy.   Thầy nghĩ sao khi nghe Thanh trách yêu  “Ở nhà ấm áp sao Thầy không nằm mà lại ra đây nằm một mình lạnh lẽo như vậy?”  Câu nói đó đã làm cho cái lạnh của cơn mưa lúc đó như buốt giá hơn.  Thanh đã khóc ròng rã hơn một tiếng đồng hồ.  Đôi lúc Thanh nhoài người về hướng Thầy làm cho con hay anh Khang cũng suýt té.   Nỗi đau đã làm cho con người ta cũng trở nên mạnh hơn.  Sau khi mọi việc đã hoàn tất, mọi người âm thầm ra về.  Chiều hôm đó cộng đoàn Westminster mời cả nhà dự lễ lúc 6 giờ 45 để cầu nguyện cho hương hồn Thầy sớm được về hưởng nhan thánh Chúa.  
Khí hậu hôm nay không lạnh,cao nhất là 76 độ nhưng ngày mai theo dự báo thì có 90% cơ hội mưa.  Chắc cũng là cơn mưa dông giống như hai năm trước.
      Thầy về lòng đất có lạnh không?
      Con mong Thầy đã bên Mẹ ấm êm.

Chào Thầy,
Phương Dung 

Mừng Tết Tân Sửu

February 22, 2021
Mừng Tết Tân Sửu_12.02.2021
Mừng Tết và Năm Mới Tân Sửu các cháu và toàn thể gia quyến,
Những lời chúc mừng Tết và Năm Mới theo thường lệ vẫn là:
“Phúc – Lộc – Thọ” : “An vui – Thành đạt – Sống lâu, Sức khoẻ”
Năm nay cậu mượn lời tựa đề tập sách vừa mới xuất bản của Đức Giáo Hoàng Phanxicô để chúc mừng Năm Mới cho mọi người và từng người trong các cháu:
“Hãy dám ước mơ – Với tin tưởng vượt qua mọi cơn khủng hoảng”.
Ước mơ không phải mơ mộng.
Mọi chuyện to lớn trên đời và trong lịch sử đều bắt đầu bằng một ước mơ:
Martin Luther King với phong trào giải phóng người da đen ở Bắc Mỹ,
Nelson Mandela với công cuộc giải phóng Nam Phi Châu, ...   ...   ...
Các Tiên tri trong Kinh Thánh với công cuộc cứu chuộc của Thiên Chúa...
Và biết bao nhiêu cá nhân những người đau ốm, bệnh tật, bị bắt bớ, tù đày, đau thương, hành hạ... đã được cứu chữa và đã có thể tích cực góp phần giúp người giúp việc xây dựng xã hội...

Đức Giáo Hoàng dẫn giải thêm, để ước mơ được nên thành tựu, ta cần ba điều:
-thông công, tương giao, trao đổi với nhau;
-đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau;
-tự tin, xác tín, kiên trì, quyết tâm...

Nguyện Chúa ban cho từng người chúng ta có được những Ước mơ thiết thân và thiết thực,
cho bản thân, gia đình, hội thánh, xã hội,
kết hợp trong tương giao, tương trợ và kiên trì quyết tâm,
giúp ta vượt qua được mọi cơn thử thách và khủng hoảng trong đời,
để có được một cuộc sống an bình, hạnh phúc, đầy ý nghĩa!

Cậu,
Lưu Hồng Khanh

Vui Mua Giang Sinh 2020

December 22, 2020

Giáng Sinh 2020

Truyện Giáng Sinh cực ngắn

Chú sói đi Bêlem

Ngày xưa có chú sói nhỏ. Chú ở quanh vùng Bêlem. Đám người chăn chiên biết sói dữ tợn, nên mỗi tối họ đưa chiên về ràn, rồi an toàn đóng cửa chuồng chiên lại. Họ luôn thay phiên canh gác, bởi sói thường đói ăn, tinh ranh và ác độc. 

Rồi đêm Giáng sinh đến. Có tiếng hát kỳ diệu của các thiên sứ. Một con trẻ được sinh ra, một nam nhi. Sói ngạc nhiên thấy các mục đồng dắt nhau ra đi để xem mắt con trẻ. Sói nghĩ: „Chỉ vì đứa bé mới sinh mà phải vất vả lên đường như thế!“ Nhưng rồi chính sói cũng tò mò, và cũng vì đói, nên sói lẻn bước theo sau. Khi đến hang chiên lừa, sói bèn kín đáo ẩn mình trong bóng tối và chờ đợi.

Sau khi kính bái bé nhỏ Giêsu, đám mục đồng chào từ biệt thân mẫu Maria và thân phụ Giuse của bé, rồi ra về. Sói nghĩ giờ của mình đã đến. Nhưng cũng nhẩn nha chờ thêm, cho đến khi Maria và Giuse thiếp ngủ, bởi đường dài di tản họ đã đi qua cùng với những lo lắng cho giờ sinh hạ đã làm cho cả hai quá mệt mỏi.

„Như thế càng hay“, sói nghĩ vậy, „Ừ, ta sẽ bắt đầu với bé nhỏ“. Nhón bước rất nhẹ, sói lẻn vào hang. Không một ai để ý. Chỉ còn bé thơ Giêsu. Bé nhìn sói một cách rất trìu mến. Còn sói thì từng bước, từng bước, nhẹ nhàng, đến gần máng cỏ. Sói mở to miệng, lè lưỡi dài ra, trông thật kinh khủng.

 Bây giờ thì sói đứng sát kề máng cỏ. “Một miếng ngoạm dễ dàng!“, sói nghĩ thế, rồi liếm mép sung sướng. Sói lấy đà nhảy tới. Cùng lúc đó, bé Giêsu đưa tay sờ đến sói một cách cẩn trọng và đầy yêu thương. Lần thứ nhất trong đời, sói được có người âu yếm vuốt ve bộ lông xù xí tanh hôi của mình. Rồi với một giọng nói mà sói suốt đời chưa hề được nghe, bé Giêsu nói: „Sói ơi, ta thương bạn“.

Thế rồi một sự lạ xảy ra: trong hang chiên lừa u tối Bêlem, có tiếng da thú xé toạc của sói - và từ đó xuất hiện một con người. Một con người thật. Con người đó quỳ rạp mình xuống, kính cẩn hôn đôi bàn tay của bé Giêsu.

Thế rồi y ra khỏi hang – không một tiếng động, giống như trước đó y đã lẻn vào trong hình hài một con sói – và rồi y đi khắp nơi, kể lại cho mọi người nghe: „Bé nhi này thật linh thiêng! Chỉ với bàn tay yêu thương sờ chạm đến là có thể chữa lành mọi khốn khó của bạn!“

Lưu Hồng Khanh

(phỏng theo Huub Oosterhuis)



GIÁNG SINH VẮNG THẦY

December 22, 2020
Lại một Noel nữa 
Chúng con không có Thầy
Không Nội, Ngoại cũng không 

Năm nay khác mọi năm
Nhà nào ăn nhà nấy 
Vì đại dịch CÔ-VY.

Anh Hai mừng NgânKhánh 
Cô Bẩy có thua đâu 
25 năm Vĩnh Khấn
Thầy Mẹ có vui không?

Tuần nào anh em cũng 
Tụ họp ở trên Zoom 
Ngoài chuyện thăm hỏi nhau
Còn lo phần gia phả.

Vất vả nhất Anh Khuê 
Design và tu sửa 
Sao cho đúng không sai 
Sơ sơ có hơn ngàn
Sao họ hàng đông thế?

Vắng Thầy đã có Cậu
Từ bên trời Âu Châu
Vẫn thường xuyên thăm hỏi 
Các cháu có khỏe không.

Cậu cũng luôn nhắc nhở
Anh em phải hàn huyên 
Liên lạc nhau qua mạng 
Có gì lên site Mẹ.

Upload bài và ảnh 
Cho mọi người cùng xem
Cùng nhau ôn chuyện cũ
Lẫn cả chuyện hôm nay.

Út Thanh và Đại đó 
Đã ăn mừng mười lăm
Bên các con và Phượng 
Vui lắm Thầy biết không.

Chúng con không được dự
Chỉ vì Cô-Vy đó 
Để năm năm hẹn lại 
Mừng tròn trịa hai mươi.

Phương-Hiền mừng mười sáu 
Lẫn cả Thêm Sức luôn 
Nhưng cũng tại Cô-Vy
Nên không được tiệc tùng.

Cả nhà chỉ lên Zoom
Xem lễ và cầu nguyện 
Chỉ có thấy sau lưng
Mần răng ai mà biết.

Đếm trên đầu ngón tay
Chúng con chẳng bên nhau
Suốt hơn chín tháng rồi 
Chỉ đôi lần gặp gỡ
Thầy thấy có buồn không?

Các cháu vẫn học tốt 
Để không phụ lòng Ông
Hằng ngày khi cầu nguyện 
Luôn nhắc cả Ông Bà.

Nay Ông Bà sung mãn
Đã đoàn tụ trên cao
Xin lâu lâu nhìn xuống 
Xót thương đàn cháu con.

Chúc Ông Bà mạnh khỏe 
Bên Chúa Mẹ cao sang
Cho chúng con gửi gấm 
Lời chúc mừng Giáng Sinh.

Khang-Dung và hai cháu An Hiền 



Mầng Kim Loan ngày Vĩnh khấn_15.11.2003 - 2020

November 14, 2020


Mầng ngày vĩnh khấn Têrêxa Kim Loan
Nov’15, 2003 – 2020

Chúc mầng Kim Loan ngày vĩnh khấn
Trọn vẹn niềm tin trao dâng cho Chúa
Đấng tỏ hiện trong người nghèo hèn khổ đau
Bước chân theo Ngài đem lại khắp nơi đây đó
An bình, Tình yêu, Phúc hạnh!

Cậu gửi Kim Loan kèm đây một món quà nhỏ
Một cẩm nang “Quest for Happiness
Cho hành trình Mục vụ bệnh nhân
Mà cháu đang tận tình thực hiện.

Tập sách “Psychotherapy and the Quest for Happiness” của Emmy van Deurzen này rất đặc sắc: không chỉ dành riêng cho các bác sĩ Tâm lý trị liệu, mà còn cho tất cả những ai có ưu tư và trách nhiệm về giáo dục, tư vấn, giúp giùm hỗ trợ lẫn nhau trong đời sống gia đình, cộng đồng, xã hội, tức cho chúng ta tất cả! Duy có điều hiểu thấu nội dung và qua văn phong của nó thì có phần không dễ!

Cậu có ý tưởng chuyển ngữ nó sang tiếng Việt để quảng bá kho tàng tri thức mang tính minh triết này cho các thế hệ trẻ bên nhà. Dự án này như thế có thể “làm chung tay ba” gồm ba người biên dịch: Kim Loan & Xuân Khuê & Lưu Hồng Khanh. Kim Loan, người đã có nhiều năm hậu đại học chuyên ngành Mục vụ bệnh nhân; Xuân Khuê, người rất thông thạo cả hai ngôn ngữ Anh+Việt; Lưu Hồng Khanh, người đang làm một số dự án dịch thuật và biên soạn. Có thể có hai phương thức chuyển ngữ: hoặc mỗi người dịch một vài chương, hoặc XK cho ra một bản dịch sơ thảo, KL bổ sung, LHK hiệu đính. Cuối cùng chọn một Cty xb ở VN, cậu hiện có quan hệ tốt với ba Cty xb như thế. Được vậy thì ta có được một ngày lễ đầy ý nghĩa mầng ngày Kim Loan vĩnh khấn!

Tác phẩm tiếng Anh dạng pdf trên đây được gửi trong attach qua email.
Cậu,
Lưu Hồng Khanh
Frankfurt, CHLB Đức
Ngày 15.11.2020

Chú Giuse Lưu Vị (1921 – 09.11.2020)

November 12, 2020

Thương mến tưởng nhớ chú Giuse Lưu Vị
                                                   (1921 – 09.11.2020)
Cảm thương phân ưu với toàn thể gia đình
                                       Hùng & Mai & Tấn & Hồng & Yến

Chú Vị rất thân thương!
Có ai ngờ được Chú đã “ra đi” khi non trăm tuổi!
Thánh vịnh có câu kinh: “Thời gian của con là trong tay Ngài, lạy Chúa Trời con!” (TV 31:16)

Thời gian sinh sống của Chú thật không chút dễ dàng. Tuổi thanh thiếu niên ở chốn thôn quê Nghệ Tĩnh đâu đã có các trường Trung học, Bách nghệ, Đại học. Lại là trong thời Thế Chiến thứ Hai, tiếp theo là thời Di tản sau Hiệp định Geneva, rồi vất va vất vưởng trên những miền Đất mới trên các vùng Tây Nguyên: Fyan, Ban Mê Thuột, Kontum, Đàlạt...

Rất gần đây, khi các cháu chắt từ Mỹ quốc về thăm nhà đã may mắn tìm được đường đến thăm Chú ở Đàlạt. Lúc này Chú đã ngoài 90, nhưng trông vừa khỏe vừa mạnh. Chú đã hiên ngang giơ cao cánh tay và khẳng khái nói to: “Tau nay đã trên 90, mạnh khoẻ lắm, có chi mô!” Tính khí hiên ngang và khẳng khái, tháo vát và yêu đời, sống cho mình và sống cho người, đó là những nét sống đặc trưng của đời Chú, làm cho Chú vượt qua được rất nhiều thử thách trong đời sống và để lại được những người con ưu tú và đầy khả năng cho gia đình và xã hội.

Nay Chú được Chúa gọi về, sum họp với bà con nội ngoại trên Trời. Mọi giã từ đều thật rất đau thương. Nhưng con cháu và mọi người thân yêu cũng tìm được niềm an ủi, khi biết rằng Chú đã được an nghỉ trong vòng tay vô cùng yêu thương của Chúa, như chính Lời Ngài nói: “TA đã gọi chính tên con, con thuộc về TA” (Tiên tri Isaia 43:1).

Cháu, bên phương trời xa, mãi tận bên Đức quốc, lòng hướng đến Chú trong ngày tiễn đưa Chú về Nhà Cha trên Trời. Trong hoan ca tình Yêu Thương muôn vàn của Chúa, trong gắn bó với người thân thương trong gia tộc, cũng như trong ý nguyện noi gương Chú tiếp nối thực hiện tính hiên ngang và khẳng khái phục vụ con người và xã hội.
Cháu, Lưu Hồng Khanh

Anh cảm thương với tất cả các em và các cháu trong cơn đau buồn mất mát lớn lao này. Nhưng đồng thời cũng tin tưởng vào sự tiếp tục hiện diện và hộ trì của Thầy Mẹ và Ông Bà các em và các cháu. Anh nhờ cha Kỳ chuyển đến các em một bó hoa, một ngọn nến, một viên đá cho ngôi mộ nơi yên nghỉ của Thầy Mẹ các em, Ông Bà các cháu. Với tất cả lòng yêu thương và trìu mến của anh, của bác.
Anh, Lưu Hồng Khanh
Frankfurt, CHLB Đức.

*Ngày qua đời: 09.11.2020
*Ngày tang lễ: 12.11.2020
*Cập nhật: 12.11.2020



September 27, 2020
Personal Profile

Lưu Hồng Khanh

Vài Ghi nhớ & Tưởng niệm


Cuộc Sống – Đau thương – Niềm vui – Hy vọng

Những trạm đường – Những chuyển hóa – Bến bờ xa khơi


Lời nói đầu:

Mấy lời sau đây chỉ là một vài dấu vết về cuộc đời của bản thân người viết. Chân thành gửi đến mọi người thân yêu trong gia đình cũng như đến các bạn bè xa gần, như dấu chỉ của sự yêu thương và tình gắn bó. Dấu chỉ của sự biết ơn về những thời gian chung sống rất tốt đẹp với nhau, đồng thời cũng là biểu hiện của sự buồn phiền vì những khiếm khuyết - tuy vô tình - nhưng cũng có thể đã gây đau thương cho một số người.

Là công dân thế giới, chúng ta tất cả ngay từ đầu đời đã đón nhận được từ tổ tiên ông bà và xã hội, từ thiên nhiên và lịch sử, những kho tàng quý báu của đời sống, đồng thời cũng cùng với những tính tình và những chiều hướng có giới hạn. Nhưng điều may mắn là mỗi người cũng đều có được trong mình những khả năng thay đổi, những năng lượng chuyển hóa cuộc sống của chính bản thân cũng như của cả xã hội. Chính nhờ vậy mà xin chúc nguyện cho tất cả chúng ta cùng có được một Tương lai chung trong vui mừng, hạnh phúc và thành tựu, trong tự do và trách nhiệm, trong công bình và đầy lòng nhân ái.
 (* Ghi chú: Bảng thời gian trên những trang này được viết tháng trước, ngày sau) 
 

  A. Cha Mẹ:

Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Ca Dao Việt Nam
 
 Thân phụ: Lưu Thu: 1888 – 1965 12 14, Thọ Ninh, Hà Tĩnh, Việt Nam

Nạn nhân Cải Cách Ruộng Đất (1953 – 1956): bị đấu tố là địa chủ, bị tịch thu nhà cửa, của cải, ruộng vườn, bị đày đi lao động cải tạo trên rừng hoang, được thả về nhà chừng 2 tuần trước khi chết.
 Thân mẫu: Lê Thị Hai: 1891 – 1971 12 24, Thọ Ninh, Hà Tĩnh, Việt Nam
Nạn nhân Cải Cách Ruộng Đất (1953 – 1956): giống như số phận của thân phụ, nhưng thay vì bị đày đi lao động khổ sai cải tạo ở chốn rừng hoang, thì bị quản thúc, cô lập, sống một mình mỏi mòn giữa một bụ̣i chuối ở một góc vườn nhà cũ đã bị tịch thu. 
 Chị cả: Lưu Thị Chinh: 1927 – 2006 04 08

Chị thứ: Thứ nữ: Lưu Thị Nhung: 1930 05 20 – 1973 06 10

Bản thân: Lưu Hồng Khanh: 1932 07 11 –0000

Em út nữ: Lưu Thị Ký: 1935 – 1945

  
Ngài đã phải nên giống anh em mình trong mọi sự

để được đầy lòng nhân ái...

(Thư Do Thái 2:17)


B. Ngày sinh – Ấu thời – Nhà trường – Đại học – Dạy học – Mục vụ

Trong ngôi vườn thời gian
Xuất hiện những bụi gai
Trổ sinh những bông hồng

 Ngày sinh – Ấu thời – Nhà trường

1932 07 11:Sinh trưởng tại Thọ Ninh, Đức Thọ, Hà Tĩnh, Việt Nam
1939 – 1945: Trường Tiểu học tại Thọ Ninh

Trung học và Đại học

1946 – 1952: Trung học tại Huế
1953 – 1954: Tập viện Dòng Chúa Cứu Thế tại Đalạt
1954 – 1960: Triết học và Thần học tại Đalạt
1960 09 03:Thụ phong Linh mục tại Saigon

  Lời Kinh Thánh:
*Hiệp nhất tất cả trong Đấng Christ.
(Êphêxô 1:10)

Dạy học và Mục vụ

1960 – 1963: Giáo sư Trung học và Phó Giám đốc Đệ Tử Viện
Dòng Chúa Cứu Thế tại Vũng Tàu
1963 – 1967: Mục vụ Cộng đoàn và Đại phúc tại Huế, Nha Trang, Saigon

 C. Tu nghiệp tại Cộng Hòa Liên Bang Đức

  Ta chúc phúc cho ngươi
và ngươi sẽ trở nên một nguồn phúc lành.

(Sáng thế 12:2)

1967 10 21:Chuyến bay từ Saigon ghé Paris đến München
1967 – 1968: Các khóa học tiếng Đức tại Viện Goethe ở Bad Aibling
1968 – 1971: Học bổ sung các phân khoa Thần học, Triết học, Xã hội học

tại Đại học München
Đồng thời kiêm nhiệm trách vụ Tuyên úy Nhà Nội trú
Thanh niên Lao công Kolpinghaus München

1972 – 1974: Tiếp tục các Học kỳ Đại học và viết Luận án Tiến sĩ
tại Đại học Marburg

Đồng thời là Trợ Tuyên úy Cộng đoàn Sinh viên Công giáo Marburg

1974 – 1976: Sưu tầm và nghiên cứu tại Thư viện Quốc gia Paris cho Luận án

Tiến sĩ tại Đại học Marburg

1978 07 12:Nhận Văn bằng Tiến sĩ Phân khoa Triết của Đại học

Philipps-Universität Marburg

  
D. 1979 – 1997

Quê hương trên miền Đất lạ

Ngài dẫn bước con đi
đến những miền thênh thang xa rộng.
(Thánh vịnh 31:9)

1979 Đầu hè: Ba tháng đi Việt Nam tìm hiểu khả năng có thể vĩnh viễn trở về quê nhà sinh sống và làm việc. Khắp nơi cho biết khả năng này là không thể được. Đành chấp nhận miền Đất lạ như Quê hương mình

1979 09 12:Kết hôn Gisa & Khanh, Hamburg

  1980 – 1984:Thành phần Ban Lãnh đạo Viện Thần học Truyền giảng
trực thuộc Đại học Hamburg

Dự án “Tôn giáo và Phát triển tam giác Đức-PhiLuậtTân-SriLanka” –

Gặp gỡ, trao đổi, tham quan thực địa(1982 – 1983)

1981 11 23:Johanna Hoa chào đời, Hamburg

1983 08 31:Martin Thanh bước theo chân chị, Hamburg

198409:Gia đình dời nhà từ Hamburg đến Frankfurt


1984 – 1995:Tuyên úy Cộng đoàn sinh viên Tin Lành thuộc Đại học Frankfurt
1987 12 04:Thụ phong chức vụ Mục sư thuộc Hội thánh Tin Lành Đức,
Giáo phận Hessen & Nassau

  Tổ chức một số sự kiện lịch sử liên châu lục quan trọng:
(1).1985: Kỷ niệm 100 năm “Hội nghi Congo tại Berlin” phân chia thuộc địa Phi Châu (1885)
(2).1986-1987: Chào mừng Phi Châu (Karabuni Afrika)
Chào mừng Tâm linh, Văn hóa, Xã hội, Giáo dục, Phát triển
(3).1992: Kỷ niệm “500 năm ‘khám phá’ châu Mỹ Latinh” (1492-1992)
(4).1994: Kỷ niệm 100 năm cuộc “Nông dân nổi dậy” mang tính xã hội, văn hóa và tôn giáo tại Đại Hàn (Donghak, 1894)

  ** Phụ lục 1: Hộp tư liệu “Cộng đoàn sinh viên Tin Lành Frankfurt”, gồm chính sách, đường hướng, chương trình, báo cáo sinh hoạt qua các lục cá nguyệt trong những năm 1984 – 1995. 


Lời Kinh Thánh:

Thiên hạ sẽ từ Đông Tây Nam Bắc đến dự tiệc
trong Nước Thiên Chúa.
(Luca 13:29)
 1993 – 1997: Dự án Giáo dục Thần học cho các HTTLVN tại châu Âu
Đồng chủ biên Tạp chí Thần Học „Tin & Sống“, Paris
1993:1Kinh Thánh & Hội Thánh
1993:2Thần Học & Cuộc Sống
1994:3Thần Học & các Tôn Giáo
1994:4Thần Học & các Nan Đề Xã Hội
1995:5Thần Học & Môi Sinh
1995:6Thần Học & Tâm Linh
1996:7Thần Học & Thế kỷ 21
1996:8
1997:9 &10 Đức Tin & Văn-Hóa
E. 1997 – 0000

Hưu trí: Giảng dạy, Biên soạn, Dịch thuật, Xuất bản

Ta đã gọi chính tên con,
con thuộc về Ta.
(Isaia, 43:1)

  
1997 – 2005: Các Dự án thực hiện cho Hội Thánh và Xã Hội tại Việt Nam
(1)Dự án Phát triển: Trại Phong Phú chăn nuôi và trồng trọt
tại Thủ Đức hỗ trợ các Mục sư vùng Sàigòn và phụ cận

Trung tâm Gặp gỡ Trao đổi Văn hóa tại Sàigòn,
Đường Tú Xương
Nhà Giáo dục và Đào tạo Thần học tại Nha Trang
**Chú thích: Hai Dự án đầu được Hội Bánh Mì Thế Giới, Dự án thứ Ba
được Viện Truyền giảng Tin Lành Đức tài trợ.

  (2)Giảng dạy: Các Khóa học Thần học cho các Truyền đạo
và các Mục sư tại Việt Nam: Quy Nhơn, Nha Trang, Sàigòn...
Xuất bản, in ấn và phát hành các Tác phẩm Thần học
và các Tiểu phẩm linh đạo.

**Phụ lục 2: Bảng các Tác phẩm và các Tiểu luận đã xb, 1995 – 2015

  (3)-Sách xuất bản: do Nhà xuất bàn TRẺ, Sàigòn, 2005

Triết Học Nhập Môn – Một Dẫn Nhập Cơ Bản Và Thực Nghiệm.

Lão Tử – Đạo Đức Kinh. Bản Thể, Hiện Tượng, Siêu Việt Của Đạo.

Tâm Lý Học Chuyên Sâu – Ý Thức và những Tầng sâu Vô Thức.

Tương Giao Bất Bạo Động – Ngôn Ngữcủa Trung Thực và Tâm Cảm.

  
2005 – 0000: Biên soạn, Dịch thuật, Xuất bản

Dự án Triết Học Ấn Độ
Dự án Thông Diễn Học Triết Học
Dự án Nhân Học Triết Học

  2012 03 19:Dời nhà từ Frankfurt-Dornbusch đến Frankfurt-Riedberg
2012 – 1932 07 11: Lễ Thượng Thọ 80 tuổi

Kỷ Yếu Thượng Thọ LHK: Chia Sẽ Niềm tinHope Sharing

**Phụ lục 3: Hộp Tư liệu “Kỷ yếu Thượng thọ 80 tuổi LHK”, 1932 – 2012 

 2013 – 1̣973 06 10:Kỷ niệm 40 năm Ngày mất của chị Lưu Thị Nhung

Memorial Website: www.forevermissed.com/luuthinhung/¹about...

with photos, stories, tributes, candles to light…

  2015:Dự án Paul Ricoeur

Tản văn của sự Công bình &
Thi ca của lòng Nhân ái
 La prose de la Justice &
La poésie de l’agape

  
2017:Sách xuất bản & tái bản:

Do Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội và Cty Sách Phương Nam, Sàigòn

  **Sách xuất bản:

Mười Hai Học Thuyết Về Bản Tính Con Người

(Nguyên văn tiếng Anh: Twelve Theories of human nature, do các tác giả Leslie Stevenson, David L. Haberman, Peter Matthews Wright, do Nxb Oxford University Press, 2012, 2013; chuyển ngữ do Lưu Hồng Khanh).

   **Sách tái bản – có bổ sung:

Triết Học Nhập Môn – Một Dẫn Nhập Cơ Bản Và Thực Nghiệm.
Lão Tử – Đạo Đức Kinh. Bản Thể, Hiện Tượng, Siêu Việt Của Đạo.
Tâm Lý Học Chuyên Sâu – Ý Thức và những Tầng sâu Vô Thức.
Tương Giao Bất Bạo Động – Ngôn Ngữcủa Trung Thực và Tâm Cảm.

  2018:Dự án Dịch thuật và Xuất bản Tủ sách

Những Nhà Tư Tưởng Lớn trong 60 Phút

Nguyên văn tiếng Đức: Große Denker in 60 Minuten
Tác giả: Dr. Walther Ziegler,
Nhà Xuất bản tiếng Đức: Books on Demand, Norderstedt, xb từ năm 2017.
Chuyển ngữ sang tiếng Việt: Lưu Hồng Khanh và một số bạn đồng nghiệp.

  2020: Đợt Một gồm 10 danh nhân, do Công ty Sách Văn Lang tại Saigon xuất bản:
Tên các danh nhân theo thứ tự abc: Hannah Arendt, Freud, Habermas, Hegel, Heidegger, Kant, Nietzsche, Rousseau, Sartre, Adam Smith.

 2022: Đợt Hai dự tính gồm 10 danh nhân, viết theo thứ tự abc:
Adorno, Camus, Foucault, Hobbes, Marx, Platon, Popper, Rawls, Schopenhauer, Wittgenstein.

  
F. 1979 – 2020

Cuộc sống chuyển động & chuyển hóa … cùng nhau

 Và hồn tôi dương rộng
đôi cánh bay xa
bay qua những miền đất lạ
như bay về chốn quê nhà
(Joseph von Eichendorff)
(chuyển ngữ: lhk)

Gia đình nhỏ
Gồm có Khanh & Gisa
cùng hai con là Johanna Hoa và Martin Thanh
 
Ngoài cuộc sống hằng ngày với nhà trẻ, trường lớp, đại học, thực hành nghề nghiệp, gia đình trong những thời gian nghỉ ngơi thường sinh sống thư giãn với thiên nhiên, sinh hoạt trong các đoàn thể, thăm viếng các bảo tàng viện, tham quan các thắng cảnh, các di tích lịch sử...

 Trong tuần: Các môn thể thao, thể dục, vườn hoa, vườn bách thảo, sở thú...
Những cuối tuần và các mùa lễ: các vùng núi lân cận, các vùng di tích lịch sử...
Những mùa hè: Les „Loups“ (Luu) en Vacances:
Bretagne, Alpes, Pyrénées, Trentino, Toscana [ghé thăm Assisi, sinh quán thánh
Franz Assisi], Piémont [ghé thăm Cộng đoàn Agape], Bodensee, Südtirol…
Mùa hè 2019: Brixen-Südtirol: với toàn đại gia đình Johanna & Martin 

  Những năm “Tròn sinh nhật” - phập phồng gọng kìm đại dịch Corona:

 2020: André17.02.1980 – 202040. Geburtstag
 2021:Gisa09.04.1951 – 202170. Geburtstag
Vinnie10.05.2016 – 20215. Geburtstag
Johanna 23.11.1981 – 202140. Geburtstag
 2022:LHK11.07.1932 – 2022 90. Geburtstag
2023:Valya18.03.1018 – 2023 5. Geburtstag
Kolya18.05.2013 – 2023 10. Geburtstag
Martin31.08.1983 – 2023 40. Geburtstag
Elena08.10.1983 – 2023 40. Geburtstag

  G. 2020 – 0000: Môi sinh – Xã hội – Con người –Tư duy mới 

   Cuộc sống trong “Tản văn của sự Công bình”

2020 01: Bệnh dịch Corona bùng phát từ Trung Quốc, lan tràn khắp thế giới, chỉ trong vòng mấy tháng lây lan đên hàng chục triệu người, gây tử vong đến hàng trăm nghìn người. Đến tháng 8 cùng năm, cả thế giới vẫn chưa tìm ra thuốc chữa. Khắp nơi trên mọi đất nước xứ miền ai nấy đều phải tuân giữ các quy luật giãn cách, đeo khẩu trang, không nhóm họp đông người, không sở làm, không trường học, không quán ăn, không xinê điện ảnh, không sân vận động thể thao bóng đá, không du lịch, không biểu diễn xướng hát đàn ca, không cả hội họp lễ nhạc tôn giáo, cưới hỏi giới hạn, tang ma hạn chế...

 Một số người không nhỏ đã bất mãn phản ứng vì bị bó buộc và mất tự do. Một số người khác xem đây là một cơ may để suy nghĩ và sinh nghiệm điều gì là thực sự thiết yếu trong đời sống. Ít xe cộ sử dụng đã làm cho con người vận động đi lại nhiều hơn, do đó khoẻ mạnh hơn, tỉnh thức với thiên nhiên, khí quản bớt đi chất độc thán khí từng hủy hoại môi sinh.
 Tiếp theo đó là suy nghĩ về những lợi ích cũng như những nguy hại của các hiện tượng số hóa và toàn cầu hóa đang ngự trị trong thế giới hiện đại. Cũng không kém phần bức bách là suy nghĩ lại về những khái niệm tăng trưởng và tiến bộ kế thừa từ các hệ tư tưởng thế kỷ 18 + 19. Không một ai có thể phủ nhận những đóng góp vô cùng lớn lao và cần thiết của khoa học và kỹ thuật. Nhưng cũng không một ai có thể không nhìn thấy những tai họa vô cùng khủng khiếp một khi khoa học và kỹ thuật, tăng trưởng và tiến bộ được sử dụng mà không có chiếc la bàn chỉ hướng của lương tâm, của các giá trị đạo đức, của đức công bình, sự đồng cảm, tình yêu thương. Bên cạnh vấn đề khí hậu rất bức bách, còn là các vấn đề dân số, di tản, nghèo đói, kỳ thịvà các vấn đề khủng khiếp khác như áp bức, giam cầm, tra tấn, cướp đất, cướp của,cướp người, cướp quyền sống trong tự do và trách nhiệm...

  Chính vì những sai lầm, tàn ác và tồi tệ khủng khiếp trên đây, phần lớn phát xuất từ những khái niệm phiến diện và lệ thuộc vào những hoàn cảnh lịch sử nhất định, mà con người chúng ta ngày nay cần phải suy nghĩ lại, nhất thiết cần phải tác sinh một tư duy mới. Tư duy mới này không nhất thiết phải loại bỏ suy tư tôn giáo, nhưng trên hết nhất thiết phải kết hợp tư duy khoa học với một tư duy khai sáng toàn bộ (holistic) và một nền đạo đức toàn bích (integral) trong một tiến trình phát triển hoà hợp và vị nhân giữa con người, thiên nhiên và xã hội. 

  Diễn tả một cách đúc kết và cụ thể, tư duy mới này cần giải quyết ba cụm vấn đề quan trọng và khẩn cấp trước mặt ngày hôm nay: vấn đề khí hậu và môi sinh, vấn đề công bình và phát triển, vấn đề tự do, dân chủ và trách nhiệm.

  
Cuộc sống trong “Thi ca của lòng Nhân ái”

Trên cơ sở sự Công bình và tính Pháp luật, con người ngày nay với tư duy mới càng năng nổ hướng về những chân trời sinh sống rộng mở. Trong đó thể hiện được những phương châm “Buông dao thành Phật” (Kinh Trung Bộ, Kinh Angulimala), không còn “mắt đền mắt, răng đền răng”, “nhưng ai muốn lấy áo trong, thì hãy cho họ cả áo ngoài, ai đòi anh em đi một dặm, thì hãy đi cùng họ hai dặm...” (Bài Giảng trên Núi)...

Triết gia người Pháp Paul Ricoeur (1913-2005) trong suy tư về một tương lai nhân loại vị nhân, cũng đã từng nói đến một xã hội trong đó thể hiện được “Tản văn của sự công bình và Thi ca của lòng Nhân ái” (Bài thuyết trình năm 1989 nhận giải Hòa bình giữa những con người và giữa các dân tộc, giải thưởng Leopold Lucas).

 Lòng Nhân ái, trong thực tiễn, cần được bắt đầu trên một cương vị vi mô, trên chính bản thân từng người, từng nhóm người và giữa các nhóm người. “Chính Bạn hãy là sự thay đổi mà Bạn muốn thấy” (Mahatma Gandhi). Lòng Nhân ái được Ricoeur diễn tả qua từ agape, lòng yêu thương vị nhân, biếu tặng “không những thế, mà còn hơn biết mấy” (en surabondance).Các người thầy tâm lý học triển khai cụ thể thêm lòng Nhân ái bằng những đức hạnh, những giá trị, những kỹ năng tâm lý của sự hiểu nhau, sự đồng cảm, sự tương giao không những về nội dung khách quan, nhưng cũng không kém phần quan trọng là phải được thấm đậm sâu xa tình nghĩa và thân ái (Carl Rogers, Tâm lý học nhân bản, Friedemann Schulz von Thun, Tâm lý học tương giao).

  
Nhìn về tương lai

 ... Tôi nghĩ rằng: Những chân trời mơ ước và tưởng nghĩ về một xã hội tương lai bao hàm công bình và nhân ái, dân chủ và tự do, khoa học và đạo đức, sáng kiến và trách nhiệm, phổ cập và cá biệt, suy tư và giao tiếp, vị nhân và trọng thị môi sinh đều là những khả năng mang tính hiện thực và khả thi, không thể đánh đổ bởi các chuyên viên kỹ trị chủ trương một thế giới máy móc, độc đoán và độc trị.

 Chúng ta sở hữu một nền Thi ca chính sự biểu hiện một Sơ đồ tương lai ngay trong hiện tại. Vâng, ta cũng còn cần phải muốn và phải biết tại sao, thế nào và ở đâu ta có thể bắt tay ngay vào việc thể hiện Sơ đồ tương lai đó.
 Và sau đây là 5 Lời ghi nhớ cho mong ước Hiện thực mới này:
  1. Mọi vật đã có sẵn, nhưng chúng đã bị sắp xếp sai lầm.
  2. Khả năng thay đổi tình trạng nhỏ nhất là điều mỗi người đều có thể làm.
  3. Thế giới duy nhân hệ tại việc tương giao vị nhân.
  4. Quê hương là nơi mà cái tôi không thể bất chấp có không cũng được.
  5. Trưa ngày mai là cái Mới bắt đầu.

     
    (Lưu Hồng Khanh tiếp ý tác giả Harald Welzer,

    Nhà xã hội học và Tâm lý học xã hội, CHLB Đức)

     
    Chân trời Kinh Thánh

    Bấy giờ tôi thấy một trời mới
    và một đất mới. Trời cũ đã qua đi
    và biển cũng không còn nữa. ...
    Ngài sẽ lau sạch nước mắt họ.
    Sẽ không còn sự chết, cũng chẳng còn
    tang tóc, khóc than và đau khổ nữa. ...
    Này đây, Ta làm mới lại tất cả !

                 (Khải huyền, 21)            

    Sa mạc nở hoa
    Đồng hoang xanh lá
    Thế giới, nhân loại ca mừng múa nhảy...

    (Dân Ca Thời Đại)

                Lời nguyện cầu

     
    Tất cả những mảnh vụn đời con
    Con đưa lên thưa trình Chúa, lạy Chúa Trời con.
    Ngài nói lên tiếng Ngài trong đời con u tối,
    Làm cho đêm đen tan biến và ánh sáng Ngài chiếu rạng.
    Con xin cảm tạ Chúa đã chấp nhận những mảnh vụn đời con
    Và biến chúng thành một tác phẩm toàn bích
    của Tình Chúa yêu thương!

    (Phỏng theo Hanna Hümmer) 

     
    *****

     Phụ Lục:

    1.Hộp Tư liệu “Cộng đoàn sinh viên Tin Lành Frankfurt, 1983 – 1995”
    2.Bảng các tác phẩm và các bài viết đã xuất bản, 1995 – 2015
    3.Hộp Tư liệu “Kỷ yếu thượng thọ 80 tuổi Lưu Hồng Khanh”, 1932 – 2012
     **Lưu ý: Phụ lục 2 được kê khai ở đây,
    còn Phụ lục 1 và 3 được bảo quản trong các hộp tư liệu tách rời.



September 27, 2020
Tưởng nhớ người Dì thân yêu của tôi

DÌ TÔI

(1927 – 2006)

Khi hoa phượng bắt đầu nở rộ đỏ khắp sân trường báo hiệu mùa hè đã tới, thì cái nóng cũng bắt đầu nơi thành phố biển Nha Trang hiền hòa xinh đẹp, xứng danh là hòn ngọc Việt Nam (Vinpearl). Thỉnh thoảng một cơn gió nhẹ từ biển thổi vào đất liền làm bớt đi phần nào cái nóng nực khó chịu của mùa hè. Đang ngồi mơ màng bên cửa sổ như được làn gió mát mơn trớn vuốt ve thì thầm, thì nghe có tiếng gọi đi nhà khách. Từ ngày giải phóng, đúng hơn là từ ngày vào Nhà Tập ở tu viện Nha trang, có bao giờ thấy ai đến thăm mình đâu. Điều đó cũng dễ hiểu vì thời đó phương tiện đi lại rất khó khăn, đi đâu phải có giấy tạm vắng tạm trú, hơn nữa ai cũng phải lo cho đời sống kinh tế vì mọi sự phải bắt đầu lại từ đầu…

Nghĩ thế, nhưng lòng tôi lại rất mừng vì có ai đó đến thăm mình. Ra tới nhà khách, tôi thấy một người đàn bà dáng nhỏ nhắn thon thả, mặt trái xoan, đôi mắt sáng, chít một chiếc khăn mỏ quạ trông giống như một người miền Bắc hay một liền chị quan họ Bắc Ninh, tay đang bê một nón đầy xoài. Vừa gặp tôi bà đã nhanh nhẹn lên tiếng trước : “Con có phải là Kỳ không ? Dì đây, dì là chị của mẹ con đây, dì Khánh đây !”. Tôi chỉ đáp được một tiếng “Dì”, rồi ôm chầm lấy Dì, hai hàng nước mắt lăn dài trên má. Và những hình ảnh về một người Dì mà mẹ tôi đã từng kể cho tôi lại tràn về trong ký ức tôi… Đó là một ngày tháng 6 năm 1976

Dì tôi tên thật là Lưu Thị Chinh, là chị cả trong một gia đình có 3 chị em, 2 gái 1 trai (Chinh – Nhung – Khanh). Đúng ra là 4 chị em, nhưng cô gái út (Ký) qua đời lúc mới 10 tuổi. Sinh ra trong gia đình “phú nông”[1], nên hồi còn nhỏ dì tôi sống vui tươi trong vòng tay yêu thương êm ấm của cha mẹ và người thân. Nghe nói Dì đã được cho vào Huế từ nhỏ học trường Saint Vincent de Paul (Dòng Xanh Pôn) (Dòng Thánh Vinh Sơn Phao-lô), nơi bà Dì Veronica (Bà Vê) đi tu. Bà Vê là em gái của bà ngoại Lê thị Hai. Sau đó về lại Thọ Ninh khoảng năm 1942-1943. Rồi lại ra Hà Nội học khoảng một năm lấy bằng Primaire (Tiểu học Pháp) rồi về quê luôn.

Vì là gia đình giàu có lại có nhan sắc – nghe nói Dì là hoa khôi của làng Thọ Ninh, nên nhiều người muốn được kết bạn. Năm 18 tuổi Dì tôi đã lập gia đình, lấy người Kẻ Tùng (1945). Đó là Dượng Khánh, vì thế mẹ tôi hay gọi Dì là Dì Khánh. Theo cách gọi của người Trung, khi người con gái lập gia đình thì người ta gọi người vợ bằng tên chồng.

Dì vừa xuất giá được một năm, thì người em trai là cậu Khanh cũng đi theo ơn gọi, gia nhập Đệ tử viện Dòng Chúa Cứu Thế ở Huế năm 1946. Trong nhà chỉ còn lại mẹ tôi với ông bà ngoại. Là nạn nhân Cải Cách Ruộng Đất (1953-1956), gia đình ông ngoại bị đấu tố là “địa chủ phản động”[2], bị tịch thu nhà cửa, của cải, ruộng vườn. Ông ngoại bị đày đi lao động cải tạo trên rừng hoang, và được thả về nhà chừng 2 tuần trước khi chết (14-12-1965). Còn bà ngoại thì số phận cũng giống như ông ngoại, nhưng thay vì bị đày đi lao động khổ sai cải tạo ở chốn rừng hoang, thì bị quản thúc, cô lập, sống một mình mòn mỏi giữa một bụi chuối ở một góc vườn nhà cũ đã bị tịch thu. Còn mẹ tôi thì lập gia đình năm 1949 và theo gia đình chồng vào Nam năm 1954 theo hiệp định Genève. Vậy là chị em xa cách nhau mấy chục năm trời!!!

Năm 1979 là lần đầu tiên Cậu về lại quê nhà để thắp cho ông bà nén hương tưởng nhớ, và gặp lại người chị ruột thân yêu bao năm cách xa thương nhớ. Sau này hai chị em còn gặp lại nhau vài lần cả ngoài Bắc 1979;1988 ; lẫn trong Nam 1999…

Người ta thường nói con gái lập gia đình thì coi như an phận. Nhưng hạnh phúc đến với Dì tôi thật là ngắn ngủi. Sinh được 5 người con mà người đời gọi là “ngũ phúc”. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao cho gia đình Dì Dượng, nhưng tai họa lại cũng bắt đầu từ đây : Năm 1955, phong trào Cải Cách Ruộng Đất đấu tố kết tội gia đình Dì Dượng là địa chủ. Mặc dù dượng tôi không bị bắt đi cải tạo, nhưng vì bị nhiều áp lực thể lý cũng như tinh thần, và vì cuộc sống quá khổ cực vì phải lên rừng chặt củi, lại thêm bệnh sốt rét nên sau một hai năm dượng tôi đã qua đời vì kiệt sức (1957). Dượng ra đi để lại một bầy 5 đứa con thơ. Mới 30 tuổi, một mình Dì vất vả lo cho từng đứa con cái ăn cái mặc. Thật cực khổ! Nỗi đau mất chồng chưa nguôi thì tai họa lại tiếp tục đổ xuống (họa vô đơn chí!). Bị người ta đuổi ra khỏi nhà, cả sáu mẹ con phải tạm trú trong một túp lều. Để có thể sống còn, người con lớn (anh Thọ) đã phải đi ở đợ làm ô sin cho người ta. Còn Dì tôi thì phải ra sông bắt cua bắt hến về bán lấy tiền nuôi đám con nhỏ, cũng may là nhà ở gần sông La nên cũng sống tạm qua ngày đoạn tháng.

Chưa hết, người con thứ 4 là anh Công cũng chết cách bất đắc kỳ tử. Dì kể là cũng như mọi ngày, sáng sớm gánh đồ đi chợ thì các con đang còn ngủ, nên đồ ăn sáng để sẵn cho mỗi đứa là 2 củ khoai lang. Đến trưa đi chợ về thấy đứa con trai thứ 4 vẫn còn ngủ. Thấy hơi lạ, Dì vào đánh thức thì thấy con đã chết từ lúc nào!

Mẹ góa con côi. Một mình nuôi con khôn lớn. Có lần cháu Khang hỏi bà tại sao bà không đi bước nữa, vì bà còn trẻ và con cái lại đông. Dì tôi trả lời là Dì không còn thì giờ để nghĩ đến chuyện lập gia đình nữa, thế thôi ! cứ một mực nuôi con đến tuổi trưởng thành, rồi lần lượt lo cho từng đứa có gia đình. Nhưng… đứa con thứ ba (anh Thành) vừa mới cưới vợ được một tháng thì phải đi quân dịch (bộ đội), và rồi hy sinh trên chiến trường ở Tây Ninh năm 1978.

Bình thường cha mẹ lo cho con cái xong bề gia thất là cha mẹ yên tâm, nghỉ dưỡng an vui tuổi già. Nhưng với Dì tôi thì không được như vậy. Dì vẫn lần theo từng bước chân của con cái ngay khi chúng đã khôn lớn tự lập. Dì chỉ có một cô con gái là chị Đức nên thường tình Dì cũng dành nhiều tình thương cho đứa con gái lấy chồng xa nhà. Dù chị Đức đã lập gia đình nhưng Dì vẫn lo lắng cho chị như khi còn ở trong nhà. Chị lấy chồng làm nghề đi buôn bằng thuyền, sống lênh đênh trên sông nước. Ái ngại cho cuộc sống tương lai không bờ không bến, Dì khuyên hai vợ chồng vào Nam lập nghiệp. Và gia đình chị Đức là gia đình đầu tiên vào Nam (1987) ở Châu Sơn, Buôn ma thuột.

Đã thương thì thương cho trót ! Năm 1988 Dì vào thăm con, thấy trong này tránh được lũ lụt, giá lạnh, dễ làm ăn nên dần dần lo cho các con vào. Gia đình anh Trường vào năm 1990, và gia đình anh Thọ năm 1995.

Cũng vì yêu thương lo lắng cho tương lai con cái, không màng đến bản thân, nên sức lực hao mòn, già yếu và bệnh tật lúc nào không biết.

Từ lúc vào Nam, thời gian đầu cũng thật vất vả vì mọi sự phải bắt đầu với hai bàn tay trắng, nhưng lúc cuộc sống dần dần đi vào ổn định, thì chứng bệnh hen suyễn của Dì tôi lại bắt đầu tái phát. Người ta nói người bệnh hen cần tiếp xúc với ánh nắng nhiều chừng nào tốt chừng nấy, nhưng vùng tây nguyên Buôn ma thuột thì mùa nắng ngắn hơn mùa mưa. Nên có lẽ vì thế no thầy đủ thuốc mà bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Một năm 12 tháng thì hết 10 tháng nằm viện. Một tháng 30 ngày thì đã nằm viện 28 ngày. Người bị bệnh suyễn khi lên cơn thì rất đau đớn, vì căn bệnh làm cho người ta không thở được, phải có người đỡ ngồi lên, đấm lưng xoa ngực. Mặc dù vậy, ít khi người ta thấy Dì than thở về bệnh tình mà cắn răng chịu đựng, sợ làm phiền con cái cháu chắt.

Điều đó lại càng được thấy rõ qua cái chết của Dì. Cháu Khang viết về ngày cuối đời của Dì như sau: “Đêm hôm đó con ở bệnh viện với bà. Bà vẫn bình thường như mọi hôm. Sáng con đi mua thức ăn sáng cho bà, xong thì vợ con ra thay cho con về thăm rẫy. Mới vào tới nơi thì được tin điện thoại là về gấp bà hôn mê. Về tới nơi, nghe vợ kể là bác sĩ chích thuốc cho bà xong, bà đi tắm. Tắm xong là thấy nghẹt thở và hôn mê luôn. Sau đó cấp cứu nhưng không được nữa và bà đã ra đi mãi mãi” (8-4-2006).

Dì tôi đã ra đi trong bình an và có thể nói là cả trong cô đơn. Một đời lo toan tận tụy với con cái, nhưng đến lúc chết thì chỉ có một đứa cháu bên cạnh, không làm phiền ai, không một lời trăn trối, không một lời từ biệt !

Trước khi ra đi Dì tôi đã làm một việc mà nhiều người trong giáo xứ xem là tấm gương để noi theo, đó là lập di chúc. Qua đó ta có thể nhận ra được tình yêu thương và sự công bằng của một người mẹ đối với con cái. Anh Tông (chị Đức) trong thư gửi cho cậu Khanh đề ngày 10-07-2006 có kể lại việc này như sau : “Con xin kể cơ bản sự sắp xếp của mẹ có đủ các con, các cháu để Cậu hay : Qua cuộc họp đại gia đình có đầy đủ các con, các cháu, có mẹ làm chủ trì do mẹ yêu cầu, để thảo bàn cho mẹ : có vợ chồng nào ở với mẹ, để chăm sóc, phụng dưỡng mẹ trong tuổi già lại thường xuyên đau yếu. Cuộc họp kết thúc mỹ mãn đi đến thống nhất : cử vợ chồng con trai đầu nhà con là Trần Duy Truyền tới ở cùng bà để giúp đỡ, phụng dưỡng bà và vợ chồng đã sẵn lòng vì chữ hiếu, nhận lời mời gọi của bà cùng toàn thể con cháu, tới ở giúp đỡ bà từ năm 2004 tới lọn đời bà. Cũng trong cuộc họp ấy, mẹ viết bản di chúc để lại, mọi người đều đồng thuận ký tên. Theo bản di chúc mẹ nói rõ : Sau khi mẹ qua đời, các con chia vườn có mặt tiền ba phần bằng nhau, phía bên phải mẹ cho anh Trường, phía bên trái mẹ cho anh Thọ, còn phần giữa có nhà mẹ cho vợ chồng Truyền, con trai đầu chúng con”.

Việc lập di chúc đối với người phương Tây là chuyện bình thường, nhưng đối với người Việt mình thì quả thật là một điều mới mẻ. Có lẽ vì người ta nghĩ rằng người Việt đa số là nghèo nên có gì mà phải làm di chúc. Nhưng chung quy Dì tôi chỉ muốn rằng sau khi mình không còn ở trần gian để gần gũi chỉ bảo thì con cái biết sống đoàn kết hòa thuận thương yêu nhau.

Tình thương của Dì không chỉ dành riêng cho con cái, mà còn cả trong mối liên hệ gia tộc, đặc biệt là đối với những người thân. Cũng trong thư anh Tông viết cho Cậu: “Mẹ chúng con nay không còn nữa, song những lời chỉ bảo yêu thương của mẹ răn bảo con cháu, đặc biệt tình lưu luyến Cậu còn luôn trong tâm hồn chúng con. Lúc mẹ còn sinh thời, mẹ luôn tâm trí hướng về Cậu, luôn cầu nguyện cho Cậu được mọi sự an lành trong Chúa. Qua những lời dạy bảo của mẹ, con càng cảm thấy lòng thương mến Cậu mự cùng hai em nhiều!”.

Riêng đối với mẹ tôi, tôi nghĩ tình chị em giữa mẹ tôi với Dì tôi cũng rất khắng khít. Nhiều hôm, nhất là những ngày Tết, mẹ tôi ngồi buồn một mình, đôi mắt ngấn lệ đăm đăm nhìn về cõi xa xăm. Tôi hỏi tại sao mẹ buồn. Mẹ nói mẹ nhớ ông bà ngoại và Dì. Mẹ nói ông ngoại thì ở tù, bà ngoại thì bị đuổi ra ngoài bụi chuối mà ở. Dì thì ở xa lại còn phải lo cho gia đình vì chồng chết sớm. Lần vào Nam đầu tiên năm 1976, Dì có lên Đà-lạt. Em Kim Thanh kể lại là Dì vừa bước vào nhà, liền tới trước bàn thờ vừa ôm lấy di ảnh của mẹ tôi mà khóc nức nở : “Em ơi, sao em nở bỏ chị mà đi. Sao em không chờ cho chị em mình gặp mặt lần cuối…”.

Dì thương cậu tôi lắm. Mỗi khi tôi được gặp Dì, bao giờ Dì cũng nói “Cha cầu nguyện cho Cậu với”. Và ngược lại Cậu tôi cũng rất thương mến Dì. Cậu thú nhận là mình biết rất ít về Dì, bởi Dì vào Huế học lúc còn nhỏ, đến khi trở về Thọ Ninh thì cũng là lúc Cậu vào Huế bắt đầu đi tu. Vậy mà đọc lá thư Cậu gửi cho các anh chị con Dì nhân dịp giỗ của Dì, tôi thấy hình như Cậu đọc được cả những tâm tình và những ước nguyện của Dì trước lúc qua đời, cũng như những lời nhắn nhủ của Cậu dành cho các con của Dì. Xin trích nguyên văn lá thư của Cậu :

Frankfurt, 20-02-2008

Cậu thương mến chào thăm các cháu Thọ, Trường, Đức và toàn thể gia đình các cháu,

Vào dịp Giáng Sinh vừa rồi, Cậu có nhận được thư chúc mừng Giáng Sinh và Năm Mới của Thọ, cũng như những lời thăm hỏi sức khoẻ và công việc của Cậu. Cậu cảm ơn Thọ, cũng như cảm ơn những tâm tình gắn bó của gia đình các cháu Trường và Đức. Cậu có điện thư gửi các cháu và nhờ cha Kỳ in ra rồi chuyển gửi đến các cháu.

Trong thư vừa rồi, Thọ cũng có cho Cậu biết các cháu dự tính tổ chức giổ mãn tang vào ngày 08-04 năm nay cho mẹ các cháu và mong Cậu về tham dự. Cậu thật tình rất mong muốn có mặt vào ngày lễ này, nhưng cũng phải buộc lòng không đi được. Một phần vì lý do sức khoẻ, tuy không đau ốm, nhưng cũng không còn khỏe mạnh đủ với một chuyến đi xa xôi lâu dài như thế; đàng khác, vào thời gian này công việc bên này vẫn còn bề bộn không ngưng nghỉ được. Cậu sẽ hiệp thông cách đặc biệt với các cháu trong kinh nguyện, trong tưởng nhớ về những kỷ niệm ưu ái trong gia đình, cũng như trong những ước mong và hy vọng cho tương lai của các cháu cùng với mọi người trong gia đình các cháu.

Cậu đề nghị các cháu hội ý với Cậu Toàn và cha Kỳ, rồi chúng ta cùng mời hai Cậu Cháu cùng với cha chính xứ chủ lễ mãn tang này trong giáo xứ. Cậu cũng sẽ viết một đôi lời trực tiếp đến Cậu Toàn và cha Kỳ để trình bày ý kiến và lời mời này.

Cậu còn nhớ trong thư gửi các cháu vào dịp tang lễ của Mẹ các cháu, Cậu có gợi ý các cháu nhớ lại lời Mẹ trăn trối hoặc muốn trăn trối cho các cháu. Theo Cậu biết, đó là ý Mẹ các cháu muốn nhắn nhủ các cháu biết yêu thương đùm bọc lấy nhau và thực hành tình nghĩa yêu thương với mọi người. Bởi trong cuộc sống, cuối cùng chỉ có tình nghĩa mới là giá trị bền lâu và đích thực của con người chúng ta. Và đó cũng là cách tỏ lòng biết ơn chân thành và tốt đẹp nhất của các cháu đối với Mẹ, với Cha, vớî Ông Bà nội ngoại. Hai câu lục bát sau đây giúp các cháu dễ nhớ để luôn thực hành lời trăn trối của Mẹ các cháu:

Công cha nghĩa mẹ ngàn sâu

Gi li trăn tri bn lâu tình ngưi.

Cậu hy vọng cuộc sống của gia đình các cháu được nhiều may mắn tốt đẹp. Có dịp thì các cháu cho Cậu biết: mùa màng thu hoạch hiện nay như thế nào, cà-phê có được giá không, hạt tiêu có còn canh tác nữa không, có thêm cà trồng trọt rau cỏ không, đất đai của Thọ trồng được những gì?... Cậu cũng hy vọng con cái của các cháu có cơ hội học hành đậu đạt và rồi có công việc làm ăn tương ứng…

Cậu có thêm một ý kiến và đồng thời đề nghị như sau: Cậu rất tiếc đã không có dịp hỏi Mẹ các cháu trong chi tiết về cuộc sống trước đây của Thầy Mẹ và Ông Bà nội ngoại của các cháu. Vậy nay các cháu có thể ghi lại những kỷ niệm của cuộc sống xưa nay với Thầy Mẹ và Ông Bà các cháu. Ghi lại một cách thật đơn sơ, không cần làm văn, không cần dài dòng, chỉ dăm ba hàng, nửa trang hay một trang giấy là đủ. Cứ ghi lại như ý nghĩ hiện ra trong đầu, nếu cần thì sau này sẽ bổ sung thêm ý nghĩ và hoàn chỉnh thêm câu văn. Trong nhà con cái chắc cũng đã xử dụng còm-piu-tơ, cứ viết rồi giữ lại trong máy, sau này có dịp thì gửi cho Cậu biết.

Cuối cùng, Cậu cầu chúc cho các cháu cùng với toàn thể gia đình được nhiều ƠN LÀNHChúa ban: Ơn sức khoẻ, bình an, công việc làm ăn được phát đạt, việc học hành của con cái được thành công, và trên hết là lòng Tin Yêu Phó Thác trong tay Chúa và Tinh Nghĩa Yêu Thương đối với nhau và đối với mọi người, gần cũng như xa, xa cũng như gần! Và dĩ nhiên, điều cầu chúc gần nhất là có được một ngày lễ mãn tang trong đầm ấm, yêu thương và thánh thiện.

Cậu, Lưu Hồng Khanh

Vâng, “trong cuộc sống, cuối cùng chỉ có tình nghĩa mới là giá trị bền lâu và đích thực của con người chúng ta“.

Tục ngữ ca dao có câu : “Công cha như núi Thái Sơn – Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra“. Nước trong nguồn thì không bao giờ cạn! Viết về một người thân, một người Dì và nhất là về một người mẹ thì không bao giờ cùng và không giấy bút nào có thể tả hết được.

Xin được thắp lên một nén hương trầm, tưởng nhớ người Dì thân thương nhất của tôi. Cầu mong Dì được chóng siêu thoát, và phù hộ cho con cái cháu chắt biết sống đầm ấm, yêu thương và thánh thiện như lòng Dì mong ước.

Nha Trang, một ngày mùa thu năm 2020

Cháu của Dì : Nguyễn Kỳ

Ghi chú : Bài có thêm tư liệu của Cậu Khanh, Anh Trường, Anh Tông và cháu Khang.



[1] “Phú nông”. Gia đình ông ngoại tạm gọi là phú nông, nghĩa là có nhiều ruộng đất, nhưng vì gia đình chỉ có đàn bà con trẻ, còn ông ngoại thì phải ra Hà Nội vào Huế vì công việc, nên phải thuê người làm, nên người ta gán cho là “địa chủ”. (chú thích của cậu Khanh)
[2] Địa chủ phản động. Địa chủ vì có ruộng đất cho người làm thuê. Phản động vì trước kia có phục vụ trong quân đội Pháp.

Đời Tận Hiến

September 2, 2020
  Bắt đầu từ khi nào và động lực nào đã khiến Kim-Loan (KL) quyết định tìm hiểu về đời sống tu trì...?!?  Một anh Hai đi tu chưa đủ sao mà bây giờ lại đến chị lớn của Kim-Phượng và Út Thanh nữa.  Ơn gọi đã âm thầm nảy sinh... Nghe nói là việc bếp núc hay vườn tược đều do một tay KL quán xuyến.  Mẹ ra đi nhưng Mẹ cũng để lại cho gia đình một người con gái tháo vác lo toan.  An ủi Cha hiền, phụ giúp các anh và chăm sóc các em.  Cũng nghe nói là KL nấu ăn giỏi lắm.  Khi nào nhà có khách là KL trổ tài nấu nướng làm những bữa ăn thịnh soạn đãi khách.  KL giỏi thật.  Không có Mẹ bên cạnh thế mà việc bếp núc thì không ai chê được.  Cực khổ không sợ và gian nan không sờn.  Lòng yêu mến Chúa đã trội hơn mọi thứ.  KL đã vác thánh giá mà theo Thầy Giêsu.  Sức khỏe không làm cho KL trùng bước và ngôn ngữ không làm cho KL nản chí.  Ở Việt Nam không được tự do tu trì thì sang Mỹ có gì có thể ngăn cản được Đức Tin mãnh liệt của một cô bé gầy yếu này.  ...”Hồng ân Chúa bao la, tuôn đổ xuống chan hoà.  Tuy tay con nhỏ bé, bao nhiêu cũng không vừa...”
  KL đã tận hiến đế Chúa có thể dùng KL “.. như khí cụ bình an của Chúa ..” để KL”..đem niềm vui đến chốn u sầu..”  và đến những những người bệnh nhân đang cần sự nâng đỡ về mặt tinh thần trong thời gian COVID-19 này.  Với tinh thần nghèo khó của dòng Phan Sinh chắc chắn là lúc nào KL cũng...”xin cho con nghèo khó, cuộc đời bao nguy khốn.  Đời hạnh phúc con là chính Chúa gia-nghiệp trọn đời” như trong bài hát ‘Tâm Tình Hiến Dâng’.  Hạnh phúc biết bao khi nhận biết Chúa luôn đồng hành với mình như những dấu chân trên cát trong bài ‘Foot Prints’.  Một hình ảnh thật đẹp khi chỉ còn một dấu chân vì lúc đó Chúa đã nâng ta lên.  Chắc chắn đã có những lần KL đã quá mệt mỏi trong vai trò của một chaplain cho hai bệnh viện ở hai tiểu bang khác nhau.  Những lúc đó chắc hẳn là Chúa đã nâng đỡ KL để KL vơi đi sự mệt mỏi của cả tinh thần lẫn thể xác.
  Thương chúc KL tiếp tục vững bước theo Thầy Chí Thánh và không ngừng phục vụ tha nhân.  “Chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh”.  Đời Tận Hiến không ngừng ở 25 năm mà còn đến 50 năm và nhiều hơn nữa.  Xin Thiên Chúa ban thêm sức mạnh và cùng đồng hành với KL để KL luôn xin vâng theo gương Mẹ Maria.

Happy Silver Jubilee!

GĐ Khang-Dung, An-Hiền

Cuộc Đời Dâng Hiến

September 2, 2020


Chị Loan rất thương mến,

“Chúa là gia nghiệp đời con, vì ngoài Chúa ra con tìm đâu thấy hạnh phúc và chỉ có Chúa con mới tìm được nguồn vui.”

Út Thanh hồi tưởng lại thời gian gia đình mình còn sống ở Việt Nam. Anh Kỳ thì đi tu từ khi còn nhỏ. Còn hai Anh Khuê và Khang thì rời xa gia đình sau chiến tranh Việt Nam. Gia đình chỉ còn lại Thầy, Anh Bảng và ba chị em mình. Vì Mẹ mất sớm nên trách nhiệm nuôi nấng, dạy dỗ con cái của Thầy cũng thật là vất vả. Còn Chị Loan là chị gái lớn trong nhà, mặc dầu chưa đủ kinh nghiệm tuổi đời và kinh nghiệm của một người Mẹ, nhưng Chị đã phải đóng vai trò của một người Mẹ để lo quán xuyến những việc trong gia đình. Từ việc chợ búa, bếp núc, vườn tược và ngay cả phải lo cho hai đứa em gái của Chị. Có những lúc vì em Út không nghe lời Chị đã giáng cho Út những cú cóc trên đầu thật đau điếng chảy cả nước mắt mà Út không bao giờ quên được nhờ vậy mà Út biết vâng lời hơn và siêng năng hơn trong công việc nhà.

Về việc học hành thì Chị cũng chẳng thua kém bạn bè. Những lần thi cử Chị đều đạt được điểm tốt làm cho Thầy và những người trong gia đình đều rất vui và hài lòng. Ở thành phố Đà Lạt hầu hết người dân sống bằng nghề trồng trọt nên ngoài việc học hành Chị cũng phải phụ giúp công việc vườn với Thầy và Anh Bảng. Những luống cà rốt do Thầy gieo trồng mọc lên như nấm trông thật xanh tươi nhưng cũng chẳng thiếu gì những đám cỏ dại chen lẫn vào. Thế mà với bàn tay thoăn thoắt của Chị chẳng mấy chốc cỏ dại đã được nhổ sạch. Ngày thu hoạch rau củ, Chị cũng phải dùng đôi vai gầy guộc, nhỏ bé của mình leo lên con dốc dài để gánh về tới nhà hai sọt rau củ nặng trịch tưởng chừng như muốn gãy cả đòn gánh. Chưa hết, sau khi thu hoạch, Chị cùng với Anh Bảng lại phải mang ra chợ bán để kiếm tiền. Những sọt rau củ to kềnh đã được sắp xếp thật đẹp mắt (vì sợ bọn công an bắt giữ) nên phải chờ đến nửa khuya mới đón được chiếc xe ngựa bốn vó chạy cọch cạch chuyên chở tới khu chợ đêm Đà Lạt để bán cho những tay buôn rành nghề hầu kiếm thêm tí tiền để Thầy có thể lo cho cả gia đình.

Khi đến tuổi biết yêu, nàng Kim Loan cũng có những chàng trai trong xóm đạo muốn tìm hiểu làm quen đấy chứ! Có một chàng tên Đôn ở tận xóm đạo Tùng Lâm do mai mối đã đến nhà tán tỉnh một thời gian nhưng trái tim nàng Kim Loan đã không rung động. Cuối cùng, Nàng đã quyết định chọn con đường theo Chúa chứ không theo Chàng. Làm cho Thầy và mấy Anh Em cũng thật là ngạc nhiên.

Như vậy, “Tu là cõi phúc, Tình là dây oan” phải không Chị ?

Tưởng chừng đời sống tu trì chỉ có suy gẫm kinh kệ nhưng chẳng phải thế Chị cũng phải trải qua nhiều khó khăn thử thách. Ngôi nhà dòng Chị chọn để tìm hiểu ơn gọi cư ngụ tại Chi Lăng, thành phố Đà Lạt. Hằng tuần Chị phải dùng chiếc xe đạp củ kỹ để đi tới nhà dòng sinh hoạt và cầu nguyện, có những ngày tá túc qua đêm Chị phải leo lên căn gác chật hẹp để ngủ vì sợ công an lục xét. Có những tuần lễ vừa rời gia đình được vài ngày lại thấy trở về chỉ vì cơn bệnh nhức đầu hoành hành và không đủ sức khỏe. Thế mà ơn gọi dấn thân trong việc tu trì vẫn nung đốt trong lòng Chị. Cho nên sau khi gia đình định cư tại Hoa Kỳ vào năm 1993, lại một lần nữa Chị quyết tâm học hỏi, trau dồi tiếng Anh để được quay lại nhà dòng tiếp tục sống ơn gọi mà mình đã ấp ủ bấy lâu nay mặc dầu tiếng Anh chưa được lưu loát.

Nhờ sự chăm chỉ học hành và lòng đạo đức yêu mến Chúa, nên Chúa đã chọn Chị để thánh hiến trong một ngày lễ khấn trọn đời thật trọng đại vào ngày 15 tháng 11 năm 2003. Mọi người trong gia đình rất vui mừng và được dịp bay qua tiểu bang Rhode Island để tham dự ngày trọng đại đó. Có lẽ Thầy và Mẹ trên Thiên Đàng  là người vui sướng nhất vì được thấy con mình đọc lời khấn hứa và đang vui sống trung thành trong ơn gọi. Thánh lễ thật là trọng thể và trang nghiêm; thật vui vì được rất nhiều người tham dự. Riêng Út Thanh cũng thấy hãnh diện vì được đọc bài Thánh Thư trong ngày đó. Sau thánh lễ, gia đình lại được quây quần với nhau nơi bàn tiệc do nhà dòng khoản đãi với các món ăn thật ngon miệng cùng với lời chúc mừng giành riêng cho Chị và những cái ôm thật thân thiện làm cho em không thể quên được.

Nhìn lại quảng đường 25 năm qua, chắc hẳn Chúa đã gìn giữ và luôn đồng hành bên cạnh Chị. Nguyện xin Chúa tiếp tục tuôn đổ nhiều hồng ân và sức mạnh để Chị có thể tiếp tục hoàn thành xứ vụ mà Chúa đã trao ban.

Năm nay thật khác biệt với những năm trước đây. Vì cơn dịch COVID-19 đã làm cuộc sống và mọi sinh hoạt của hầu hết tất mọi người trên toàn thế giới bị xáo trộn. Ngay cả buổi tiệc mừng 25 năm giành riêng cho Chị mà nhà dòng đã ấn định cũng bị hủy bỏ. Thật là buồn phải không Chị? Nhưng đây cũng là một món quà hy sinh thật cao quý mà Chị đã dâng lên cho Thiên Chúa đó.
Nếu cơn dịch bệnh sẽ sớm chấm dứt thì chắc chắn rằng khi Chị về thăm lại gia đình, tất cả các anh em và các cháu sẽ có một bữa tiệc để ăn mừng ngày vui của Chị đấy nhé!
HAPPY SILVER JUBILEE SISTER KIM LOAN !

Love,
Út  KIM THANH

25 Years Serving God

September 2, 2020
Congratulations Bác Loan! I hope you have an amazing day with all of the nuns. I know you must have had a lot of hardships in the past 25 years, but that entire struggle has led you to where you are today. Know that God will always be by your side and will assist you in times of adversity. I’m really sad that you couldn’t come and visit us this summer. I remember going out and watching a movie together, eating a lot of snacks and so much more. The times my family came over to talk and catch up with you were always fun. I love you and miss you! Take care and stay safe! God bless you!


Love,
Hannah Nguyen
September 2, 2020
Kính gửi Bác Loan,

Nhân dịp kỷ niệm 25 năm nhập/khấn dòng, con kính chúc Bác Loan được một ngày vui vẻ, bình an, và hạnh phúc với các Sơ. Con biết khi sống ở tu viện Bác Loan cũng gặp rất nhiều khó khăn và thử thách trong cuộc đời đi tu, nhưng nhờ lời cầu nguyện và hy sinh của Bác Loan, Chúa đã giúp Bác Loan vượt qua được những giây phút gian nan và khó khăn đó. Con rất buồn vì năm nay tất cả mọi người trên toàn thế giới phải chịu đựng cơn dịch bệnh COVID-19. Chuyến đi chơi xa của gia đình con vào mùa hè năm nay cũng bị hủy bỏ. Kỳ nghỉ hè của Bác Loan về thăm gia đình cũng không được thực hiện. Con nhớ Bác Loan rất nhiều và mong được gặp Bác Loan vào hè năm tới. Xin Chúa Mẹ gìn giữ Bác Loan, ban cho Bác Loan sức khỏe về thể xác cũng như tinh thần để Bác Loan có thể giúp đỡ những bệnh nhân trong bệnh viện. Gia đình con sẽ cầu nguyện nhiều cho Bác Loan, và Bác Loan cũng luôn cầu nguyện cho mọi người trong đại gia đình mình.

Love,
Con Thanh Xuân

September 2, 2020
Dinh Huyen Nguyen 
To:Kim-Loan NguyenFMM
Wed, Sep 2 at 5:18 AM

Chị Kim Loan thân mến,
Hôm nay mồng 2 tháng 9 là 25 năm đời dâng hiến của Chị! Em cảm tạ Chúa và ngợi khen Chúa đã gọi, dẫn dắt, gìn giữ, hướng dẫn, và đồng hành cùng Chị để Tin Mừng của Chúa được truyền giáo nhiều hơn, Tình Yêu của Chúa được chia sẻ nhiều hơn, và danh Chúa được sáng hơn. Em cám ơn Chị đã và đang đáp lại “Xin vâng!” với Chúa. Em cầu xin Chúa Ba Ngôi tiếp tục ban cho Chị hạnh phúc, niềm vui, và bình an trong đời dâng hiến truyền giáo. Xin Đức Mẹ cầu bầu và nâng đỡ từng bước bên Chị cùng Đức Mẹ ngợi khen Thiên Chúa đến hơi thở cuối cùng.
Em rất hân hạnh và vui mừng được có sự hiện diện của Chị chiếu sáng Tình Yêu Chúa trong hành trình đức tin.
Thiệp em gửi đến Chị qua USPS sẽ đến tay Chị muộn hơn, nhưng vậy cho em cơ hội chung vui với Chị, nhà dòng, và gia đình dịp nữa. hihi

Chúc mừng Chị Kim Loan trong cảm tả và ngợi khen Thiên Chúa, 

Em Đinh Huyen



September 2, 2020
Mừng Ngân Khánh Têrêxa Nguyễn Thị Kim Loan

Gia nhập Hội Dòng Franciscan Missionaries of Mary, Rhode Island

02 09 1995 – 2020
***
Hoan ca – Cảm tạ – Chúc mừng

Nguyện Chúa tiếp tục ban Bình an, Sức lực và đậm đà tỏ bày tình Yêu thương không bờ bến của Ngài cho cháu trên con đường phục vụ và dâng hiến của cháu. Bài viết cậu gửi kèm đây như một chứng từ và khích lệ cho công việc mục vụ của cháu và cho một sự chuyển hóa cuộc sống của mọi người thân yêu chúng ta. Cậu, lhk.


Từ nội tâm tôi đã đứng thẳng lên

Khi 18 tuổi Merle Meier đã tìm cách tự sát. Hai mươi năm sau cô ngồi trên xe lăn như một phụ nữ hạnh phúc, làm việc như một bác sĩ tâm lý trị liệu và giúp nhiều người trở về con đường sự sống.

Ngày 27 tháng 02 năm 1999 Merle Meier trèo lên một cột điện cao thế, giơ tay cầm lấy dây điện và bị rơi ngã xuống đất. Cô gái 18 tuổi này đã không có lời nào giã từ cha mẹ.Nỗi trầm cảm của cô lớn mạnh đến nỗi cô không thấy một ngõ thoát nào hơn là cái chết. “Tôi không viết một bức thư giã từ nào”, cô nói. “Tôi không còn gì nữa để nói, trong nội tâm thì đã chết, mặc dầu thân xác thì còn sống”.

Hơn hai mươi năm sau, người phụ nữ mà trước đây đã té ngã từ một cột điện cao thế, nay đang ngồi trong căn nhà nhỏ của mình tại Hannover, một thành phố lớn miền Bắc nước Đức, với một cung giọng điềm đạm và cảm thông kể lại câu chuyện cuộc đời mình. Ngôi nhà nhỏ mà cô cùng với chồng đã thuê xây cất, và đó cũng là phòng mạch tiếp bệnh nhân của cô, là một căn nhà trệt, bởi chứng liệt bại mà cô đã mắc phải vì vụ tự sát đã không thành. “Một cốc cà-phê nữa nhé?”, Merle Meier nhíu lông mày cất tiếng hỏi và mỉm cười.

Khi còn là một cô bé tuổi Teen, người phụ nữ nay tuổi 40 kể lại, cô là một nữ sinh tính tình tốt và được yêu chuộng. “Tính tôi vẫn là làm vui lòng mọi người.” Một lý do cho sự trầm cảm sớm có của mình, theo như cô nhận định, trước hết là vì một mối liên lạc độc hại giữa cô một nữ sinh trẻ tuổi với “một gã phàm phu, típ người thích đánh đập kẻ khác”, mối liên lạc mà cô đã giây dưa vào như một phản ứng chống đối cha mẹ mình. Rồi khi gã đàn ông kia cũng đánh đập và làm nhục cả cô nữa, thì cô tự cho mình có lỗi và từ đó gây nên cơn bệnh loạn tâm lý. “Trong cơn bệnh loạn tâm lý này, tôi có cảm giác tôi chế ngự thế giới”, cô nhớ lại như thế. Sau một thời gian ngắn nằm viện, cô bị gục ngã từ rối loạn tâm thần thẳng xuống một cơn trầm cảm nặng và không còn muốn sống nữa. “Đây không phải là một khoảnh khắc lẻ tẻ, nhất thời mà tôi muốn chết, nhưng đó quả là một tiến trình. Bởi trong cơn trầm cảm đó cứphát hiện lên cảm xúc rằng: Không còn gì có thể cứu tôi được nữa trên thế giới này. Nếu tôi chết đi, thì cuối cùng tôi được yên nghỉ.”

Vụ té ngã từ trên cao cột điện cao thế ngày trước đã làm cho Merle Meier bị thương nặng, nhưng còn sống sót. Điều ấy lúc đầu không hề làm cho cô ta vui mừng. Những ý nghĩ đầu tiên khi tỉnh dậy trong bệnh viện: “Tôi là một phế nhân điêu đứng tàn tệ, tôi chỉ muốn chết thôi!” Nhưng nhờ sự hỗ trợ bền bỉ của cha mẹ cô và một nữ bác sĩ tâm thần, tình trạng sức khoẻ của Merle Meir cải thiện mau chóng lạ lùng. Cô nhận được thuốc thang chữa trị tốt và thời gian dưỡng bệnh đã đem lại cho cô sức sống mới.

Thức tỉnh từ tận đáy lòng

Ước mong tiếp tục được sống đã xuất hiện một cách hi hữu đúng vào khoảnh khắc cô nhận được lời sự thật vô cùng cay đắng. Đúng khi cô vào nhà dưỡng bệnh, thì một bác sĩ đã rõ ràng thông báo cho cô biết: “Cô sẽ không bao giờ còn chạy nhảy được nữa, không bao giờ còn có thể cử động đôi chân mình được nữa. Nhưng chúng tôi sẽ giúp cô, sau thời gian dưỡng bệnh có thể tự mình sống và tháo vát trong mọi tình huống”. Chính đó là nơi tái phát sinh sức lực của cô, Merle Meier cho biết: “Năng lượng mới được khởi sinh. Tôi phải tranh đấu cho cuộc sống mới của tôi trên xe lăn. Okay, vậy thì ta lên đường!”

Meier học một ngành nghề, gặp một người bạn đời, tốt nghiệp ngành sư phạm xã hội, nhận được một việc làm như là tư vấn xã hội trong quản trị. Nhưng ba năm sau vụ tự sát bất thành, cô đã rơi vào một cơn rối loạn thần kinh thứ hai: một cuộc phiêu lưu nội tâm với những tưởng tượng mê sảng mình là toàn năng, rồi nó được chấm dứt trong một viện tâm thần, nơi cô bị trói chặt vào giường nằm và cô cho là bị hành xử một cách tồi tệ. Vụ việc kéo dài cả chục năm, cho đến khi Merle Meier thực hành phương pháp tỉnh thức giải mở được những uẩn ức của việc mưu tự sát và những đau thương sâu kín lâu nay của mình.

Thật là một điều vô cùng kinh ngạc gặp được người phụ nữ 40 tuổi thân tình này, thấy cô ngồi rất tự nhiên trên xe lăn, rót thêm cà-phê mời khách và không một chút bi ai thuật kể lại tất cả mọi sự việc. Một bác sĩ tâm thần đã nói với cô sau vụ té ngã cột điện: “Cô đã trả một giá thật đắt cho điều mà cô đã nhận được”, vừa nói ông bác sĩ vừa chỉ tay đến chiếc xe lăn. “Bây giờ tôi hiểu bác sĩ đó muốn nói gì”, Meier phụ thêm lời. Quả thật, cái đau thương lớn mà cô ta kinh qua đã làm cho cô trở nên một con người đặc biệt tinh tế, một con người cũng có thể hiểu và đồng hành được với những người đau khổ khác tự rất sâu trong tâm hồn.

Trước vụ mưu tự sát, cô Meier đã sống xa tôn giáo và hồi 14 tuổi đã với ý thức từ chối không nhận bí tích thêm sức. Việc mưu tự sát mà còn sống sót, thì nay trong hồi tưởng “tôi nghiệm thấy đó là một điều mang tính linh thiêng của Chúa quan phòng”, cô nói. Bởi như có một năng lực tác động trong đó. Bằng không thì sự việc đã được thực hiện.” Thời gian sau đó, Meier đã có đức tin, tuy không theo nghĩa đạo đức nhà thờ. Meier nói tiếp: “Tôi có lòng tin, rằng cuộc đời có giá trị, cảm nhận được. Và ta có mặt ở đây hầu để lại một điều gì tốt lành.” Không kiêu hãnh gì về nhận thức đó, cô nói: “Tôi không nghĩ rằng, cái Tôi của bản thân mình đã làm ra điều đó. Điều đó thật ra là cái gì như một Ân huệ. Vâng, Ân huệ là một từ đích đáng nói lên những gì đã xẩy ra.”

Sau nhiều đắn đo suy nghĩ, cuối cùng Meier đã học hành tốt nghiệp ngành đào tạo thành một bác sĩ tâm lý trị liệu. Đồng thời cô cũng điều khiển các khóa Xêmina tập trung và tỉnh thức tinh thần, cùng chung với vị huấn luyện viên trước đây của cô. “Các nan đề và chướng ngại quả là những điều ích lợi, bởi nhờ chúng mà ta học biết cách chỗi dậy, khi ta bị rơi ngã. Trường hợp của tôi đã dẫn đến một sự liệt bại. Nhưng tự trong nội tâm, tôi đã chỗi dậy đứng lên, bởi tôi đã tháo mở được một cách có hệ thống toàn bộ những rác rưởi tiêu cực chất chồng trong tôi trước đó.”

Chính bởi thông qua những cay nghiệt của cuộc đời mình, những té ngã và những kinh nghiệm tận cùng biên giới cuộc sống mà người bác sĩ trị liệu bại liệt này đã trở nên một đối tác trung thực cho các bệnh nhân nam nữ của mình. Chính cô, kẻ có thể hiểu và cảm thông những đổ vỡ và những đau thương của những người khác, bởi chính cô cũng đã từng trải nghiệm những điều tương tự như thế, và như vậy đôi khi cô đã là sự can đảm cuối cùng mà kẻ khác cần đến để sợi dây mong manh cuối cùng của một đời người sẽ không bị đứt đoạn đi. “Việc nay tôi có thể giúp đỡ người khác, khiến cho vụ mưu tự sát của tôi cùng với 20 năm sau đó được hiển thị dưới một ánh sáng khác – ngày lại ngày nên mới.”

“Vu tự sát của tôi là một khởi đầu”, đó cũng là tên tác phẩm mà Merle Meier đã viết năm 2018, trong đó cô đã kể lại cuộc đời của mình. Từ khi ra mắt cuốn sách này, các bạn thanh niên nam nữ với ý định tự sát đã liên hệ với cô. Cô bác sĩ tâm lý trị liệu của chúng ta đã rất hài lòng về sự liên hệ này, bởi cô biết tại nước Đức mỗi năm có hơn 200 thanh niên nam nữ tự sát. “Tôi cùng đứng ngang tầm với các bạn trong cuộc”, lời cô nói về công việc cô phụ trách với những người đang dự tính tự sát. “Bởi họ biết tôi cũng là kẻ đã làm điều đó, nên có được một sự gần gũi đặc biệt. Phần lớn các vụ mưu tínhtự sát là những tiếng kêu cứu.”

Chủ đề tự sát và trầm cảm của những người trê tuổi phải được cấp bách “đưa ra khỏi vùng cấm kỵ” và trở thành một chủ đề được công khai bàn luận, cô Meier nói. Trong công việc tư vấn các bệnh nhân của mình, cô Meier thường đặc biệt tìm cách đề cao những điểm mạnh và tích cực của họ, tìm cách giúp phát triển sức lực nguyên thủy của họ (lực đàn hồi: resilience). “Khi tôi kết hợp lại những trải nghiệm đau thương của mình mà tôi đã phải kinh qua và ngày nay nhìn xem điều gì làm nên thực năng thành tựu cho việc chữa trị thì đó chính là kháng lực của tâm hồn này.”

Một trong những gặp gỡ trong công việc tư vấn vẫn đằng đẵng đi theo cô Meier tận cho đến ngày hôm nay. Có một thời gian cô đã đồng hành tư vấn một cô bệnh nhân trẻ tuổi, cô này toàn thân đầy dẫy những ung thư. Các bác sĩ cho biết cô chỉ còn sống được nửa năm nữa mà thôi. Nhưng cô bệnh nhân tự tin với đầy ý thức và yêu đời này đã sống thêm được hai năm nữa và trong thời gian này cũng đã lập gia đình. Cô ta nói: “Bác sĩ biết không, chồng tôi đã chưa xa đến mức tôi có thể ‘ra đi’...”

Lời hứa của một nữ bác sĩ trị liệu

Thế rồi khi cô bệnh nhân trẻ tuổi nói trên có dấu hiệu nay thực sự phải “ra đi”, thì Merle Meier ôm choàng lấy cô và nói: “Chúng mình có muốn cùng nhau thỏa thuận một điều ước chăng? Em có thể tiếp tục sống trong các Xêmina của chị. Trong đó chị sẽ kể lại về sức sống của em và rằng sức khoẻ không chỉ là ở thể xác, nhưng còn là sự lành mạnh của tâm hồn.” Cô bệnh nhân gương mặt sáng lên rạng ngời, rồi nắm chặt lấy bàn tay bà chị bác sĩ: “Vâng, ta hãy làm như thế – em sẽ tiếp tục sống trong các Xêmina của chị.” Kể từ ngày chết của cô bé bệnh nhân, cô bác sĩMerle Meier đã cảm nhận được biết bao là sự hiện diện của sức mạnh và sự can trường của người đã ra đi trong các Xêmina của mình. “Cô bé đã không ngừng tiếp tục sống.” Và cả đây nữa, điều mà Merle Meier đã từng sống và từng trải nghiệm: Đau thương có thể trở nên một sinh lực làm cho kẻ khác cũng được chỗi dậy đứng lên.


Tác giả bài viết: Jan Opielka
Trong: Publik-Forum, Số 16, ngày 28.08.2020
Chuyển ngữ: Lưu Hồng Khanh
Cập nhật: Ngày 02.09.2020







25TH ANNIVERSARY OF RELIGIOUS LIFE

September 2, 2020
Thầy Mẹ kính mến, các Anh Chị, các em cùng các cháu mến thương,

Hôm nay là đúng 25 năm mừng Ngân Khánh Tu Dòng của con (Sept. 02-1995 – Sept. 02 – 2020). Nhìn lại chặng đường 25 năm qua của đời dâng hiến, đó là một cuộc hành trình theo Chúa với biết bao nhiêu ân huệ, dấu ấn thiêng liêng, những bước ngoặt quan trọng cùng với bao kỷ niệm buồn vui của đời tu.

Giai đoạn tìm hiểu được bắt đầu từ bên Việt Nam : Tháng Giêng năm 1989 con được làm đệ tử và sống trong tu viện của Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, ở Cô Giang, Đà Lạt hơn một năm. Sau đó con đã rời nhà dòng để cùng gia đình đến định cư tại Hoa Kỳ năm 1992. Tiếng gọi huyền nhiệm vẫn thôi thúc trong đáy lòng con. Tháng 9 năm 1994 một lần nữa, con đã quyết định rời gia đình để đáp lại tiếng Chúa gọi. Gia nhập Dòng Phan Sinh ở Mỹ, con vẫn nhớ những phút giây ngỡ ngàng khi bước vào cổng tu viện, con chỉ nói được dăm ba câu tiếng Anh. Ngôn ngữ, phong tục và văn hoá thật quá khác biệt. Lòng con băn khoăn khi thấy con đường phía trước thật dài và đầy chông gai, thử thách, nên con đã thầm nghĩ không biết mình có bước nổi hay không? Con thầm nguyện xin Chúa và Mẹ Maria soi sáng, nâng đỡ và ban sức cho con. Năm tháng trôi qua, với sự nâng đỡ của các soeurs trong nhà dòng cùng với lời cầu nguyện của mọi người trong gia đình và tình yêu thương bao la của Thiên Chúa đã giúp con vượt qua tất cả.

Ngày mồng 2 tháng 9 năm 1995 con được nhận vào Tập Viện và trở thành thành viên của Hội Dòng. Những năm tháng ở Tập Viện thật đẹp và đầy ý nghĩa. Những giờ phút suy niệm, cầu nguyện bên Thánh Thể Chúa thật linh thiêng. Con cũng được học hỏi về đoàn sủng của Mẹ sáng lập và hiến chương của Hội Dòng. Con đã cảm nghiệm được tình yêu thương vô bờ bến của Chúa giành cho con. Lòng con vui như mở hội khi được gặp lại Thầy, Anh Khuê, Anh Khang và em Thanh trong ngày khấn lần đầu 16 tháng 8 năm 1997. Gia đình đã bỏ thời gian quý báu để bay từ Cali tới New England tham dự thánh lễ, cầu nguyện và chia sẽ niềm vui với con. Sau đó con lại tiếp tục đời sống tu trì của con cùng với việc học hành và phục vụ ở tại New York. Lễ Vĩnh Khấn của con được chọn vào ngày lễ của Mẹ sáng lập dòng và ngày kỷ niệm một trăm năm dòng Phan Sinh hiện diện trên đất nước Hoa Kỳ (ngày 15 tháng 11 năm 2003). Gia đình họ hàng bà con thật đông, đặc biệt có sự hiện diện của Cậu Khanh từ bên Đức qua và Anh Hai từ Việt Nam tới. Thánh lễ thật sốt sắng. Anh Hai cũng đã đồng tế trong thánh lễ này. Sau bữa tiệc, Cậu đã đại diên gia đình nói lời cảm ơn đến quý soeurs và tất cả mọi người bà con, bạn hữu xa gần đã đến tham dự và cầu nguyện cho con trong ngày trọng đại này. Gia đình mình đã quây quần bên chiếc bàn tròn ở Peace Barn để chia sẻ những tâm tư, cảm nghiệm của mỗi người với Cậu sau nhiều năm xa cách cùng với những thay đổi trong cuộc sống. Giờ phút ấy quá ư là cảm động!!! Những hiểu lầm và nỗi khúc mắc đã biến tan. Con cảm nhận được niềm thông cảm và sự hoà giải xảy ra trong ngôi nhà nhỏ bé, đơn sơ trên mảnh đất của dòng Phan Sinh. Lời Kinh Hoà Bình của Cha Thánh Phanxicô như đang vọng lại trong tâm trí của mỗi người. Cho đến ngày hôm nay, mỗi lần con bước vào căn phòng đó, con không thể quên được những giây phút thật linh thiêng đó. Nó cũng giúp con được thêm lòng khoan dung, nhân hâu đối với tha nhân. Đại gia đình mình cũng đã có được những ngày thật vui bên nhau để đi tham quan thắng cảnh ở những tiểu bang lân cận của miền Đông nước Mỹ.

Thế rồi, con có bài sai ở lại Mỹ và tới biên giới giữa nước Mexicô, tiểu bang Texas và New Mexico để giúp những người đặt chân tới nước Mỹ đang tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn và một cuộc sống tự do hơn. Bữa tiệc trước Noel 2004 cho các em bé ở trong trại giam (Detention Center), con ngồi đối diện với một bé trai 7 tuổi. Đĩa cơm rau trước mặt em hòa cùng những giọt nước mắt. Em bé đó đã khóc suốt cả bữa ăn vì em chỉ ước mong được gặp lại người cha đang cùng sống trên mảnh đất Hoa Kỳ này. Con không làm sao nuốt nổi những muổng cơm khi thấy cảnh chia lìa của một em bé còn quá ngây thơ, vô tội.

Sau một năm, con rời nhiệm sở tại biên giới, để tiếp tục việc học ở Chicago, và sau đó con đã đảm nhận việc huấn luyện cho các em giai đoạn Tiền Tập và làm Chaplain trong bệnh viện bằng việc thăm hỏi, an ủi, cầu nguyện cũng như giúp đỡ bệnh nhân về tinh thần trong những lúc họ đau yếu và thất vọng. Cơn dịch bệnh Covid 19 đã đưa đến những hoàn cảnh thật thương tâm, nhiều bệnh nhân không một người thân bên cạnh để nói lời tiễn biêt trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời. Và cũng vì cơn dịch này, mà Tỉnh Dòng đã phải hủy bỏ dự tính việc tổ chức Lễ Mừng Ngân Khánh của con.

Trong tình liên đới với tất cả những người đau khổ, con xin dâng lên Chuá tâm tình Tạ Ơn vì biết bao ơn lành mà Ngài đã tuôn đổ trên cuộc hành trình 25 năm qua. Nguyện xin Thầy Mẹ phù hộ và chuyển cầu cho con được luôn vững bước và trung thành trong đời sống dâng hiến.

Con,

Theresa Kim Loan Nguyen



September 2, 2020

Viết cho Em

(Thương gửi Kim Loan, người em gái bé nhỏ hân hoan mừng Ngân Khánh tu dòng)

Em thương mến,

Ngày anh bắt đầu đi tu thì em vừa thôi nôi. Ngày anh chịu chức linh mục thì em bắt đầu nhà tập. Và ngày anh mừng Ngân khánh linh mục thì em cũng mừng Ngân khánh tu dòng.

Anh đi trước, em đi sau. Em cứ theo anh mà tiến bước. Thường thì người đi trước mở đường gặp nhiều khó khăn hơn người đi sau. Nhưng anh em mình thì lại khác. Đường anh đi có vẻ dễ dàng hơn, ít gặp trắc trở hơn. Mười hai tuổi anh bước vào nhà dòng một lèo năm sáu năm. Còn em thì vất vả hơn. Nhiều lúc tưởng chừng đứt gánh giữa đường.

Nhưng “Ơn Ta là đủ cho ngươi”. Dù thuận tiện hay trắc trở, với ơn Chúa, anh em mình vẫn tiến bước.

Có điều những khó khăn trong đời tu không phải chỉ riêng em. Những khó khăn em đã trải qua hoặc đang trải qua thì cũng chính là những khó khăn mà anh đã và đang trải qua. Vì thế anh có thể cảm thông và chia sẻ với em những niềm vui và nỗi buồn, những lo âu và hy vọng của đời sống dâng hiến.

Có lần em chia sẻ với anh rằng em băn khoăn về việc mình không thể làm gì để giúp đỡ gia đình, cách riêng với Thầy, là người không những sinh thành mà còn dưỡng dục và dạy dỗ để mình có được như ngày hôm nay. Băn khoăn của em cũng là băn khoăn của anh, hơn nữa đôi lúc anh còn nghĩ mình là con trai trưởng trong gia đình nữa. Và anh nhớ đã trả lời cho em đại ý là con người ta có cả hồn lẫn xác, thể chất với tinh thần. Cả hai đều cần có lương thực để nuôi dưỡng. Người đi tu không có tiền bạc của cải để phụng dưỡng cha mẹ về mặt thể xác, thì họ vẫn có thể phụng dưỡng cha mẹ về mặt thiêng liêng, tinh thần bằng lời cầu nguyện và những hy sinh. Và đôi lúc điều mà các bậc sinh thành mong muốn không phải là quà cáp hay tiền bạc, mà là tình yêu thương, sự thông cảm, lòng biết ơn, sự thuận hòa… Điều này càng đúng hơn nữa khi cha mẹ đã khuất. Thánh nữ Mônica trước khi chết đã nói với Augustinô : “Xác này, cứ chôn chỗ nào cũng được. Đừng bận tâm lo lắng gì chuyện đó. Mẹ chỉ xin hai con một điều, là dù chúng con ở đâu, thì cũng nhớ đến mẹ trước bàn thờ Chúa”.

Viết đến đây anh càng nhớ đến Thầy Mẹ. Giờ đây trên thiên đàng Thầy Mẹ đang mỉm cười nhìn hai anh em đang hân hoan mừng Ngân Khánh. Anh em mình là niềm vinh hạnh cho Thầy Mẹ và là niềm vinh dự cho gia đình dòng tộc.

ĐGH Phanxicô trong Tông Huấn “Hãy vui mừng hoan hỉ” nói về ‘ơn gọi nên thánh trong thế giới ngày nay’ đã viết : “Đời sống của họ (bao gồm cha mẹ hay những người thân yêu khác của chúng ta) có thể không luôn luôn hoàn hảo, nhưng ngay giữa những lỗi lầm và thiếu sót họ vẫn tiến tới và đã làm Chúa vui lòng”.

Nếu hai anh em ta hiệp nhau cầu nguyện, thì chắc chắn lời cầu nguyện của anh và em sẽ được Chúa nhận lời.

Hơn nữa, trước khi gọi chúng ta bước đi theo Người, Chúa đã tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương chúng ta. Ơn của Chúa làm nên sức mạnh để ta tiến bước và trung thành theo Chúa cho đến cùng.

Nguyện xin Chúa và Đức Mẹ tiếp tục tuôn đổ tràn đầy ơn phúc để em luôn sống xứng đáng với ân huệ đời sống thánh hiến, không chỉ 25 năm mà là 30, 40, 50 năm (kim khánh) và suốt đời.

Hiệp thông – Cầu nguyện – Chúc mừng Ngân Khánh Tu dòng Teresa Kim Loan
2 - 1995

9 - 2020

Anh Hai

Congrats on your Silver Jubilee!

September 1, 2020
Dear Sister Loan,

Congratulations on your 25 years of serving God! I know there are many times when you can feel frustrated, but you can pray to God, and he will help you overcome whatever is giving you a hard time.

Every year I would always wait for summer to come, especially since I didn’t need to go to school, and you can come home to visit our whole family. We would go out to the movies or go eat ice cream and have a good time. You always encourage me to work hard in school to get good grades and be a good person. I’m really sad that you can’t come home this summer to visit us because of the virus, and I hope that you will pray with me every day so that the virus will go away so you can come home and visit next summer!

I will always pray for you, and I hope you are praying for me and my family. You will always hold a special place in my heart!

Your Niece,

Catherine Nguyen






Mừng Ngày Khấn Bác Loan!

September 1, 2020
Kính gửi Bác Loan,

Con xin chúc mừng Bác Loan đã đi tu được 25 năm! Con biết rằng Bác Loan đã phải gặp nhiều khó khăn ở nhà dòng, nhưng con nghĩ Chúa Mẹ luôn luôn bên cạnh để giúp Bác Loan vượt qua những khó khăn đó.

Mỗi khi hè đến con luôn mong Bác Loan được về thăm Ông Ngoại và gia đình con.

Riêng mùa hè năm nay vì dịch bệnh Covid 19 lan tràn khắp mọi nơi vì thế Bác Loan không về thăm gia đình được nên con rất buồn và nhớ Bác Loan nhiều lắm.

Con và mọi người trong gia đình con hằng ngày vẫn luôn cầu nguyện cho Bác Loan luôn được khỏe mạnh vui vẻ và được nhiều ơn lành của Chúa.

Con hy vọng sẽ được gặp lại Bác Loan vào mùa Hè năm tới!

Con thương Bác Loan nhiều lắm!

  • Cháu Phương Thu

Happy 25th Jubilee!

September 1, 2020
Dear Bác Loan,

Congratulations! I am so happy that you passed another year as a nun. I am sad that you can’t come home here to visit my family and I, but I know that you are still in my heart and that I will never forget you. Right now can be a little hard for you since you go to hospitals to see sick patients, but I know that God will help you throughout the time. Thank you for making 2 beautiful sweaters for me when I was little. I still keep them in my room where I look at them every night to remember you. I hope you will come and visit when Covid-19 is gone. I love and mis you!

Love,

Em Bé Huyền Trang

Chúc Mừng Bác Loan!

September 1, 2020


Kính gửi Bác Loan,

Happy 25th Anniversary! Con kính chúc Bác Loan được nhiếu sức khỏe và mọi sự bình an. Con buồn tại vì Bác Loan không được về mùa hè này để thăm mộ Ông Ngoại và thăm gia đình con. Con nhớ Bác Loan nhiều lắm.
Mẹ con kể là khi con mới sinh ra được vài tháng, thì Bác Loan đã đan cho con 2 chiếc áo len màu hồng và màu trắng thật đẹp và cho đến bây giờ con vẫn còn có chiếc áo len này. Đó là chiếc áo len giúp cho con được ngủ ngon vì nó rất đẹp và thơm. Con cám ơn Bác Loan đã cho con chiếc áo đó. Bác Loan nhớ về năm tới nhé! Con nhớ Bác Loan nhiều lắm!

Love,

Em Bé Huyền Trang



September 1, 2020
          25 Năm Hồng Ân Tận Hiến.

      “Nguyện đời con mãi thuộc về Chúa, trọn đời con xin hiến dâng Ngài, để ngợi ca tình Ngài bao la”
       Hai mươi lăm năm đong đầy biết bao ân sủng và tình thương. Chúng ta cùng dâng lên Thiên Chúa lời cảm tạ, tri ân vì biết bao ơn lành Chúa đã ban xuống cho gia đình mình cách riêng cho Chị.
      Nhìn lại suốt 25 năm qua chắc hẳn Chị đã phải trải qua bao gian nan, khó khăn và thử thách trong đời sống tu trì. Những ngày tháng đầu tiên khi Chị đặt chân tới nhà dòng với nhiều bở ngỡ vì bất đồng ngôn ngữ và lối sống của người phương tây, khác biệt với văn hóa nước mình. Nhưng với sự yêu thương và nâng đỡ của các chị em trong dòng đã giúp cho Chị có thêm nghị lực để Chị có thể vượt qua được những chông gai trong cuộc sống.
      Em còn nhớ vào mùa Thu năm 2003 Thầy và tất cả mọi người trong gia đình đã được đến Tiểu Bang Rhode Island để tham dự Lễ Khấn Trọn của Chị, đặc biệt có sự hiện diện của Cậu Khanh và Anh Kỳ từ phương xa tới. Thật là một niềm vinh dự cho gia đình. Sau Thánh Lễ tất cả mọi người lại được quây quần bên bàn tiệc với những món ăn ngon, trong buổi tiệc Chị đã nhận được rất nhiều lời chúc mừng tốt đẹp của quý Cha, quý Sơ, bạn bè và những người thân yêu trong gia đình. Cũng qua Thánh Lễ Khấn trọn đó, chắc chắn Chị đã đón nhận được nhiều ơn Chúa qua lời cầu nguyện của nhiều người để Chị luôn trung thành và vững bước trên con đường theo Chúa.
       Hôm nay mừng 25 năm Ngân Khánh của Chị. Xin Chúa Mẹ thương giữ gìn, hướng dẫn, nâng đỡ và cùng đồng hành để Chị tiếp tục chu toàn sứ mạng trong công việc phục vụ.

Congratulations on your Silver Jubilee!

Love, Em KimPhượng







Chúc Mừng

August 27, 2020

Chúc Mừng

Kim Thanh&Quang Đại

15 Năm Thành Hôn

27.08.2005 – 2020

cùng với các con

Thanh Xuân & Phương Thu & Huyền Trang

Đây là Cậu Khanh của Út Thanh, là Ông Cậu của Thanh Xuân, Phương Thu và Huyền Trang. Ông Cậu đang ở tận bên Đức, tuốt bên châu Âu, cách xa Cali trên hàng chục nghìn cây số và đồng hồ đi trước Cali những 9 tiếng. Sáng thứ năm, 20 tháng 8 này, Cậu của Út Thanh (cũng là Ông Cậu của Thanh Xuân, Phương Thu và Huyền Trang, nay gọi chung là Cậu như thế cho gọn) vào internet thì nghe chuông website forevermissed của Bà ngoai và Ông ngoại các cháu kêu to cho biết có tin mới sốt dẻo. Mở website ra thì đọc được hai bức thư chúc mừng ngày kết hôn của Bố Mẹ các cháu do Phương Thu và Huyền Trang viết một cách rất vui tươi trong trẻo.

Thế là Cậu kêu to: Vui quá! Mấy ngày này cứ suy nghĩ không biết viết gì để mừng ngày thành hôn đặc biệt này. Thì đây là niềm cảm hứng các cháu đã đưa lại cho Cậu: Sự Vui tươi trong trẻo! Các cháu đã viết những điều rất vui tươi và viết một cách rất trong trẻo. Hơn thế nữa, hình ảnh Út Thanh để lại trong Cậu từ khi còn là bé Thanh ở Việt Nam cho đến ngày hôm nay là hình ảnh một cô bé thường xuyên tươi cười, vui vẻ – nụ cười thật hồn nhiên, trong sáng, trẻ trung – làm cho ai nấy chung quanh cũng được lây lan vui theo. Cũng chính vì thế, Cậu ghi lại ở đây thành hai câu thơ như sau về Vui và Cười:

Khi vui ta nở nụ cười

Khi cười ta trở nên vui

Đúng không?

Đúng lắm chứ!

Mà không những khi cười ta trở nên vui, mà khi cười ta cũng làm cho nhiều người khác được vui lây! Bên này, nhà Cậu ở ven thành phố Frankfurt, tiếp giáp nhiều nương vườn đất đai trồng trọt, sáng sớm và chiều tối, Cậu thường walking và jogging ngoài trời cho khoẻ. Thật không biết bao nhiêu niềm vui Cậu vẫn thường đón nhận được, tiếp đó nở một nụ cười, niềm vui lại lớn thêm và dẻo dai kéo dài: niềm vui khi gặp bên lề đường một bông hoa mộc đơn nhỏ bé, trắng muốt, tinh tuyền, không nhằm dành riêng cho một ai cả, nhưng lại là cho mọi người biết nhìn ra; niềm vui khi thấy một gọng cỏ xanh đầy sức sống ngoi ra từ một kẽ hở bên lề một con đường đá hay một bức tường gạch; niềm vui khi thấy một cô bé chưa hề quen biết dắt ngựa hay cưỡi ngựa đi qua chào đón và nở một nụ cười vui tươi làm cho mình cũng nên vui, thấy thế giới này không còn chỉ là nơi xa lạ và chỉ nhung nhúc những con người máy robots vô hồn!...

Niềm vui như thế nhiều lắm, những niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống hằng ngày, nối kết lại với nhau thành một mảng sự sống, một con đường sống, con đường vui tươi và hạnh phúc.

  • Chắc ai nấy đều đã từng sửng sốt vui mừng trước những tia mặt trời chiếu sáng sau những ngày mây đen xám nghịt;
  • Chắc ai nấy đều bỡ ngỡ vui mừng khi gặp một người đi ngang qua mình nở một nụ cười thân thiện;
  • Chắc chắn ta đã từng vui mừng khi làm một việc được thành công kết quả, thí dụ như khi ta thành công gửi đi một Email mà trước đó ta chưa bao giờ làm;
  • Chắc chắn ta đã từng cảm thấy nhẹ nhõm trong người sau một buổi dài đi dạo;
  • Lẽ nào ta không vui khi khám phá ra một cái gì đẹp?
  • Những điều vừa kể và nhiều điều khác nữa tương tự như thế là những niềm vui nho nhỏ hằng ngày mà mọi người ai nấy đều có thể cảm nhận, có thể có được, tuy nhỏ bé, nhưng có thực, chân chất, trong sáng, hạnh phúc.
Nhìn ra được những niềm vui nho nhỏ hằng ngày như thế, với ý thức, trong tỉnh thức, trong ngưỡng mộ, trong biết ơn đối với thiên nhiên vũ trụ, đối với Thiên Chúa Đấng Tạo hóa đã ban cho, đối với cả người này kẻ nọ đã chung tay góp phần gầy dựng ra chúng: đó là một trong những Con Đường Vui Sống của con người chúng ta trên trai đất này. Cậu đề nghị các cháu mỗi người sắm một quyển Sổ tay – cũng gọi là quyển Nhật ký – trong đó ngày ngày ghi lại những niềm vui mà mình cảm nhận được hoặc do bạn bè, người thân hay một danh nhân nào đó đã kinh nghiệm và kể lại. Sau một thời gian ngắn, cuốn Sổ tay Vui Sống sẽ trở nên một Kho tàng Sống Vui thật to, thật lớn, thật nặng ký và vô cùng quý giá. Dưới đây Cậu trích lại biếu tặng các cháu một số kinh nghiệm, câu thơ, lời nói, danh ngôn về những niềm Vui Sống hằng ngày mà Cậu đã ghi chép thu nhặt lại.

**Nơi đây Cậu có một lời nhắn: Bởi hầu hết các cháu thuộc thế hệ di tản thứ hai trên nước Mỹ, nên có thể có những lời nói, những câu chữ tiếng Việt hay những tư tưởng văn chương, triết học, tôn giáo không quen, không biết, khó hiểu. Các cháu cứ hỏi Bố Mẹ hoặc các Cậu Mợ, Cô Dượng trong nhà, chắc chắn ai nấy đều có thể giúp các cháu hiểu rõ thêm.

Niềm Vui trong cuộc Sống:

Học hỏi với hoa huệ,

Học hỏi với chim trời,

Chúng dạy ta bài học thật hay:

Sống nghĩa là có mặt ở đây hôm nay,

Đó là niềm vui.

Hoa huệ và chim trời

Là thầy cô dạy ta bài học về niềm vui.

Không ngờ danh ngôn rất hay trên đây lại đến từ một triết gia mang tiếng là một người bi quan, ông Soren Kierkegaard, người Đan Mạch. Một văn sĩ người Đức có tiếng, ông Hermann Hesse, cũng có một câu nói rất hay:

“Và cả cuộc sống bất hạnh nhất cũng có những giờ mặt trời sáng chói và những bông hoa hạnh phúc nhỏ bé của nó ngoi lên từ giữa đất cát và sỏi đá”.

Cậu có một người bạn đã từng đề tặng những câu thơ mộc mạc, đơn sơ, trong trẻo làm cho mình không những nên vui, mà cũng còn nên trầm lặng, tỉnh thức, hiệp thông với hoa cỏ, con người, thiên nhiên, vũ trụ, Thiên Chúa. Thí dụ như khi mỗi sáng nhìn chậu hoa trong nhà:


Mỗi sáng hoa tươi

Mang một nụ cười

Nở Trời phúc lộc

Thơ giữa lòng người

Cậu cũng quen biết một thiền sư nhà Phật, thân quen gọi là Thầy Thích Nhất Hạnh, ông cũng đề tặng những bài kệ nhỏ bé ngắn gọn, tập hợp lại thành một tập cẩm nang mang tên “từng bước nở hoa sen”, đem lại thật nhiều niềm vui và ý nghĩa trong cuộc đời. Vài thí dụ như sau:

Thức dậy:

Thức dậy miệng mỉm cười

Hăm bốn giờ tinh khôi

Xin nguyện sống tron vẹn

Mắt thương nhìn cuộc đời


Vặn nước:

Nước từ nguồn suối cao

Nước từ lòng đất sâu

Nước mầu nhiệm tuôn chảy

Ơn nước luôn tràn đầy


Rửa tay:

Múc nước để rửa tay

Xin nguyện cho mọi người

Có một bàn tay khéo

Gìn giữ trái đất này



Thở:

Thở vào tâm tĩnh lặng

Thở ra miệng mỉm cười

An trú trong hiện tại

Giờ phút đẹp tuyệt vời


Uống trà:

Chén trà trong hai tay

Chánh niệm nâng tròn đầy

Thân và tâm an trú

Bây giờ và ở đây


Tưới cây:

Đừng thấy mình riêng lẻ cây ơi

Nước này tuôn chảy từ mạch đất trời

Nước này là đại địa

Ta có nhau tự muôn đời.


Vừa rồi đây, nữ ca sĩ Khánh Ly, người nghệ sĩ rất danh tiếng từ thập niên 60 thế kỷ trước, lúc ấy Út Thanh vừa mới ra đời, người đã di tản qua Mỹ năm 1975, nay có dịp về thăm nhà ở Việt Nam. Trong dịp này, nữ ca sĩ đã có một bài viết rất chân tình được đăng trên báo trực tuyến VnExpress (15.08.2020) nói về cuộc đời của mình cùng với những công tác xã hội ở Việt Nam.

Bài viết mang tên “Đừng đánh mất nụ cười”. Nói về công tác cứu trợ xã hội, Khánh Ly đã thổ lộ những tâm tình có vẻ nghịch lý, nhưng lại rất đích đáng, chân tình và thiết thân: Làm công tác xã hội thường có nghĩa là đưa niềm vui đến cho những người nghèo khó đau khổ, nhưng Khánh Ly cho biết khi đưa niềm vui như thế đến cho người đau khổ thì chính mình cũng lại đã nhận được nhiều niềm vui từ chính những người đau khổ đó. Khánh Ly viết:

-“... Đến với những người nghèo và neo đơn, trẻ em kém may mắn, mình lại thấy được an ủi nhiều hơn. Những người cùng khổ đó lại cho mình hạnh phúc...”.

-“... Nếu em khổ mới biết thương người khổ”...

-“... Nhưng sau tất cả, tôi nhớ một người từng ghé ngang thành phố Đà Lạt, cùng nhìn và nghe tôi hát một bài, rồi lặng lẽ ra đi đã để lại trong lòng tôi một an ủi, ấm áp không thể quên được. Ông đã dặn dò: ‘Đừng bao giờ làm mất nụ cười. Nó sẽ mở cho em cánh cửa tốt đi vào cuộc đời’ ”.

Cậu dừng lại ở đây.

Nguyện Chúa ban cho dư dật Niềm Vui Sống

Trong yêu, trong thương, trong gắn bó, trong sứ mệnh

Cốnghiến cho xã hội những công dân ưu tú

Dâng lên cho Thiên Chúa những người con hoàn thiện

Niềm vui, nụ cười, cuộc sống là cả một mùa Xuân thể hiện


Cậu,
Lưu Hồng Khanh
Frankfurt, Germany



August 27, 2020
KỶ NIỆM NGÀY CƯỚI



Em Yêu,

Mới ngày nào gia đình mình kỷ niệm 10 năm mà hôm nay lại thêm 5 năm nữa rồi vậy là chúng mình đã là vợ chồng được 15 năm rồi đó nhỉ, thời gian đi qua nhanh quá phải không em ? Có biết bao nhiêu niềm vui và nổi buồn trong cuộc sống đã xảy ra cho vợ chồng mình, vì đã là con người thì chắc chắn niềm vui hay nổi buồn, thành công hay thất bại luôn xảy ra trong cuộc sống của mỗi người và vợ chồng mình cũng không ngoại lệ đó là quy luật trong cuộc sống, nên vợ chồng mình cũng luôn cố gắng lắng nghe, học hỏi chia sẻ với nhau trong những lúc gặp khó khăn,thử thách để cuộc sống luôn tốt đẹp và mang đến nhiều niềm vui hạnh phúc trong cuộc sống gia đình em nhé. Anh cũng cám ơn em đã lo lắng cơm nước hàng ngày cho Anh và các con cũng như phụ giúp Anh trong việc chăm sóc và dạy dỗ 3 cô công chúa của gia đình. Chúc em luôn tràn đầy hồng ân của Thiên Chúa,xin Chúa ban thêm ơn khôn ngoan, sự bình an, mạnh khỏe để Em tiếp tục dạy dỗ các con nên những người con tốt cho gia đình, cho giáo hội và xã hội.

Các con yêu thương của Bố.

Hôm nay là kỷ niệm 15 năm Bố Mẹ kết hôn, Bố cũng có ít lời cho các con.Bố rất thương yêu và lo lắng cho các con nhưng vì bận rộn với công việc làm để lo cho cuộc sống gia đình nên chắc chắn Bố không có nhiều thời gian ở bên cạnh các con bằng Mẹ nhưng các con tin chắc rằng Bố luôn sẵn sàng lắng nghe và giúp đỡ cho các con mỗi khi các con cần đến Bố. Bố mong các con luôn được mạnh khỏe, sống đạo đức, học hành giỏi giang, chị em thương yêu nhau, nhường nhịn giúp đỡ lẫn nhau đó là niềm vui và hạnh phúc lớn nhất cho Bố đó các con ạ.

Cuối thơ Anh chúc Em luôn trẻ đẹp mãi, mạnh khỏe và mọi sự bình an và các con biết sống đạo đức, thánh thiện và luôn là những đứa con ngoan của gia đình. Nguyện xin Thiên Chúa toàn năng và Mẹ Maria luôn gìn giữ, đổ tràn đầy hồng ân xuống cho gia đình mình và dẫn dắt gia đình mình trong bàn tay yêu thương của Ngài.



Happy 15th Years Anniversary,

Anh Phước Dại
August 26, 2020
Happy 15th Anniversay Bố và Mẹ!!

August 27, 2020

Kính gửi Bố Mẹ,

Mới đó mà đã 15 năm sau ngày kết hôn của Bố Mẹ. Gia đình mình đã trải qua nhiều khó khăn thử thách, nhưng tình yêu thương lúc nào cũng mang chúng ta lại gần với nhau.

Trước hết, con muốn cảm tạ Chúa Mẹ đã gìn giữ và ban nhiều ơn lành xuống cho Bố Mẹ trong suốt 15 năm qua. Cám ơn Bố Mẹ đã sinh thành ra con, nuôi nấng, dạy dỗ và giành hết tình yêu thương cho con từ khi con mới lọt lòng cho đến bây giờ nên con mới có được ngày hôm nay. Con cám ơn Bố đã hy sinh vất vả đi làm 6 ngày một tuần để kiếm tiền lo cho gia đình. Con cám ơn Mẹ mỗi ngày đã thức dậy sớm để chuẩn bị các món ăn sáng cho ba chị em chúng con và thức ăn để mang tới trường học cùng những bữa cơm tối thật ngon và lành mạnh cho cả nhà. Con hứa con sẽ vâng lời Bố Mẹ, giúp đỡ Bố khi Bố cần và giúp Mẹ với công việc nhà cũng như phụ Mẹ ở trong bếp nhiều hơn.

Con cũng xin lỗi Bố Mẹ vì có nhiều lần con làm Bố Mẹ buồn lòng. Bây giờ con đã bước vào trường trung học, lớp 9, con biết con rất bận rộn cho việc học hành, bài vở sẽ nhiều hơn và khó hơn nhưng con hứa con sẽ cố gắng học hành chăm chỉ để đạt được điểm tốt, vâng lời Bố Mẹ, giúp đỡ hai em trong công việc học khi hai em cần. Con hy vọng con sẽ thành một gương sáng cho hai em noi theo và một người con ngoan, xứng đáng của Bố Mẹ.

Ba chị em chúng con cũng cảm ơn Bố Mẹ thật nhiều đã khuyến khích chúng con học thêm tiếng Việt và đã giành thời gian đưa đón chúng con vào mỗi ngày Chúa Nhật. Nhờ sự tận tâm dạy dỗ của các thầy cô giáo ở trường và những câu ca dao,tục ngữ mà Mẹ phải giúp và giải thích cho chúng con hiểu nhờ đó mà hôm nay Chị Em chúng con mới có thể nghe, đọc, viết và nói được tiếng việt cùng với Bố Mẹ và những người thân yêu trong gia đình.

Chúng con mong ước trong những ngày tháng sắp tới Bố Mẹ và chúng con được sống hạnh phúc, vui vẻ và tràn đầy tiếng cười trong căn nhà nhỏ bé của mình nhé.Con yêu Bố Mẹ rất nhiều.



LOVE
Con Thanh Xuân
August 26, 2020
Anh Phước Đại...

Ngày 27 tháng 8 năm 2005 đến ngày 27 tháng 8 năm 2020 là đúng 15 năm ngày Thành Hôn của Anh và Em.

Một chặng đường không phải là quá ngắn mà cũng không phải là thật dài nhưng Em nghĩ rằng cũng đủ để cho Anh và Em hiểu nhau, cùng chia sẽ những cay đắng, ngọt bùi, nổi buồn, niềm vui với nhau và ngay cả những khó khăn trong đời sống gia đình mà chúng mình đã phải trải qua trong suốt 15 năm qua.

Bây giờ mình đã thành một gia đình với 3 người con gái thật ngoan ngoãn và đang tuổi lớn khôn chắc hẳn con đường phía trước đang còn rất nhiều chông gai và thử thách đó Anh.

Chúng ta cũng nguyện xin Chúa Mẹ luôn đồng hành và ban thêm sức mạnh cho Anh và Em để mình có thể vượt qua được những khó khăn của những ngày tháng sắp tới. Nhất là xin Chúa Thánh Thần soi sáng ban thêm sức mạnh và sự khôn ngoan, hiểu biết để Anh và Em có thể hướng dẫn, dạy dỗ con cái được nên người có lẽ đó là diều ước muốn duy nhất của bậc làm Cha làm Mẹ phải không Anh?

Em rất cảm ơn Anh đã hy sinh và vất vả đi làm giành hết thời gian để lo cho gia đình. Có những lúc công việc của Anh cũng gặp khó khăn và căng thẳng đầu óc suy nghĩ vì phải đương đầu khi máy móc bị hư hỏng nhưng Anh cũng không than phiền mà chỉ cố gắng tìm tòi, sửa chữa để vượt qua những khó khăn của công việc hàng ngày. Em cũng cố gắng phụ giúp Anh với công việc bếp núc và việc dạy dỗ con cái để Anh có thể yên tâm đi làm mỗi ngày. Mẹ cũng cảm ơn các con thật ngoan ngoãn, chăm chỉ hoc hành và luôn mang lại niềm vui, tiếng cười cho Bố Mẹ.Cách riêng Thanh Xuân con gái lớn của Bố Mẹ, năm nay đã ra trường lớp 8 và đã được Cô Hiệu Trưởng chọn để đọc bài diễn văn của mình. Bài diễn văn của con thật hay và đầy đủ ý nghĩa, làm cho mọi người trong gia đình rất hãnh diện về con. Con nhớ là hãy luôn cố gắng và tiếp tục học giỏi nhé.
Năm nay vì bệnh dịch COVID 19 lan tràn cả toàn thế giới rất nguy hiểm nên chuyến đi Florida của gia đình mình để mừng 15 năm cưới của Bố Mẹ cũng bị hoãn lại. Thôi hẹn tới hè năm sau 2021 nếu bệnh dịch không còn Bố Mẹ và các con sẽ cùng du ngoạn ở Florida nhé..
Cuối cùng Em cũng cầu mong cho tình yêu của chúng ta luôn mãi bền chặt để mình có thể vượt qua những sóng gió của cuộc đời và mang lại hạnh phúc ấm êm cho gia đình.
-Love you forever,

Em Kim Thanh



15 years = 180 months

15 years = 5,475 days

15 years = 131,400 hours

15 years = 7,884,000 minutes

15 years = 473,040,000 seconds
August 26, 2020
HAPPY 15TH ANNIVERSARY OF WEDDING  
Hai em thương mến,
Chị vẫn còn nhớ ngày em lên xe hoa, trời tháng tám của mùa hè 2005 những cơn nóng thật oi bức được quyện chung với những giọt lệ cuả lòng biết ơn về công ơn sinh thành cuả Thầy Mẹ đã chảy dài trên đôi má hồng và chiếc áo cưới lỗng lẫy, trắng nõn cuả Út. Niềm vui cuả mọi người trong gia đình khi thấy Út đã trưởng thành và cùng người yêu Phước Đại xây dựng một gia đình mới.
Năm tháng trôi qua, 3 cô Công Chúa lần lượt chào đời. Ngôi nhà bé nhỏ lại vang lên những tiếng khóc của bé bên cạnh những tiếng cười giòn tan như bắp nổ của Bố Đại. Có lẽ hai em đã có nhiều đêm không ngủ vì lo lắng, tận tình chăm sóc cho 3 cô Công Chúa trong những ngày bệnh hoạn, đau yếu. Thời gian thấm thoát thoi đưa, 3 cô Công Chúa lớn nhanh như thổi. Công Chúa Thanh Xuân nay đã bước vào “teens”….Các Công Chúa học hành trỗi vượt hơn ai. Bằng khen không còn chỗ treo! Trophies không còn chỗ để!  Chắc hẵn hai em rất hãnh diện về các con của mình.
Mười lăm năm mà tưởng chừng như mới xảy ra ngày hôm qua!!! Mười lăm năm với bao nhiêu hồng ân cuả Thiên Chúa và những thăng trầm của cuộc sống. Ước mong hai em được luôn trung thành với lời khấn nguyện về lòng chung thủy “khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khoẻ để yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời!” Nguyện xin Chúa chúc lành cho tình yêu của hai em luôn mãi bền chặt.
Love,
Chị Kim Loan



August 25, 2020
Mừng 15 Năm Thành Hôn Bố Mẹ!

Kính gửi Bố Mẹ,

Nhân dịp kỷ niệm mười lăm năm ngày cưới của Bố Mẹ, gia đình mình cùng quây quần bên nhau để tạ ơn Chúa và chúc mừng ngày Anniversary của Bố Mẹ!

Con cám ơ Bố Mẹ đã hy sinh cuộc đời để nuôi nấng, dạy dỗ và lo cho con, Chị Xuân, và Em Bé. Con rất tự hào vì luôn có Bố Mẹ bên cạnh để chăm lo, săn sóc từ khi con vừa chào đời cho đến bây giờ. Mỗi khi mùa Hè đến, chúng con được Bố Mẹ dẫn đi chơi ở Legoland và Knott’s Berry Farm thật vui. Con nhớ khi con còn bé và những lúc con bị bệnh, Bố Mẹ thường lo lắng và phải thức suốt đêm để lo cho con, mong sao cho con được mau lành bệnh. Con kính chúc Bố Mẹ luôn mạnh khỏe, nhiều niềm vui và luôn hạnh phúc bên chúng con!

Con hứa con sẽ cố gắng học giỏi, ngoan ngoãn, vâng lời và giúp đỡ Bố Mẹ trong công việc nhà mỗi khi con rảnh. Con thương Bố Mẹ rất nhiều!

Con Phương Thu
August 25, 2020
Ngày Vui Của Bố Mẹ

Kính gửi Bố Mẹ,

Hôm nay là ngày Anniversary của Bố và Mẹ. Con kính chúc Bố Mẹ được nhiều sức khỏe, vui vẻ, và mọi sự bình an. Vì dịch Covid-19, gia đình mình không được đi nhà hàng, mà con tính Anniversary năm nay dặc biệt hơn. Cám ơn Bố đã đi làm và kiếm tiền cho gia đình, và cám ơn Mẹ đã nấu đồ ăn ngon cho cả nhà. Con sẽ cố gắng học giỏi và được điểm tốt và cho Bố Mẹ vui!

XOXO, Con Huyền Trang



August 25, 2020
Hai em thương mến,

Kỷ niệm ngày cưới là dịp đặc biệt đối với các cặp vợ chồng. Đây cũng là dịp để hai em nhìn lại chặng đường đã qua và ngồi ôn lại những kỷ niệm vui, buồn trong cuộc sống gia đình.
Trong suốt 15 năm qua Chị tin tưởng rằng hai em đã lãnh nhận được biết bao nhiêu hồng ân Chúa đã ban xuống cho gia đình hai em . Mặc dầu trong đời sống hôn nhân hai em đã phải trải qua nhiều khó khăn và thử thách của cuộc sống,tuy vậy hai em vẫn luôn quan tâm ,thương yêu,dạy dỗ và chăm sóc cho con cái. Chị cũng rất vui khi nhìn thấy các Cháu ngoan ngoãn và chăm chỉ học hành. Đây cũng là niềm vui và vinh dự cho hai em.

Chị cầu chúc hai em có được nhiều niềm vui trong đời sống hôn nhân, sống hòa thuận và yêu thương nhau nhiều hơn,để có được một mái ấm gia đình luôn hạnh phúc nhé!

Happy Anniversary To KimThanh & PhướcĐại!


Thương mến,
Kim Phượng



Tháng Sáu Trời Mưa

June 9, 2020
          
           Tháng Sáu Trời Mưa


 
Đường trơn ướt trời mưa tháng sáu

Con đi trước quan tài mẹ theo sau

Gập-ghềnh đá hay chẳng muốn đi mau

Cho nỗi đau thấm dần vào tâm khảm 

 
Mẹ đi rồi lòng con mang mặc cảm

Bởi vỡ lòng con được học thơ ca

"Con trẻ mất cha ăn cơm với cá

Con trẻ mất mẹ lót lá mà nằm" 

 
Mẹ ở với con những tưởng trăm năm

Không thể một ngày, ngàn năm ly biệt

Mất bóng Mẹ để đàn con nhớ tiếc

Vòng tay ôm con biết ngập yêu thương 

 
May- mắn thay Thầy nối tiếp con đường

Giúp đoàn con tìm hướng đi phía trước

Nay giỗ mẹ chúng con cũng nguyện ước

Từ trời cao ơn phước được tràn đầy....... 

 
Xuân-Khuê

Viết nhân ngày giỗ Mẹ
June 10th 2020

Lễ Tạ Ơn tại giáo xứ Thánh Mẫu

May 18, 2020
Cách đây 25 năm Tân Linh Mục Gioan Baotixita Nguyễn Kỳ đã dâng thánh lễ Tạ Ơn tại Giáo Xứ Thánh Mẫu này .Đây là Giáo Xứ mà Gia đình Ông Cố Nguyễn Kinh cư ngụ và sinh sống trong một thời gian khá dài.Hầu hết các bà con thân thuộc đều hiện diện trong thánh lễ này, thật là hạnh phúc và ý nghĩa quá.

Mầng Ngân Khánh thụ phong Linh Mục JB Nguyễn Kỳ 17.05.1995--2020

May 21, 2020
Một bài Magnificat hôm nay
Tiếp nối bài Magnificat tiên trưng (Luca 1, 46-55)

Một người gieo giống ra đi
và đi trên các nẻo đường trần gian:
Một Lời rơi xuống từ trời
rơi xuống trong tận cùng lòng tôi

Cũng rơi trên nẻo đường đi
rơi xuống trên nền đất đá sỏi
rơi xuống cả trên bụi gai sắc nhọn
ai làm sao có thể hiểu nổi điều này?

Rơi xuống giữa những người trộm cướp
rơi xuống tận chân cây thập tự
rơi xuống thật sâu trong lòng đất
ai làm sao có thể hiểu nổi điều này?

Hạt giống đem lại hoa màu
và nở ra trong lòng đất:
Một Lời rơi xuống từ trời
rơi xuống trong tận cùng lòng tôi.

Nguồn: Lothar Zenetti, In Seiner Nähe, topos Tb 2015, tr. 36.
Biên dịch: Lưu Hồng Khanh
Cập nhật: Chủ nhật-Ngày Hiền mẫu, 10.05.2020

Têrêxa Nguyễn Kim Loan_Silver Jubilee 1995-2020

May 21, 2020
Câu chuyện cuộc đời cây Tre

Ngày xưa trong một vương quốc rộng lớn, nhà vua có một ngôi vườn thượng uyển cực kỳ kiều diễm và tráng lệ. Mỗi chiều, nhà vua thường thả bộ dạo mát trong vườn và thưởng thức cảnh đẹp của hoa lá cây cỏ. Trong các loại cây của ngôi vườn bách thảo, nhà vua thích nhất là một cây tre với hình dáng đài các hào hùng. Tháng năm tiếp nối trôi qua, cây tre cứ lớn lên mỗi ngày mỗi hùng dũng tươi đẹp. Tre cũng biết mình được vua để ý, ưa thích và hài lòng.

Một ngày nọ, vua đến gần cây tre, vẻ mặt có phần tư lự. Còn cây tre thì cúi mình xuống tận đất cung kính bái chào. Vua nói với cây tre rằng: “Hỡi tre của ta, nay ta cần ngươi”. Ngày hôm ấy dường như là chính cái ngày trong muôn muôn ngày cây tre được tác tạo nên. Cây tre từ tốn, nhẹ nhàng và kính cẩn thưa: “Kính thưa Hoàng Thượng, nầy con đây, xin Hoàng Thượng cứ sử dụng con theo như ý Ngài”! “Hỡi tre của ta”, - giọng nói của vua trở nên nghiêm nghị hơn - “để sử dụng ngươi, ta phải đốn chặt ngươi đi”! “Đốn chặt con đi? Con đây, sự vật màchính Hoàng Thượng quý trọng nhất trong vườn thượng uyển của Ngài”? “Hỡi tre thân yêu của ta”, - giọng nói của vua lại càng nghiêm nghị hơn nữa - “nếu ta không đốn chặt ngươi đi thì ta không thể sử dụng ngươi được”.

Toàn cà vườn thượng uyển bổng bặt hơi nín tiếng. Không một ngọn gió lướt thổi, dẫu là rất âm thầm nhỏ nhẹ. Chậm rãi, cây tre cúi mình thẳm sâu và thổn thức: “Kính thưa Hoàng Thượng, nếu Hoàng Thượng không thể sử dụng được con nếu không đốn chặt con đi, thì – nầy con đây, xin Hoàng Thượng hãy làm theo như ý của Ngài, xin hãy đốn chặt con đi”! “Hỡi tre thân yêu của ta, ta còn phải chặt bỏ hết các nhánh các lá các đốt mắt lồi lõm của ngươi nữa”. “Ôi, kính thưa Hoàng Thượng, việc đó thì con xin Ngài mở lòng bao dung hải hà của Ngài! Vẻ đẹp và nét hào hùng của con, Ngài cứ đốn chặt đi; nhưng nhành và lá và các đường vân đốt mắt thì con xin Ngài rộng lượng miễn thứ cho con”! Nhà vua phán: “Nếu ta không chặt bỏ nhành nhánh và lá và các đốt mắt thì ta không thể sử dụng ngươi được“!

Lúc này thì mặt trời đưa tay che mặt. Một con bướm hoảng hốt bay xa. Và cây tre – run lên trước những gì sẽ đến – rất nhẹ hàng thưa lên: “Kính lạy Hoàng Thượng, xin Ngài hãy chặt bỏ hết chúng đi như Ngài muốn”. Vua còn nói thêm: “Hỡi tre của ta, ta còn phải làm hơn nữa: ta còn phải bổ xẻ thân ngươi ra. Nếu không làm như thế, ta không thể sử dụng ngươi được”. Cây tre cúi mình xuống tận sát mặt đất và mấp máy thưa lên: “Kính lạy Hoàng Thượng, xin Ngài hãy đốn chặt, hãy róc bỏ, hãy bổ xẻ con ra”!

Và Đức Vua của ngôi vườn thượng uyển đã đốn chặt cây tre trong vườn mình, đã chặt bỏ nhành nhánh và lá và các đốt mắt, đã chẻ bổ nó ra làm hai, suốt từ gốc lên ngọn từ ngọn xuống gốc. Rồi Ngài đưa hai nửa cây tre đó đến một mạch suối đầy nước tươi mát phun chảy, đặt chúng xuống làm thành một cái máng dẫn dòng nước đến cả một vùng nương vườn và đồng ruộng khô cháy. Mạch suối reo vui lên, xối xả chảy qua lòng thân tre đã được đốn chặt bổ xẻ và đặt thành một cái máng dẫn nước đến vùng đất khô cháy đang chờ đợi được tưới tẩm. Rồi từ đây, rau cỏ khoai đậu và lúa nếp được gieo vãi, vun trồng, lớn lên, trổ bông rồi vàng chín thơm mộng vào ngày mùa.

Cây tre một ngày nào trước đây đầy tráng lệ hào hùng, rồi bị chặt đốn róc bỏ bổ xẻ, nay đã trở nên một phước báu lớn. Những ngày tre cao lớn dũng mạnh kia là những ngày tre sống cho riêng mình và tự hào với vẻ hùng mạnh của riêng mình; nhưng cái ngày mà tre hiến mình bị đốn chặt, róc bỏ và bổ xẻ, tre đã được biến thành cái máng cầu dẫn thông nước mát mà Đức Vua cần dùng, để làm cho nương vườn ruộng đồng được trở nên màu mỡ xanh tươi.

Lời nguyện: Lạy Ngài, xin hãy đốn chặt róc bỏ bổ xẻ đời con ra theo ý Ngài, để được thành máng cầu dẫn nước thông ơn, cho bao nhiêu nương vườn ruộng đồng cằn cỗi và khô cháy của loài người!

Nguồn: Các Truyền thống Tâm linh Châu Á.
Bản dịch: Lưu Hồng Khanh
Cập nhật: Chủ nhật, Ngày Hiền mẫu, 10.05.2020
Frankfurt, CHLB Đức





Mái Nhà Xưa

May 18, 2020
Anh Hai và Em Út đứng trước ngôi nhà của Thầy Mẹ tuy nhỏ bé, cũ kỷ nhưng chất chứa biết bao nhiêu là kỷ niệm vui buồn và nhất là tình yêu thương dạt dào vô bờ bến của Thầy Mẹ đã giành cho các Anh Em mình từ khi lọt lòng cho đến khi trưởng thành.
Chắc có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ quên được ngôi nhà:
107 Thánh Mẫu Phường 4, Đà Lạt -Việt Nam này phải không các Anh Chị .
Giờ Đây chỉ còn lại trong ký ức mà thôi.

Mừng Ngày Ngân Khánh

May 16, 2020


Kính thăm Anh,

Thời gian trôi qua mau quá phải không Anh? Hai mươi lăm năm Linh Mục của Anh với biết bao nhiêu thăng trầm, buồn vui thay đổi trong cuộc sống.

Em không được may mắn gần gũi và biết nhiều về Anh như những Anh Chị trong gia đình, nhưng cũng nhờ những chuyến đi du lịch qua Mỹ thăm Thầy và các Em nên em cũng có cơ hội được chuyện trò và được Anh kể về đời sống tu trì của Anh từ nhỏ cho đến lớn. Lúc Anh lên 11 ,12 tuổi Thầy Mẹ đã gửi anh vào học trường của các Cha hầu sau này con mình trở thành một vị Linh Mục chăng? Vì vâng lời Thầy Mẹ Anh đã rời xa gia đình khi còn nhỏ. Anh đã không được Thầy Mẹ giành tình yêu thương đặc biệt cho riêng Anh như các em của Anh. Em rất cảm phục tính vâng lời và sự cam đảm của Anh.

Trải qua biết bao nhiêu sóng gió trong cuộc sống Anh đã chịu đựng rất nhiều gian nan, khổ cực nhất là lúc Anh còn làm Thầy. Trong một chuyến đi xuống thành phố Nha Trang thăm Anh vào mùa Hè với khí hậu thật oi bức. Em còn nhớ vào mỗi buổi sáng sau khi đi lễ, ăn sáng xong là lúc Anh phải bước xuống ruộng để lo việc cày cấy, chăm lo cho lúa được tươi tốt. Mặc dầu đôi chân của Anh bị ăn mòn dần bởi những nước phèn, nước độc, ở đồng ruộng mà Anh vẩn cố gắng một mình chịu đựng không một lời than phiền. Có lẽ nhờ sự hy sinh, cầu nguyện âm thầm của Thầy-Mẹ và các em cho nên sau bao nhiêu năm chờ đợi Anh đã được Thiên Chúa tuyển chọn để trở thành một vị linh mục.

Ngày mà Anh được chịu chức Linh Mục cũng là ngày vui nhất của gia đình mình . Tuy Mẹ đã mất nhưng Mẹ cũng chia sẻ niềm vui với Anh ở trên Thiên Quốc. Thầy rất là hãnh diện về ước mơ của con mình đã thành hiện thực, nhưng vì hoàn cảnh quá xa xôi nên Thầy và các em đã không thể hiện diện trong thánh lễ truyền chức của Anh được. Vì thế Anh Khuê đã thay mặt gia đình về tham dự thánh lễ và cùng chung vui với Anh.

Trong thánh lễ tạ ơn tại giáo xứ Thánh Mẫu Anh đã xúc động và không cầm được nước mắt vì không được thấy sự hiện diện của Thầy và các em trong ngày trọng đại của mình.

Hôm nay nhân ngày kỷ niệm 25 nâm Linh Mục của Anh.Tất cả mọi người trong gia đình mình đều hướng về Anh để dâng lời tạ ơn và cầu nguyện cách đặc biệt cho Anh. Nguyện xin Thiên Chúa luôn đồng hành và luôn gìn giữ Anh trong mọi nẻo đường của cuộc sống.

Em cũng có vài vần thơ gửi đến Anh



Dâng Hiến



Lạy Chúa đời con hiến dâng Ngài

Dẫu đời Linh Mục lắm chông gai

Vui buồn, nghèo khó vẫn tiến bước

Ngài hằng che chở và xót thương

Ngày ngày dâng lễ trên bàn Thánh

Cầu mong nước Chúa được rạng danh

Hai lăm năm trọn, đời tận hiến

Chẳng chút đắn đo, chẳng ưu phiền

Con đây dâng cuộc đời còn lại

Quyết bước theo Ngài mãi đến cùng



ÚT KIM THANH
May 16, 2020
Congratulations Bác Kỳ!

Dear Bác Kỳ, In honor of 25 years of you becoming a priest, I wish you the best of luck throughout the journey God has sent for you of being his disciple. You have worked so hard to become a priest, and I hope you can continue to put your best work into serving God for your whole life. Sometimes it may be frustrating and though, but God will always be there to help you with all your troubles.

May God always bless you with happiness and peace in your life! I wish you the best in everything you do to serve for God, and I can’t wait to see you sometime soon!

  • Catherine Nguyen
May 16, 2020
­­Chúc Mừng Bác Kỳ

Kính gửi Bác Kỳ,

Nhân dịp kỷ niệm ngày 25 năm linh mục của Bác Kỳ, con kính chúc Bác Kỳ được nhiều sức khỏe và bình an để Bác Kỳ tiếp tục làm việc cho Chúa. Bác Kỳ ở bên Việt Nam, cho nên thật lâu con mới được gặp lại Bác Kỳ một lần. Con hy vọng trong tương lai con sẽ được theo Bố Mẹ về thăm đất nước Việt Nam nơi mà con chưa bao giờ được biết đến. Con sẽ được gặp lại Bác Kỳ, được thăm những thành phố, thắng cảnh đẹp ở đó, và nhất là con mong được thăm ngôi mộ của Bà Ngoại mà lâu nay Mẹ con cứ kể cho con nghe.

Xin Chúa Mẹ luôn gìn giữ Bác Kỳ được mạnh khỏe và tràn đầy ơn lành của Chúa!

  • Cháu Phương Thu
                                                                                  
May 16, 2020
Chúc Mừng Bác Kỳ

Chúc mừng Bác Kỳ 25 năm thành cha. Con kính chúc Bác Kỳ được một ngày vui vẻ và đầy ơn phúc của Thiên Chúa và Mẹ Maria. Con ước Bác được qua đây chơi với con và ở đây. Con mong được thấy nước Việt Nam và được thăm mộ Bà Ngoại khi co lớn!

  • Cháu Huyền Trang

May 16, 2020
Congrats Bác Ky!
Dear Bác Kỳ,

Congratulations on being a priest for 25 years! I hope you have good health to serve God today and forever!

  • Cháu Huyền Trang

Page 1 of 3

Share a story

 
Add a document, picture, song, or video
Add an attachment Add a media attachment to your story
You can illustrate your story with a photo, video, song, or PDF document attachment.